KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Phố Hội cổ kính
(Ngày đăng: 20/10/2012   Lượt xem: 1044)

Phố cổ Hội An vẫn giữ được vẻ đẹp rêu phong cổ kính và hết sức thanh bình vốn có của mình. Một yếu tố quan trọng làm nên sức thu hút của phố Hội chính là quần thể di tích kiến trúc cổ độc đáo vừa mang sắc thái nghệ thuật truyền thống, lại vừa thể hiện sự giao lưu hội nhập văn hóa với các nước phương Đông và phương Tây vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn đến ngày nay.

Hội An là một thị xã cổ nằm ở vùng hạ lưu ngã ba sông Thu Bồn thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30km.  Từ cuối thế kỷ 16, Hội An là trung tâm mậu dịch quốc tế trên hành trình thương mại Đông - Tây, là một thương cảng phồn thịnh nhất của xứ Đàng Trong - Việt Nam trong triều đại các chúa Nguyễn bởi thương thuyền từ Nhật Bản, Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan ... thường đến đây để trao đổi, mua bán hàng hoá.

Cho đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, khu phố cổ Hội An vẫn bảo tồn gần như nguyên trạng một quần thể di tích kiến trúc cổ gồm nhiều công trình  nhà ở, hội quán, đình chùa, miếu mạo, giếng, cầu, nhà thờ tộc, bến cảng, chợ ... Những ngôi nhà cổ với mái lớp ngói âm dương được xây dựng theo kiểu hình ống được nối với nhau bằng nhiều nếp chạy dài từ phố này sang phố khác… Những con đường phố hẹp chạy ngang dọc tạo thành các ô vuông kiểu bàn cờ. Với những nét kiến trúc và văn hóa cổ độc đáo đó, Hội An được xem như một bảo tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị  rất có sức hấp dẫn đối với du khách.

Khu phố cổ Hội An đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới từ năm 1999. Theo tài liệu thống kê, đến nay Hội An có 1.360 di tích, danh thắng. Riêng các di tích được phân thành 11 loại gồm: 1.068 nhà cổ, 19 chùa, 43 miếu thờ thần linh, 23 đình, 38 nhà thờ tộc, 5 hội quán, 11 giếng nước cổ, 1 cầu, 44 ngôi mộ cổ. Trong khu vực đô thị cổ có hơn 1.100 di tích. Đến nay, Hội An luôn là một trong những điểm du lịch được ưa chuộng đối với du khách trong và ngoài nước

.

Thành phố Hội An nằm bên bờ sông Thu Bồn. 



Mô hình chung trong kiến trúc của các ngôi nhà cổ Hội An thường theo kiểu hình ống được nối với nhau bằng nhiều nếp chạy dài từ phố này sang phố khác.


“Chùa Cầu” là một biểu tượng của thành phố Hội An.


Gọi là Chùa Cầu, nhưng thực ra đây đúng là một cây cầu hơn là một ngôi chùa. Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật Bản góp tiền xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, nên đôi khi người ta còn gọi là cầu Nhật Bản.



Cầu dài khoảng 18 mét, có mái che, uốn cong qua lạch nước chảy ra sông Thu Bồn. Chùa Cầu là một trong những di tích có kiến trúc khá đặc biệt. Mái chùa lợp ngói âm dương. Trên cửa chính của Chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán là ”Lai Viễn Kiều”. Chùa và cầu đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu, mặt chùa quay về phía bờ sông. Hai đầu cầu có tượng thú bằng gỗ đứng chầu, một đầu là tượng chó, một đầu là tượng khỉ, có lẽ xuất xứ từ việc cây cầu xây từ năm Thân, hoàn thành xong vào năm Tuất.


Phần lớn những ngôi nhà ở đây có kiến trúc truyền thống niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Giữa những ngôi nhà phố có xem kẽ những công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng.

Những công trình này hầu hết được xây dựng từ vật liệu truyền thống như gạch, gỗ và không có nhà quá hai tầng. Hiếm nơi đâu có kiến trúc nhà giống như Hội An, nhà liền nhà, vách liền vách với những bức tường chung dày đến mấy gang tạo cảm giác ấm cúng vào mùa đông và thoáng mát mùa hè.

Nói đến ngõ đó là một hình ảnh văn hoá đặc thù, khó lẫn của con người Hội An. Không ồn ào, xô bồ, thấy sự thoáng đãng của không gian. Những con ngõ nhỏ sinh ra để nối với đường thông suốt.




Thông thường nhà ở Hội An được làm khung gỗ, hai bên có tường gạch, mỗi ngôi nhà chiều ngang từ 4 đến 8 mét, chiều sâu từ 10 đến 40m. Theo chiều sâu các nhà được kết cấu 3 phần: không gian buôn bán, không gian sinh hoạt và không gian thờ cúng. Kiến trúc này mang tính văn hóa khu vực. Đây là một đặc trưng rất quan trọng của kiến trúc khu phố cổ Hội An.

Nhà cổ nào ở đây cũng còn giữ nguyên vẹn một nếp gia phong thể hiện bằng những đồ dùng gia bảo từ thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau.



Mặt tiền hẹp của các ngôi nhà ở phố cổ Hội An thường được tận dụng làm nơi buôn bán




Kiểu nhà phổ biến nhất ở Hội An là những ngôi nhà phố có 1 hoặc 2 tầng với chiều ngang hẹp, chiều sâu dài theo kiểu nhà hình ống
.

Đôi mắt cửa -  linh hồn những ngôi nhà cổ nơi đây sẽ vẫn mãi mãi trông theo, bảo vệ con người cùng hơi thở Hội An.



Lối kiến trúc cổ kính cùng với nếp sống thanh bình, nhẹ nhàng làm nên đặc trưng riêng của phố cổ Hội An



Hàng năm Đô thị cổ này thu hút cả triệu khách du lịch trong và ngòai nước.
Ngọc Thành
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

52
Đang xem:
73.194.544
Tổng truy cập: