KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Gerard Sekoto - Cha đẻ của nghệ thuật hiện đại ở Nam Phi
(Ngày đăng: 18/06/2013   Lượt xem: 435)
Photo: gerard-sekoto-cha-de-cua-nghe-thuat-hien-dai-o-nam-phi

Được mệnh danh là cha đẻ của nghệ thuật hiện đại Nam Phi, nhiều bức tranh của Gerard Sekoto được định giá tới hơn 1 triệu USD. Mới đây, triển lãm cá nhân của ông đã được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Wits (WAM) tại Johannesburg (Nam Phi).

Gerard Sekoto sinh năm 1913 tại Lutheran (Nam Phi) trong một gia đình có cha là nhà truyền giáo và mẹ là một giáo viên. Những bức tranh đầu tiên của mình, Gerard Sekoto đã vẽ những người thân, quang cảnh đầm ấm của những cuộc sum họp gia đình, bạn bè. Ngoài ra, ông còn là một người có khiếu cảm thụ âm nhạc nổi trội. Tốt nghiệp chương trình sư phạm ở Johannesburg, lẽ ra, Gerard Sekoto sẽ mãi là một giáo viên mẫn cán nếu như sau bốn năm miệt mài trên bục giảng, ông không nhận ra sức hấp dẫn của các màu sắc. Gerard Sekoto miệt mài khám phá thế giới hội họa và đến năm 1938, ở tuổi 25, sau một giải thưởng hội họa, thầy giáo trẻ đã quyết định rời bục giảng, chuyển đến thị trấn Sophiatown ở Johannesburg để dành toàn thời gian cho việc vẽ tranh. Một năm sau, Gerard Sekoto có triển lãm tranh đầu tiên.

Mặc dù không phải là một nhà hoạt động xã hội, nhưng tranh của Gerard Sekoto lại phản ánh rất rõ nét những hậu quả mà người da đen phải gánh chịu do nạn phân biệt chủng tộc. Bằng tình cảm của một người nghệ sĩ, Gerard Sekoto đã mô tả niềm vui trong cuộc sống lao động thường ngày của những người da đen, những chịu đựng của họ dưới sự chuyên quyền của người da trắng. Từ đó, họa sĩ gián tiếp phản bác lại quan điểm của người da trắng khi coi người da đen là hạ cấp.

Gerard Sekoto - Cha đẻ của nghệ thuật hiện đại ở Nam Phi 1
Cuộc sống thường ngày của người lao động da đen dưới cái nhìn của Gerard Sekoto

Gerard Sekoto - Cha đẻ của nghệ thuật hiện đại ở Nam Phi 2
Người da đen cũng là lực lượng lao động bị bóc lột đến cùng cực

Mặc dù được bạn bè ủng hộ việc ở lại Nam Phi để tiếp tục đấu tranh cho quyền lợi của người da đen bằng chính sáng tạo nghệ thuật, nhưng cuối cùng sau Thế chiến II, Gerard Sekoto quyết định chuyển tới Paris, sống cuộc đời lưu vong. Nhưng rồi hi vọng về Paris hoa lệ, nơi bản thân có thể thăng hoa trong nghệ thuật của Gerard Sekoto sụp đổ. Ông phải tập cách làm quen với một môi trường xa lạ. Hai năm đầu tiên, cuộc vật lộn về tài chính, ngôn ngữ và tình cảm khiến Gerard Sekoto cảm thấy đó là những ngày buồn bã nhất của cuộc đời mình. Thất vọng và gần như là một người vô gia cư, Gerard Sekoto phải tới các quán bar nhỏ và câu lạc bộ đêm, biểu diễn nhạc jazz để kiếm sống.

Gerard Sekoto - Cha đẻ của nghệ thuật hiện đại ở Nam Phi 3
Cuộc truy đuổi người da đen khỏi các đô thị những năm 1950

Gerard Sekoto - Cha đẻ của nghệ thuật hiện đại ở Nam Phi 4
Vụ thảm sát Sharpeville

Liên tiếp tổ chức hai triển lãm tranh vào năm 1948 và 1949 nhưng đều thất bại đã đẩy Gerard Sekoto vào tình trạng trầm cảm, nghiện rượu. Thậm chí, ông đã bắt buộc phải tới điều trị tại một bệnh viện tâm thần ở vùng ngoại ô Paris. Sau đó, Gerard Sekoto mới bắt đầu thích nghi với hoàn cảnh và tìm thấy chỗ đứng của bản thân trong làng hội họa Pháp. Ông bắt đầu vẽ về môi trường mới, những con phố của thủ đô Paris, các quán cà phê và các câu lạc bộ nhạc jazz. Nhưng rồi những bất ổn chính trị tại quê nhà lại thôi thúc Gerard Sekoto thể hiện quan điểm bản thân, mà tiêu biểu là bức tranh mô tả vụ thảm sát Sharpeville ngày 21/3/1960, khi cảnh sát nổ súng giết chết 69 người da đen phản đối việc yêu cầu họ mang theo giấy tờ tùy thân. Sự kiện này cũng đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc tại Nam Phi.

Gerard Sekoto - Cha đẻ của nghệ thuật hiện đại ở Nam Phi 5

Gerard Sekoto - Cha đẻ của nghệ thuật hiện đại ở Nam Phi 6
Cuộc sống của Gerard Sekoto những ngày mới đặt chân tới Paris

Năm 1966, Gerard Sekoto trở về châu Phi, tham gia Liên hoan nghệ thuật đầu tiên dành cho người da đen ở Dakar (Senegal). Và đề tài sáng tạo cũ tưởng đã ngủ quên lại thức dậy. Gerard Sekoto đã vẽ rất nhanh những động tác trong điệu múa truyền thống của người Wolof trong dịp này. Tuy nhiên mong ước được đi thăm thú khắp châu Phi trong lần hồi hương của Gerard Sekoto không thành khi Marthe Hennerbert, người phụ nữ kề vai sát cánh cùng ông suốt 30 năm sóng gió lâm bệnh nặng. Họa sĩ đã phải kề cận để chăm sóc người bạn đời cho đến năm 1982 khi bà qua đời. Lúc này, một lần nữa, Gerard Sekoto lại rơi vào tình trạng trầm cảm và nghiện rượu. 

Gerard Sekoto - Cha đẻ của nghệ thuật hiện đại ở Nam Phi 7
Điệu múa truyền thống của người Wolof

Cũng từ những năm này, tên tuổi của Gerard Sekoto bắt đầu nổi tiếng trên toàn thế giới, xuất hiện trong nhiều triển lãm danh giá. Cùng với sự dâng cao và thắng thế của phong trào chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, Gerard Sekoto được ngợi ca ở châu Phi cũng như nhiều quốc gia bởi tinh thần bênh vực và cảm thông với người da đen trong các tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, cuối đời, Gerard Sekoto sống cô đơn trong một ngôi nhà dành cho các nghệ sĩ cao tuổi ở ngoại ô Paris. Ông không còn cơ hội trở về quê hương, kể cả khi người mẹ già qua đời. Gerard Sekoto qua đời vào năm 1993, ngay sau đó, năm 1994, quy tắc cai trị “trắng thiểu số” ở Nam Phi bị xóa sổ.
                                                                                                   Theo:
Tri Thức trẻ
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

9
Đang xem:
72.521.419
Tổng truy cập: