HỘI CHỢ - LỄ HỘI - TRIỂN LÃM - QUAN ĐIỂM- DỰ ÁN
Triển lãm “Thủ đô Hà Nội đổi mới và phát triển”
(Ngày đăng: 27/07/2013   Lượt xem: 559)
 Hà Nội sau 5 năm đổi mới, bề thế, văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc, nét riêng của từng vùng. Điều đó đã được tái hiện sinh động qua triển lãm "Thủ đô Hà Nội đổi mới và phát triển" do Sở VH,TT&DL tổ chức, khai mạc vào sáng 25-7, tại Bảo tàng Hà Nội. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 5-8.

Không quá cầu kỳ, triển lãm "Thủ đô Hà Nội đổi mới và phát triển" toát lên vẻ chân thực, như cuộc sống đang diễn ra sôi động ngoài thực tại.
 
Chị Trương Thị Liên, thôn Khoái Nội, xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín) trình diễn cách thêu tranh. Ảnh: Thu Hiền
Chị Trương Thị Liên, thôn Khoái Nội, xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín) trình diễn cách thêu tranh. Ảnh: Thu Hiền

Ngay từ lối vào, du khách có thể nhận thấy những "mảnh ghép" tư liệu giới thiệu khái quát về diện tích, dân số, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính. Bên trong, những gian hàng giới thiệu sản phẩm của một số làng nghề nức tiếng đất Kinh kỳ xưa nối hàng cạnh số gian trưng bày sản phẩm mang thương hiệu "quê lụa" như thêu Thắng Lợi (Thường Tín), lụa Vạn Phúc (Hà Đông), mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức)… Đó như lời khẳng định Thủ đô Hà Nội hôm nay có nhiều làng nghề truyền thống, sản phẩm nghề phong phú, gợi mở suy nghĩ về tương lai phát triển tươi sáng. Trong không gian ấy, nghệ nhân tài hoa của các làng nghề giới thiệu về các công đoạn làm nghề, giúp khách tham quan hiểu sâu sắc hơn về một số nghề truyền thống trên đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.
 
Trong 10 ngày diễn ra triển lãm, Sở VH,TT&DL sẽ bố trí các đoàn nghệ thuật biểu diễn phục vụ nhân dân vào các buổi sáng hằng ngày. Riêng ngày thứ bảy và chủ nhật (27và 28-7), chương trình văn nghệ diễn ra cả buổi sáng và chiều.
Ở một gian trưng bày, chị Trương Thị Liên, người thôn Khoái Nội, xã Thắng Lợi (Thường Tín) tỉ mỉ thêu tranh, như muốn giúp khách tham quan thấy được sự tinh tế trong từng đường kim mũi chỉ. Chị Trương Thị Liên nói: Từ khi Hà Tây và Hà Nội hợp nhất, hoạt động của làng nghề thêu Thắng Lợi vẫn diễn ra bình thường, nhưng tranh thêu có thị trường rộng lớn hơn, các nghệ nhân có cơ hội giao lưu, học hỏi nhiều hơn. Đó là một trải nghiệm thú vị.

Qua gian trưng bày sản phẩm nghề truyền thống là đến nơi trưng bày 100 tấm ảnh nghệ thuật về một Thủ đô trên đà phát triển. Đây là hình ảnh xe cộ bon bon trên con đường trải nhựa phẳng lì thuộc địa phận xã Yên Bài (Ba Vì) thay cho con đường đất đỏ xưa kia hễ mưa là bùn ngập bánh xe. Đây là hình ảnh gợi tả nông nghiệp, nông thôn Hà Nội đang tiến trên con đường hiện đại hóa: Người nông dân vận hành máy gặt đập liên hợp trên cánh đồng lúa xã Hồng Phong (Chương Mỹ), hệ thống kênh tưới tiêu Đan Hoài phục vụ sản xuất nông nghiệp cho cả huyện Đan Phượng, Hoài Đức và một phần huyện Từ Liêm mới được đầu tư, nâng cấp… Đổi mới, hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp rất riêng của làng quê truyền thống, đó là những gì người xem cảm nhận khi ngắm bức ảnh chụp khu dân cư thôn Thượng Đình, xã Nhị Khê (Thường Tín) hay nét mặt rạng rỡ tự hào của các mẹ, các chị làm ra món cốm Vòng thơm ngon trong tấm ảnh "Ngày hội văn hóa làng cốm Mễ Trì"...

Chủ đề của triển lãm là "Thủ đô Hà Nội đổi mới và phát triển". Đến xem, cảm nhận, khách tham quan như có chuyến "du lịch" khám phá đất và người Hà Nội.
 
Ý kiến nhân dân

Ông Nguyễn Văn Nam, phường Trung Phụng, quận Đống Đa:
Cần phát huy đà phát triển giao thông đô thị

Thời điểm năm 2008, dư luận rất bức xúc trước việc các tuyến giao thông quan trọng như Đại lộ Thăng Long, quốc lộ 32, đường Nguyễn Trãi... nối liền giữa các địa bàn của Hà Nội với Hà Tây (cũ) thi công ì ạch, đi lại gặp khó khăn. Chỉ sau 5 năm, các tuyến đường này đã được đưa vào sử dụng, giúp người dân từ nội thành ra ngoại thành và ngược lại được thuận tiện. Đồng thời, đường Lê Văn Lương kéo dài cũng được hoàn thành, giảm tải đáng kể cho đường Nguyễn Trãi. Kèm theo đó, các khu đô thị cũng được xây dựng ở hai bên đường. Nói như vậy, để thấy rằng diện mạo giao thông của Thủ đô đã thay đổi đáng kể. Nhân đà này, thành phố cần tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển giao thông của Thủ đô hoàn chỉnh, văn minh, hiện đại.

Ông Nguyễn Danh Sinh, thôn Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì:
Bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày

Cũng như nhiều xã ở huyện Ba Vì, 5 năm trở lại đây, chưa bao giờ tôi thấy bộ mặt của xã Chu Minh thay đổi rõ rệt như hiện nay. Trong thời gian ngắn, cơ sở hạ tầng của xã như điện, đường, trường, trạm được đầu tư, xây dựng khiến bà con vô cùng phấn khởi. Bên cạnh đó, trình độ dân trí của người dân được nâng lên, nhiều hộ làm nghề truyền thống trong xã có đời sống khấm khá. Thời gian tới, tôi mong rằng thành phố cần quan tâm hơn nữa trong việc đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho thanh niên nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Duy Biên (lược ghi)
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

52
Đang xem:
72.658.256
Tổng truy cập: