KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Hoa tai bạc của người Bahnar
(Ngày đăng: 28/06/2024   Lượt xem: 19)

Hoa tai bạc hay ngà voi là trang sức đặc trưng của phụ nữ Bahnar ở huyện Kông Chro. Nếu hoa tai ngà voi gần như biến mất cùng với tục căng tai thì hoa tai bạc vẫn tồn tại trong đời sống của người Bahnar như một tiêu chí của cái đẹp, của truyền thống văn hóa.

1. Người Bahnar thường rất cầu kỳ trong trang phục, trang sức, đặc biệt là trang phục lễ hội. Họ quan niệm, nếu thiếu đôi hoa tai và chiếc vòng cổ bằng bạc, nghĩa là chưa hoàn thiện một bộ trang phục đúng bản sắc văn hóa. Trong xã hội cổ truyền, hoa tai bạc không chỉ là trang sức mà còn thể hiện sự giàu có, quyền lực của chủ nhân.

Bà Cit (làng Tờ Nùng-Măng, xã Ya Ma) hiện sở hữu nhiều trang sức bạc, trong đó 1 đôi hoa tai dáng tròn, 1 đôi có 2 cạnh xoắn ốc tạo hình hoa văn đặc trưng như trên mái nhà rông, nhà mồ. Phần dái tai của người phụ nữ Bahnar đi qua hơn 80 mùa rẫy có nhiều vết đứt do sức nặng của những đôi hoa tai bạc.

Không còn chỗ để “xâu” thêm lỗ tai, bà Cit thường đeo trang sức bạc trước ngực, thể hiện niềm tự hào thầm kín về truyền thống văn hóa và gốc gác sung túc, giàu có của gia đình, dòng họ.

Hoa tai bạc là trang sức đặc trưng của phụ nữ Bahnar ở huyện Kông Chro. Ảnh: H.N

Hoa tai bạc là trang sức đặc trưng của phụ nữ Bahnar ở huyện Kông Chro. Ảnh: H.N

Bà Cit kể: Trước kia, gia đình bà giàu có nổi tiếng trong vùng, sở hữu nhiều ruộng đất và đàn trâu, bò, ngựa có đến vài trăm con. Mẹ bà cũng là người có nhiều trang sức bạc nhất vùng. Hai đôi hoa tai bạc của bà chính là “của hồi môn” gia đình cho khi bà lấy chồng.

Chỉ lên đôi tai mình, bà Cit hồi nhớ: “Ngày xưa, hễ thấy người Bahnar nào đeo những đôi hoa tai bạc chứng tỏ họ xuất thân giàu có hoặc gia đình có quyền lực. Người đeo trang sức bạc được dân làng ngưỡng mộ, kính trọng. Nhưng bây giờ khác rồi, chị em có thể mua hoa tai bạc đeo thường xuyên để làm đẹp”.

Bà Đinh Thị Pan cũng là một trong số ít phụ nữ ở làng Tờ Nùng-Măng thường đeo hoa tai bạc dù phần dái tai đã giãn rộng, thõng xuống trước sức nặng của loại trang sức kim loại. Mỗi cử động của bà đều khiến chiếc hoa tai đong đưa duyên dáng trên gương mặt hiền hậu.

“Người con gái Bahnar nào lớn lên cũng mơ ước có một đôi hoa tai bạc. Đây là đôi hoa tai mình được truyền lại từ mẹ. Khi mình về với Yàng, nó sẽ được trao lại cho con gái, cháu gái, chứ không bao giờ bán”-bà Pan tự hào kể.

Nói về vật trang sức truyền thống này của người phụ nữ, anh Đinh Văn Poi-Công chức Văn hóa-Xã hội xã Ya Ma-cho biết: “Hoa tai bạc có kích thước lớn gần bằng cái còng đeo tay, là đồ trang sức quan trọng trong quan niệm vẻ đẹp của người Bahnar. Nó góp phần hoàn thiện vẻ đẹp trang phục truyền thống của phụ nữ.

Tháng 4 vừa qua, đoàn nghệ nhân của xã tham gia Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Gia Lai. Gần ngày lên đường, mọi người mới phát hiện trang phục của đội xoang thiếu hoa tai bạc. Thế là phải đi mượn của những người già trong vùng. Người già ở đây rất trân quý món trang sức này, trả giá bao nhiêu họ cũng không bán”.

Bà Cit-làng Tờ Nùng-Măng (xã Ya Ma) xem hoa tai bạc như một sự nhắc nhớ về truyền thống văn hóa, gốc gác giàu có của gia đình. Ảnh: Hoàng Ngọc

Bà Cit-làng Tờ Nùng-Măng (xã Ya Ma) xem hoa tai bạc như một sự nhắc nhớ về truyền thống văn hóa, gốc gác giàu có của gia đình. Ảnh: Hoàng Ngọc

2. Những đôi hoa tai bạc ngày nay không khó tìm mua, giá khoảng 1-3 triệu đồng tùy độ nặng, nhẹ, mức tinh xảo. Nó không còn là trang sức tượng trưng cho sự giàu có, quyền lực, phải đổi bằng nhiều trâu bò, thậm chí là đất đai như trước. Tuy vậy, trong cuộc sống thường ngày, chỉ thấy người già đeo hoa tai bạc.

Là thế hệ trẻ của làng Nhang Lớn (xã Đăk Kơ Ning), chị Biên thỉnh thoảng mới làm đẹp với đôi hoa tai bạc trong dịp lễ hội hay sự kiện văn hóa của cộng đồng.

Chị lý giải: “Hoa tai bạc truyền thống của các bà, các mẹ khá nặng, lỗ tai phải rất rộng mới đeo vừa. Nếu đeo thường xuyên thì dái tai sẽ bị giãn rộng. Chị em rất thích món trang sức này nhưng hạn chế sử dụng.

Quan niệm cái đẹp giữa các thế hệ đã có sự thay đổi, chị em bây giờ không thích dái tai to và rộng nữa. Nhưng hoa tai bạc không biến mất như loại hoa tai ngà voi, bởi thế hệ trẻ Bahnar vẫn rất yêu quý trang sức này. Mình thường đeo hoa tai trong những dịp lễ hội ở cộng đồng hay tham gia các sự kiện văn hóa trên huyện, trên tỉnh”.

3. Trang sức bạc đã có một đời sống phong phú cùng với chủ nhân vùng đất văn hóa Kông Chro. Vậy người Bahnar có thể chế tác được trang sức từ bạc? Mang theo câu hỏi này, cách đây nhiều năm, chúng tôi từng đi tìm người chế tác trang sức ở vùng đất Đông Trường Sơn và may mắn gặp được nghệ nhân Bri (làng Bơ Yang, thị trấn Kông Chro).

Người Bahnar gọi những người làm ra nông cụ như rìu, rựa, cuốc, xẻng… là thợ rèn. Những thợ rèn biết chế tác trang sức từ kim khí như nhôm, đồng được gọi là “gru hớ jơm” (thợ rèn tài hoa) để chỉ sự tài hoa, khéo léo.

Ông Bri là một trong những nghệ nhân hiếm hoi như vậy. Ông cho chúng tôi xem những đôi hoa tai bạc tuyệt đẹp làm cho vợ mình từ một lò rèn thô sơ trên nhà rẫy. Đó cũng là những thứ cuối cùng ông làm trước khi “giải thể” lò rèn vì không nhiều người có nhu cầu làm trang sức bạc nữa.

Trang phục, trang sức lễ hội của thiếu nữ Bahnar Đông Trường Sơn. Ảnh: Hoàng Ngọc

Trang phục, trang sức lễ hội của thiếu nữ Bahnar Đông Trường Sơn. Ảnh: Hoàng Ngọc

Nghệ nhân Đinh Keo-nguyên Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Kông Chro-khẳng định: “Vùng đất Kông Chro trước chỉ có 2 người biết chế tác trang sức từ đồng và bạc là ông Bung và Bri. Nhưng ông Bung đã qua đời cách đây nhiều năm, chỉ còn ông Bri. Cả vùng này tìm một người biết luyện kim đã khó, làm ra những trang sức đẹp như ông Bri lại càng hiếm”.

Trang sức thể hiện đậm nét đời sống văn hóa tinh thần của cư dân Tây Nguyên, trong đó có người Bahnar. Thay đổi không ngừng qua thời gian, nhiều loại trang sức cổ xưa của người Tây Nguyên giờ chỉ còn trong hình ảnh, tư liệu hoặc hiện vật trưng bày tại các bảo tàng như vòng ống đồng đeo ở cổ tay, cổ chân, hoa tai ngà voi… Trang sức bạc thì vẫn được người Bahnar giữ gìn trong mạch nguồn đời sống, có sức sống riêng trong dòng chảy văn hóa ngàn năm Trường Sơn-Tây Nguyên.

                                       Theo:  baogialai.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.644.474
Tổng truy cập: