TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG - THỜI TRANG VIỆT
Tạo hình trên váy Mường
(Ngày đăng: 23/01/2013   Lượt xem: 1883)
Không rực rỡ và cầu kỳ như trang phục của các dân tộc khác, song trang trí trên váy truyền thống của phụ nữ Mường vẫn có những nét đặc trưng, nhất là cạp váy, cho thấy sự khéo léo cũng như thẩm mỹ của phụ nữ Mường.

Chiếc váy truyền thống của phụ nữ Mường có thiết kế khá dài, được mặc từ nách xuống gần mắt cá chân và may bó sát vào cơ thể. Chất liệu may váy là vải thâm hay vải nhuộm màu đen, lấy từ nhựa tự nhiên của các cây, quả, lá trên rừng. Chiếc váy được chia ra làm hai phần chính là phần đầu hay còn gọi là cạp váy (tính từ hông lên) và thân váy (từ hông xuống mắt cá chân). Tuy chiếc váy truyền thống của phụ nữ Mường khiêm tốn, nền nã, kín đáo và không có màu sắc chói lọi rực rỡ như của người Dao hay người Cao Lan, nhưng vẫn có những nét đặc trưng.


Nguồn: cinet
Điểm nổi bật và đẹp nhất trên váy truyền thống của phụ nữ Mường chính là phần cạp váy. Dù chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 30% của toàn bộ chiếc váy nhưng cạp váy được dệt theo ba phần khác nhau, được gọi là Rang trên, Rang dưới và Cao, sau đó can lại. Hoa văn trên mỗi phần được trang trí khác nhau và đây cũng sự phân biệt của mỗi phần. Thông thường, cạp váy truyền thống của phụ nữ Mường được trang trí khoảng 37 mô típ hoa văn khác nhau, trong đó có gần 25 mô típ hoa văn hình động vật. Phần Rang trên có trang trí hoa văn hình học (hình thoi hoặc hình vuông), chiều rộng gần 20cm, màu sắc chủ yếu là đen và trắng. Ở phần Rang dưới được dệt với màu đỏ và vàng nổi trên nền đen với hoa văn hình động vật như rồng, hươu (có hươu đứng và hươu quỳ), công, phượng..., có các dải ngăn cách bằng hoa văn hình chong chóng. Phần cuối cùng của cạp váy rộng 10 - 15cm, dệt các sọc màu to nhỏ khác nhau và có hoa văn hình học hoặc hình cây cách điệu. Ngoài các phần trên thì cạp váy truyền thống của phụ nữ Mường còn được trang trí nhiều hoa văn theo mô típ của trống đồng Đông Sơn.

Việc trang trí hoa văn trên cạp váy cho thấy quá trình lao động kỹ thuật công phu và tài năng của các cô gái Mường. Kỹ thuật đó bắt đầu từ khung cửi có thiết kế khá đặc biệt so với các khung cửi khác để khi dệt cạp váy với nhiều “co” (go) và được nhiều mẫu hoa văn hơn. Cách dệt cũng phức tạp, đòi hỏi người dệt phải thật sự khéo tay và có kinh nghiệm. Kỹ thuật nhuộm sợi vải cũng công phu, để tạo ra được màu sắc đẹp, bền, chủ đạo là các gam màu trắng, đen, đỏ, vàng, xanh. Bên cạnh đó, người dệt cũng phải thể hiện sự khéo léo trong cách bố cục các mô típ hoa văn ở từng Rang sao cho hợp lý. Việc sắp xếp vị trí của từng loại hình, động vật trang trí ở mỗi Rang vừa phải đẹp mắt, vừa để hình nọ hỗ trợ làm nổi bật hình kia mà không phá bố cục chung...

Phụ nữ Mường tự hào với chiếc váy truyền thống của mình. Họ thường mặc trong các dịp lễ, hội, ngày tết, phường bùa. Nói về việc mặc trang phục truyền thống, bà Hồ Tư ở phường Chăm Mát, TP Hòa Bình, người đã tham gia phường bùa hơn 10 năm cho biết: “Đầu năm chúng tôi thường đem chiêng đi khắp các nhà trong bản, đánh lên những bản chiêng chúc phúc, cầu cho gia chủ một năm mùa màng bội thu và nhiều may mắn. Điều không thể tách rời đối với mỗi phường bùa là trang phục truyền thống, vì nó không chỉ thể hiện vẻ đẹp của phụ nữ Mường khi khoác lên mình bộ trang phục đặc trưng của dân tộc mình, mà đó còn là văn hóa của chúng tôi”.

Nhận xét về họa tiết hoa văn trên váy phụ nữ Mường truyền thống, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Từ Chi cho rằng: “Cạp váy - nó chính là nơi duy nhất người Mường chọn để làm nghệ thuật tạo hình. Họ không khắc lên gỗ, lên đá, lên đồ gốm, lên kim loại, không tạc tượng gỗ, tượng đá, không nặn tượng đất, không đúc tượng đồng mà họ dệt cái quan niệm thẩm mỹ của mình lên cạp váy phụ nữ”.

Theo: Đại biểu Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.688.602
Tổng truy cập: