HỘI CHỢ - LỄ HỘI - TRIỂN LÃM - QUAN ĐIỂM- DỰ ÁN
(Bài 01)- Tham luận của ông Lưu Duy Dần -Tại hội thảo nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm Thủ công mỹ nghệ tại Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc
(Ngày đăng: 31/07/2023   Lượt xem: 152)
Langnghevietnam.vn 


Chủ tịch Hiệp hội làng nghề phát biểu tại hội thảo 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có hơn 5.400 làng nghề và làng có nghề, thu hút hơn 13 triệu lao động, mang lại giá trị xuất khẩu hơn 1,7 tỷ USD/năm. Những con số trên cho thấy sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề đã mang lại nhiều lợi nhuận, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng đất nước, an sinh xã hội và nâng cao đời sống cho nhân dân.
 Song, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ còn có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn nữa nếu được quan tâm đến kiểu dáng và mẫu mã. Nhiều năm trước, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được thị trường nước ngoài ưa chuộng bởi có mẫu mã mới lạ, giá thành hợp lý. Hiện nay, sức hấp dẫn bị giảm đi đáng kể khi không có sự thay đổi mẫu mã, nhu cầu của khách hàng ngày càng được nâng cao.
 Trở lại thị trường trong nước, điều này cũng không khá gì hơn. Phần lớn các sản phẩm làng nghề vẫn được sản xuất theo hình thức mẫu mã cổ truyền như tranh tứ linh, tranh tứ quý (khảm trai, sơn mài), hạc đồng, đỉnh đồng, chuông đồng (đúc đồng), sập gụ, tủ thờ, hoành phi, câu đối (mộc mỹ nghệ, chạm khắc gỗ), chụp đèn, bàn ghế (mây tre đan)… Một số sản phẩm cũng được cải tiến cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, tuy nhiên nhìn chung hình thức, mẫu mã của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại các làng nghề còn chậm cải tiến, đối mới, đột phá để theo kịp với sự phát triển đa dạng của kinh tế thị trường.
Để có một mẫu mã đẹp cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ không phải là chuyện của ngày một, ngày hai mà là một quá trình tìm kiếm, chắt lọc và sáng tạo. Có những nghệ nhân cả đời làm nghề chỉ tạo ra được một vài mẫu có giá trị, hay còn được gọi là để đời. Có nhiều nghệ nhân suốt đời làm nghề, kinh nghiệm và kỹ thuật tinh xảo có thừa song lại không có khả năng sáng tạo. Bởi vậy, để có một mẫu mã mới, đòi hỏi người nghệ nhân không chỉ khéo léo về kỹ thuật, kỹ xảo, nắm vững được đặc tính của chất liệu chế tác mà còn đòi hỏi khả năng tư duy sáng tạo và tâm hồn nghệ sỹ của nghệ nhân Thủ công Mỹ nghệ với hướng phát triển: “Kết nối cộng đồng làng nghề, Bảo tồn Văn hóa, Phát triển Du lịch, Đổi mới Sáng tạo, Hội nhập Quốc tế”.
Hiện nay có một thực tế, ở các làng nghề số lượng nghệ nhân tài hoa, hiểu sâu về kỹ thuật, kỹ xảo nghề truyền thống không có nhiều. Lớp nghệ nhân cao tuổi thì sức yếu, hạn chế về khả năng nắm bắt thị hiếu, thị trường, trong tiềm thức luôn lệ thuộc vào các mẫu mã truyền thống. Còn những người trẻ được học hành bài bản, có sự năng động, nhạy bén nhưng lại chưa có nhiều kỹ năng, kỹ xảo với nghề, hạn chế hiểu biết những chuẩn mực về giá trị truyền thống, thích chạy theo sự tân kỳ, bắt chước, sao chép mẫu sẵn có và cải biên chút ít để… làm mới. Đấy cũng là sự hạn chế nhất định cho phát triển mẫu mã, kiểu dáng thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ hiện nay.
Một lý do quan trọng nữa cắt nghĩa sự chậm phát triển của mẫu mã, thiết kế kiểu dáng sản phẩm thủ công mỹ nghề Việt Nam là hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề đều ở quy mô nhỏ lẻ (hộ gia đình), năng lực về vốn, mặt bằng và cơ sở vật chất hạn chế nên không thể đầu tư chiều sâu cho việc thiết kế mẫu mã mới.
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn sản phẩm thủ công mỹ nghệ phát triển mạnh mẽ hơn nữa phải “bật” được khỏi tư duy truyền thống thì mới tiếp tận được sâu với thị trường. Đó là một quan điểm song có lẽ chỉ ở một khía cạnh. Đơn cử lấy ví dụ trường hợp sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Huế. Trước năm 2015, dù Huế rất phát triển về du lịch song thị trường sản phẩm lưu niệm èo uột, nhiều cái phải nhập từ các tỉnh thành khác về bán, trong khi Cố đô Huế từng là một trong những cái nôi của thủ công mỹ nghệ và làng nghề ở Việt Nam. Sau khi lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa ra quy chế để cấp “Con dấu nhận diện sản phẩm thủ công mỹ nghệ Huế” với những sự bảo trợ và hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất, làng nghề, lập tức bộ mặt thị trường sản phẩm lưu niệm Huế thay đổi hẳn.
Theo quy chế, sản phẩm muốn được cấp con dấu này ngoài những yêu cầu phải rõ ràng về nguồn gốc, xuất sức nguyên vật liệu sản xuất, nơi sản xuất phải trên địa bàn tỉnh… thì một quy định rất rõ là phải có bản sắc văn hóa Huế. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang hơi thở, hình ảnh mảnh đất, con người Huế liên tục ra đời và mang lại sự hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khi đến với đất Cố đô.
Nói như vậy để cho thấy tinh hoa văn hóa Việt là một yếu tố quan trọng trong khai thác chất liệu để tạo nên những mẫu mã, kiểu dáng thiết kế mới cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ phù hợp với nhu cầu của thị trường. Hay nói khác đi, tính truyền thống cần được phát huy những điểm thế mạnh thay vì bảo thủ, cố hữu giữ rịt những mẫu mã truyền thống không còn phù hợp với thị trường.
Để những vấn đề đặt ra ở trên trở thành thực tế, nhất thiết phải có sự bắt tay của hai “nhà”: nhà thiết kế và nhà sản xuất.
Với nhà thiết kế, cần có sự thực tế của nhà sản xuất để mẫu mã sản phẩm vẫn mang được bản sắc dân tộc, hơi thở của vùng miền; vẫn tận dụng được tinh hoa công nghệ truyền thống, vừa có thể áp dụng công nghệ mới; dễ tổ chức sản xuất, đáp ứng được yêu cầu về số lượng lớn cho cả tiêu thụ trong nước và quốc tế, đồng thời phù hợp văn hóa, tập quán của vùng miền hay từng quốc gia tiêu thụ sản phẩm; kích thước, chất lượng, nguyên vật liệu và giá thành thành phẩm cần phù hợp với đối tượng khách hàng; sản phẩm vừa là mỹ thuật đơn thuần, vừa có thể là sản phẩm mỹ thuật ứng dụng…
Đối với nhà sản xuất, để nhà thiết kế đủ dữ kiện và thăng hoa sáng tạo, phải có sự chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ tối đa. Bên cạnh đó, ở mỗi bước trong quá trình sáng tạo, cả nhà thiết kế và nhà sản xuất phải liên tục bàn bạc, đánh giá để đưa ra những lựa chọn tối ưu nhất, chuẩn bị cho bước kế tiếp. Thậm chí, nhà sản xuất còn phải đem những gì đã phác thảo được thăm dò trước thị trường để đánh giá tiềm năng tương lai của sản phẩm có thiết kế, mẫu mã mới.
Với mục đích góp phần nâng cao giá trị thẩm mỹ, giá trị kinh tế cho hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Hội thảo “Tư vấn nâng cao lực thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ tăng sức cạnh tranh thị trường trong nước và xuất khẩu” được Cục Công thương địa phương (Bộ Công thương), tạo điều kiện để Trung tâm Khoa học và Công nghệ phát triển làng nghề (Hiệp hội Làng nghề Việt Nam) tổ chức với sự phối hợp của Sở Công thương tỉnh Vĩnh Phúc sẽ góp phần thành công của Hội thảo.
                                                                                                                       Lưu Duy Dần
                                                                                                         Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam


 
                                          Bài và hình : Ban TT- QHQT 
Xem thêm: 

>> (88)- Hội thảo nâng cao năng lực thiết kế mẫu mã sản phẩm Thủ công mỹ nghệ tại Huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc
 
 
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

60
Đang xem:
73.194.603
Tổng truy cập: