(82)- Độc đáo vườn tượng trên cao nguyên Măng Đen
(Ngày đăng: 22/07/2024 Lượt xem: 45)
Những thân gỗ xù xì qua bàn tay nghệ nhân đã hồi sinh thành những bức tượng độc đáo của nghệ thuật dân gian Tây Nguyên được trưng bày giữa thị trấn Măng Đen khiến du khách không thể rời mắt.
Giữa thị trấn Măng Đen (huyện Konplong, Kon Tum) hàng trăm bức tượng gỗ mang đậm sắc thái độc đáo văn hóa vùng cao Tây Nguyên được trưng bày ở chợ phiên Măng Đen trở thành điểm nhấn thú vị và là trải nghiệm kỳ thú cho những du khách ưa tìm hiểu nét đẹp văn hóa và đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.
Thị trấn Măng Đen nằm ở phía nam huyện Kon Plong, trên cao nguyên Măng Đen, ở độ cao 1.200m so với mực nước biển. Để tô thêm nét đặc sắc cho "Đà Lạt thứ 2" mang đậm phong cách Tây Nguyên, địa phương và hiệp hội du lịch nơi đây đã cho tạc hàng trăm bức tượng gỗ dựng ngay bên QL24 tạo nên điểm nhấn để du khách khám phá khi đặt chân đến mảnh đất này.
Vườn tượng rộng hàng trăm m2 với hàng trăm bức tượng gỗ được chế tác mang đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên có từ hàng trăm năm qua. Ngoài ra, vườn tượng còn có những khối đá chất chồng lên nhau tạo điểm nhấn thú vị giữa thị trấn mờ sương.
Những bức tượng gỗ được trưng bày ở chợ phiên Măng Đen ngay bên dưới rừng thông giữa thị trấn Măng Đen tạo nên không gian kỳ thú, mang đậm màu sắc tâm linh huyền bí và là nơi phản ảnh sinh động về sinh hoạt văn hoá, tâm linh của đồng bào các dân tộc địa phương.
Tại chợ phiên Măng Đen, mỗi xã trên địa bàn huyện Kon Plong sẽ có một gian hàng và nơi đây ngoài bày bán những mặt hàng nông sản truyền thống của người đồng bào miền cao nguyên thì còn trưng bày những bức tượng gỗ như một cách để mang nét đặc sắc nhất về con người, vùng đất đến với du khách.
Du khách đến Măng Đen ngoài check-in các điểm du lịch, săn mây và hít hà không khí se lạnh, hòa mình vào đất trời miền cao nguyên thì việc ngắm nhìn, khám phá những bức tượng gỗ ở vườn tượng sẽ giúp du khách có những góc nhìn thú vị về con người, văn hóa của đồng bào nơi đây.
Tượng gỗ dân gian có một vị trí rất đặc biệt trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, thể hiện khát vọng nhân sinh đầy dung dị trong đời sống sinh hoạt của người dân. Chính vì vậy, tượng gỗ Tây Nguyên không có một hình dáng nhất định mà thường biểu thị ở hình dáng đa dạng, đa sắc thái và biểu cảm.
Đánh cồng chiêng - hoạt động nghệ thuật đặc sắc của người dân Tây Nguyên, là di sản của vùng đất này và ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi thế hệ nên trong hội họa, điêu khắc... thì hình ảnh những "chiến binh" luôn được khắc họa một cách chân thực nhất.
Không chỉ có tạc tượng mà những nhung nhớ về hình ảnh sinh hoạt trong đời sống của người đồng bào Tây Nguyên còn được khắc họa qua nét vẽ trên nền ván gỗ tạo nên sự độc đáo - Trong ảnh: Hai người phụ nữ giã gạo được vẽ bằng sơn màu.
Những khúc gỗ đơn thuần được các nghệ nhân "thổi hồn" thành tác phẩm nghệ thuật mang trong mình dấu ấn văn hóa và tâm linh in đậm màu sắc thi ca của vùng đất thiêng. Mỗi tác phẩm đều mang triết lý riêng, nhưng tựu chung trong tiềm thức của người bản xứ “vạn vật hữu linh" bắt nguồn từ những bức tượng nhà mồ bởi đây một trong những nghi lễ lớn nhất trong năm.
Giống như những pho sử thi Tây Nguyên đồ sộ và độc đáo, tượng gỗ dân gian ở Tây Nguyên tuy đa dạng nhưng cũng vô cùng dung dị và gần gũi. Hầu hết các bức tượng khắc họa hình ảnh đời thường từ lao động sản xuất đến sinh hoạt cộng đồng - một cách thể hiện rất “vật thể” trong một không gian văn hóa “phi vật thể” rộng lớn.
Các nghệ nhân tạc tượng theo cảm nhận và sự sáng tạo riêng, không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu. Sự cộng hưởng với sáng tạo cá nhân dựa trên chiều sâu văn hóa đã tạo nên những tác phẩm độc đáo, không trùng lặp và mang đậm dấu ấn riêng của nghệ nhân.
Phần lớn các tác phẩm tượng gỗ được chế tác bằng công cụ thô sơ nên đều mang trên mình dấu vết đẽo gọt mộc mạc của rìu, rựa hay đục. Hình ảnh những pho tượng thô mộc, rắn rỏi đứng hiên ngang dãi dầu mưa nắng cũng như toát lên cốt cách con người và văn hóa Tây Nguyên.
Theo quan niệm của người Tây Nguyên, chết không phải là hết mà đó là sự trở về với núi rừng, nơi con người đã được sinh ra. Khi người thân ra đi, để tiễn đưa, họ có những món quà là những bức tượng sinh động về con người, động vật và những đồ dùng sinh hoạt... phản ánh những gì mà khi còn sống, mỗi người đều phải trải qua.
Ngoài chủ đề con người thì người nghệ nhân còn sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật mang hình tượng muông thú, những con vật kề cận trong đời sống nhân sinh.
Theo: baogiaothong.vn