KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Kinh nghiệm quản lý làng nghề ở các nước
(Ngày đăng: 13/07/2024   Lượt xem: 28)

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều quốc gia đang nỗ lực bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống nhằm duy trì giá trị văn hóa và thúc đẩy kinh tế địa phương.

Hàn Quốc: nơi làng chài truyền thống hòa quyện cùng nhịp sống hiện đại

Từ thế kỷ XIX, Busan đã có những làng chài bình yên với nhiều ngư dân sinh sống. Giờ đây, Busan nơi du khách có thể đắm chìm trong nét đẹp văn hóa và đời sống của người dân địa phương. Nổi tiếng với những bãi biển thơ mộng, Busan còn thu hút du khách bởi sự kết hợp hài hòa giữa nét truyền thống và hiện đại.

Nhận thức được tiềm năng du lịch to lớn của các làng chài truyền thống tại Busan, từ những năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống chiếu sáng, tiện ích công cộng và dịch vụ du lịch. Nhờ vậy, đời sống của người dân địa phương được cải thiện đáng kể và Busan cũng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Làng chài Cheongsapo là một ví dụ điển hình cho sự phát triển du lịch bền vững tại Busan. Được trang bị hệ thống chiếu sáng hiện đại, hệ thống điều hòa không khí và các tiện nghi khác, Cheongsapo mang đến sự thoải mái cho du khách, trở thành điểm đến an toàn, tiện lợi và thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm văn hóa địa phương.
Nghệ nhân làng nghề Khokhloma Nga, với nghệ thuật sơn vẽ trên gỗ. Ảnh: AP

Nghệ nhân làng nghề Khokhloma Nga, với nghệ thuật sơn vẽ trên gỗ. Ảnh: AP

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông công cộng được phát triển thuận tiện giúp du khách dễ dàng di chuyển đến các làng chài truyền thống. Sự nổi tiếng của các bộ phim và chương trình truyền hình Hàn Quốc cũng góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Busan đến với du khách quốc tế, khơi gợi niềm đam mê khám phá và thôi thúc du khách đến trải nghiệm thực tế.

Thị trưởng Busan, Park Heong-joon đã tự hào chia sẻ trong Lễ hội Văn hóa Hàn Quốc 2024 chủ trì bởi Bộ VHTT&DL Hàn Quốc rằng: “Busan có lịch sử lâu đời cùng phong cảnh kì vĩ, đây là một TP vô cùng trù phú và thu hút rất nhiều khách du lịch”. Ông cũng kêu gọi các tổ chức và DN cùng chung tay quảng bá về Busan ra toàn cầu.

Hàn Quốc đang ghi dấu ấn mạnh mẽ với mô hình quản lý "Một đội" độc đáo, kết hợp chặt chẽ giữa khu vực công và tư nhân trong việc điều hành và phát triển kinh tế địa phương. Mô hình này được đánh giá cao bởi sự hiệu quả và linh hoạt, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều, bền vững và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc còn thể hiện tinh thần cầu học hỏi cao khi tích cực tiếp thu kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực quản lý và phát triển kinh tế địa phương.

Làng Khokhloma, Nga: lưu truyền nghệ thuật sơn vẽ trên gỗ qua nhiều thế hệ

Khokhloma là một làng nghề truyền thống nổi tiếng của Nga, nổi bật với nghệ thuật sơn vẽ trên gỗ. Được biết đến với tên gọi vẽ "Khokhloma", kỹ thuật này ra đời vào thế kỷ XVII tại vùng Nizhny Novgorod.

Chính phủ Nga đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo tồn và phát triển nghệ thuật Khokhloma. Các nghệ nhân được hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để duy trì và phát triển nghề truyền thống. Nhiều bảo tàng và triển lãm nghệ thuật được tổ chức nhằm giới thiệu và quảng bá nghệ thuật Khokhloma đến công chúng và du khách quốc tế.

Các trường nghệ thuật và các trung tâm đào tạo chuyên biệt được mở ra để truyền dạy kỹ thuật Khokhloma cho thế hệ trẻ. Các hội thảo và lớp học thủ công được tổ chức thường xuyên để nâng cao kỹ năng của các nghệ nhân và thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Các sản phẩm Khokhloma không chỉ được bán trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác. Chính phủ Nga hỗ trợ các DN làng nghề tham gia các hội chợ quốc tế để mở rộng thị trường tiêu thụ. Nhiều DN đã áp dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử để quảng bá và bán sản phẩm Khokhloma trực tuyến, giúp tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn.

Theo Nghệ nhân Nhân dân Nga Nikolai Gushchin: "Tranh Khokhloma là một phần quan trọng của di sản văn hóa Nga. Những người nghệ nhân đang góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy di sản này cho các thế hệ tương lai”. Ông gọi những sản phẩm có sơn vẽ Khokhloma là những “thỏi vàng” có thể sử dụng.

Làng Khokhloma đã trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm nghệ thuật sơn vẽ trên gỗ. Du khách có thể tham gia vào các hoạt động thủ công, tự tay vẽ và mang về những sản phẩm mình tự làm. Du khách đến làng Khokhloma không chỉ được chiêm ngưỡng nghệ thuật sơn vẽ mà còn được khám phá văn hóa và lối sống của người dân địa phương, tạo nên một trải nghiệm du lịch toàn diện.

Saville Row, Anh: bảo tồn và lưu giữ giá trị cốt lõi, đi cùng phát triển của nhân loại

Savile Row, nằm ở trung tâm Mayfair, London, nổi tiếng với ngành may đo thủ công truyền thống dành cho nam giới. Được xây dựng từ năm 1731 đến 1735, Savile Row là con phố khởi đầu của rất nhiều thương hiệu may đo nổi tiếng thế giới với hàng trăm năm lịch sử. Đây cũng là nơi được tín nhiệm bởi nhiều nguyên thủ quốc gia và những nhân vật nổi tiếng.

Chính sách bảo tồn của Savile Row được triển khai dưới Khu vực Chính sách Đặc biệt (SPA) do Hội đồng TP Westminster bảo vệ từ năm 2016, nhằm duy trì và phát triển nghề may đo truyền thống. Hiệp hội Savile Row Bespoke, được thành lập năm 2004, đặt ra các tiêu chuẩn cao cho nghề may đo, yêu cầu các thợ may phải dành ít nhất 50 giờ lao động thủ công cho mỗi bộ vest. Những tên tuổi lớn như Davies & Son, Scabal, và Huntsman không chỉ góp phần duy trì mà còn nâng tầm nghệ thuật may đo thủ công.

Năm 1969, cửa hàng Nutters of Savile Row đã hiện đại hóa phong cách may đo truyền thống, tạo ra phong trào "New Bespoke Movement" vào những năm 1990 với sự tham gia của các nhà thiết kế Richard James, Ozwald Boateng và Timothy Everest. Các cửa hàng trên Savile Row cũng đã thay đổi mặt tiền và sử dụng các chiến dịch tiếp thị để thu hút khách hàng, đồng thời giữ vững tiêu chuẩn may đo thủ công cao cấp.

Ông Ozwald Boateng, một trong các nhà thiết kế Âu phục thời kỳ đầu, chia sẻ khu phố Savile đã phải trải qua nhiều biến động của lịch sử và những thay đổi trong thị hiếu người dùng, song những người thợ tại Saville vẫn có trong mình sự tự hào và trách nhiệm, lưu giữ những dấu mốc hào hùng về lịch sử của con phố. “Đây là nơi những huyền thoại được sinh ra” - ông Ozwald Boateng nói.

Mặc dù thời gian thay đổi và công nghệ phát triển, Savile Row vẫn kiên định giữ vững truyền thống may đo của mình. Các thợ may tại đây không chỉ là những nghệ nhân tài ba mà còn là những người bảo vệ truyền thống, giữ gìn và phát triển các kỹ thuật may đo cổ truyền. Điều này không chỉ giúp bảo tồn một phần di sản văn hóa quan trọng của Anh mà còn chứng minh rằng các làng nghề truyền thống vẫn có thể thích ứng và phát triển trong thời hiện đại.

                                                 Theo: kinhtedothi.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.712.013
Tổng truy cập: