KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Tỷ phú thích dồn tiền mua 15.000 cổ vật lập bảo tàng
(Ngày đăng: 06/06/2016   Lượt xem: 1446)

20 năm bôn ba buôn bán, cũng là khoảng thời gian đi nhặt nhạnh, sưu tầm cổ vật, đồ cũ đậm nét văn hóa làng quê, người đàn ông 45 tuổi đã dồn tiền tỷ để dựng nên một bảo tàng tư nhân mộc mạc, nơi lưu giữ hồn quê vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa, đủ để thế hệ trẻ tìm hiểu để không quên nguồn cội.

                  Anh Mạnh, bên phiên bản tượng 18 vị La Hán phỏng theo chùa Tây Phương
Đời ông, đời cha của anh Nguyễn Quý Mạnh đã từng trông coi ngôi chùa Cốc, nhưng nó đã bị chiến tranh tàn phá. Trước khi nhắm mắt, ông nội của anh Mạnh đã từng trăn trối: “Nếu một mai cháu khá giả thì nhớ trùng tu lại di tích chùa Cốc vốn đã bị chiến tranh tàn phá, đổ nát nhé!”.
 
Sau khi đã tìm hiểu về lịch sử ngôi chùa và sưu tầm kha khá cổ vật, làm ăn phát đạt, anh Nguyễn Quý Mạnh (phường Dĩnh Trì, TP. Bắc Giang) đã bỏ cả trăm tỷ đồng ra phục dựng lại ngôi chùa xưa, đồng thời đem cổ vật, đồ cũ triển lãm trong đó.
 
                 Chùa Cốc (tên chữ Vạn Ninh Tự) được anh Mạnh phục dựng lại khá nguyên bản
 
Quá khứ lam lũ
Khi được hỏi vì sao có tiền lại dành để xây di tích, lập bảo tàng đồ sộ, hoành tráng đến thế, anh Mạnh trầm ngâm kể lại hành trình 20 năm của mình. Đi lên từ hai bàn tay trắng với những chuỗi ngày lam lũ, năm 14 tuổi anh đã phải nghỉ học, rồi tự thân đi kiếm việc mưu sinh. Khi đó, còn ít tuổi nên anh cũng chẳng kiếm được việc gì ra hồn, nên đành đạp xe rong ruổi khắp các chợ trong vùng mua gà của dân để về bán lại cho các chủ lò mổ lấy chút tiền lãi. Miệt mài buôn bán, “thắt lưng buộc bụng” được 4-5 năm, anh Mạnh bỏ tiền ra mua được “con xe” Minkhơ để chạy những chuyến buôn xa hơn. Có xe trong tay, anh bắt đầu phóng lên tận chợ Sàn (huyện Lục Nam) chợ Mẹt (tỉnh Lạng Sơn), thậm chí đến cả Tân Thanh giáp biên giới để lùng gà.
Anh triết lý “mua tận gốc, bán phải tận ngọn” mới có lãi. Tiến từng bước từ từ rồi anh cũng mua được con ôtô tải để buôn những chuyến hàng lớn hơn.
 
Rồi một cơ hội trời cho, và cũng rất may mắn để đổi vận đã đến. Anh tâm sự “ Vào thập niên  90 của thế kỷ XX,  đất ở  thị Xã Bắc Giang vẫn còn rẻ như cho. Có một người quen đánh mối, tôi đã  bỏ toàn bộ số tiền tích cóp được hồi đi buôn để mua vài mảnh đất dưới đó chờ giá lên thì bán lại”.  Rồi bỗng nhiên, các khu đô thị mới mở ra, hệ thống đường xá được làm đi qua những lô đất anh Mạnh đã mua, đẩy giá đất tăng lên vùn vụt. Bán qua tay 4-5 lô đất, anh đã có tiền tỷ trong tay. Cũng từ đó anh Mạnh  đích thực trở thành một chàng tỷ phú trẻ tuổi và nhảy vào giới kinh doanh bất động sản một cách tình cờ.
 
Gần 20 năm qua, anh  đã dần dần trở nên có tiếng trong giới kinh doanh bất động sản ở Bắc Giang. Nhưng chẳng giống một gã tỷ phú nào, Nguyễn Quý Mạnh đã dồn toàn bộ sản nghiệp vào việc xây chùa, bảo tàng tư nhân, hay săn tìm mua lại những nét văn hóa xưa cũ.
 
Dồn sản nghiệp sưu tầm văn hóa
Với mong muốn bảo tồn và hướng tới cội nguồn nên không gian văn hóa rất độc đáo được cá nhân anh Mạnh bỏ tiền túi ra làm hoàn toàn mở cửa miễn phí của du khách mọi nơi đến tham quan, tìm hiểu, vui chơi. Nếu có dịp đến thăm quan bảo tàng văn hóa này, ngay sau cánh cổng sắt, du khách sẽ thấy một cổng chào bằng đá được tạo dựng theo kiểu hòn Non Bộ rất cầu kỳ và công phu. Rẽ sang bên trái, khách thăm quan sẽ bị hút mắt bởi bức tường phù điêu bằng đất nung dài gần 100m. Những hình ảnh trên bức tường phù điêu đất nung ở đây tái hiện lại cho người xem cả một nền văn hóa Chăm pa sinh động và độc đáo qua các thời kỳ.
Trong khuôn viên bảo tàng, du khách sẽ bắt gặp ngay hình ảnh 18 vị La Hán ngự ở 2 bên hàng lang, khá giống với phiên bản gốc ở chùa Tây Phương( Thạch Thất, Hà Nội). Chỉ có điều các vị La Hán này được làm bằng chất liệu đá chứ không phải bằng gỗ. Ngay giữa sân là khu bể cá cảnh, hòn Non Bộ và khi bước lên bậc thềm du khách sẽ bắt gặp đôi nghê đá khá đồ sộ chầu 2 bên. Qua những hàng bậc, khu nhà trưng bày cổ vật và một số mái đình, chùa khiến nhiều người trẻ ngẩn ngơ ngắm. Anh Quý cho biết: “Ở khu quần thể di tích văn hóa này, tôi đã đầu tư xây, phục dựng lại tất cả 10 mái đình, ngôi chùa lớn nhỏ khác nhau và một số gian để trưng bày bộ sưu tập cổ vật của tôi”.
 
Nguyễn Quý Mạnh còn cho phục dựng lại căn nhà giả cổ đặc trưng của vùng Đồng Bằng Bắc Bộ. Căn nhà này được lợp mái ngói, kèo, cột bằng gỗ quý và tường xây bằng đá ong, bên trong có tượng người phụ nữ vùng Bắc Bộ xưa trong trang phục áo nâu sòng đặc trưng, cùng bàn, ghế uống nước cổ điển. Nhìn hình ảnh ngôi nhà, các bạn trẻ đến đây có thể dễ dàng hồi tưởng lại quá khứ với những nét văn hóa đặc trưng của vùng lúa nước cận Sông Hồng.
 
Để làm nên những công trình trong khu bảo tàng này, anh Mạnh đã phải thuê các cánh thợ ở khắp nơi. Thuê thợ làm đá ở Ninh Bình, thợ mộc Hà Tây cũ, Bắc Ninh, thợ đúc đồng Ý Yên (Nam Định) và cả những cánh thợ Trung Bộ,  Nam Bộ. Có lúc anh đã phải thuê hơn 100 thợ làm suốt ngày, đêm cho kịp tiến độ đã đề ra. Những nguyên liệu phục vụ cho việc xây dựng, anh cũng phải thuê người đi lấy ở khắp nơi, từ đá vôi ở vùng núi Chi Lăng (Lạng Sơn), đá xanh vùng Ninh Bình, đến đá ong (Hà Tây cũ), đá phiến (Thanh Hóa)…Tất cả thành quả mà giờ đây ai về núi Cốc nhìn thấy ở nét bề ngoài đã cảm thấy quá ngỡ ngàng khó hiểu.
Diện tích tổng thể khu quần thể di tích văn hóa núi Cốc này đã lên tới gần 30.000m2 (gần 3ha) trông ra cánh đồng lúa xóm Núi trước mặt rất đẹp.
 
Cho đến nay anh Mạnh đã sưu tầm và mua được hơn 15.000 hiện vật . Anh đã có trong tay những chiếc bình đất nung thuộc thời đại văn hóa Đông Sơn (cách đấy 2.500.năm), đồ vật dụng bằng đất, đá thời Phùng Hưng (cách đây 1300 năm). Còn những hiện vật có niên đại từ thời Lý, Trần, Lê thì nhiều vô số. Không chỉ có thế trong bộ sưu tập đồ của mình, anh còn có cả bộ rìu đá của người Việt cổ rất hiếm, rồi đồ gốm sứ của các làng nghề nổi tiếng trong cả nước như: gốm Chu Đậu, gốm Hương Canh, gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng,  gốm Thổ Hà.
 
Nhưng anh thổ lộ, trong số này, bộ đồ cổ anh thích nhất là hơn chục chiếc bình gốm đời Khang Hy ( 1654-1722 bên Trung Quốc). Anh đã mua lại được bộ bình gốm này từ những ngư dân ở Cù Lao Chàm. Bộ bình gốm này giờ đã thành vô giá và thuộc loại quý hiếm nhất ở Việt Nam.
 
                  Bộ bình gốm rất quý giá có niên đại thời vua Khang Hy, Trung Quốc ( 1654-1722)
 
Nhưng vì lí do an ninh và một số gian trưng đang trong giai đoạn hoàn thiện, nên nhiều cổ vật quý hiếm của anh vẫn chưa trình diện du khách.
 
                      Tượng liền anh, liền chị quan họ-đặc trưng trong văn hóa vùng Kinh Bắc.
 
Ngôi nhà giả cổ mái ngói ba gian rất đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ trước đây. Móng và tường nhà được xây bằng đá ong, một vật liệu truyền thống vùng Hà Tây cũ
 
Một điều đặc biệt và ấn tượng với du khách gần xa khi đến đây là được chiêm ngưỡng lại những món đồ, dụng cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt xưa cũ gắn bó với cư dân vùng Đồng Bằng Bắc Bộ ngày xưa. Đó là những chiếc chum, vại bằng sành với nhiều kích cỡ khác nhau mà ngày xưa hầu như gia đình nào cũng có. Chúng dùng để đựng nước sinh hoạt, đựng tương hay làm mắm.
 
                   Chum, vại làm bằng sành dùng để đựng nước, đựng tương, làm mắm khi xưa
 
Ngoài những chiếc chum vại quen thuộc khi xưa, anh Mạnh sưu tầm  cả những chiếc cối giã gạo của một thời gian khó mà bà và mẹ vẫn dùng để làm ra những bát cơm trắng cho cả gia đình. Anh Mạnh đã có trong tay nhiều cối giã gạo bằng đá ngày xưa với đủ các loại kích cỡ khác nhau. Các gia đình xưa dùng loại nhỏ, còn loại lớn là để phục vụ những lúc làng xã, đình chùa có việc.
 
      Những chiếc cối xay bằng đá rất quen thuộc với các gia đình vùng Đồng Bằng Bắc Bộ ngày xưa
 
Không chỉ có cối giã mà trong bảo tàng còn có nhiều chiếc cối xay bằng đá. Những bát cháo thơm, hay các thứ bánh quê quen thuộc được làm ra sau khi gạo được xay thành bột từ chính loại cối đá cổ điển này.
 
                             Cối giã gạo bằng đá cũng rất quen thuộc trong các gia đình xưa
 
Ngoài ra ở khu bảo tàng còn rất nhiều chó đá. Chó đá ngày xưa thường đặt thành từng cặp đứng canh ở cổng đình, chùa, nghĩa trang hay nhà các vị địa chủ giầu có. Nó mang yếu tố tâm linh, như thần giữ của, như loài vật trấn yểm ở những nơi linh thiêng.
 
                                                       Những con chó đá
 
Có thể nói tất cả những cổ vật bằng đá, bằng sành trên sẽ chẳng có giá trị với những ai không biết hoặc không sống ở thời quá khứ. Với anh Mạnh, được sinh ra trong một gia đình truyền thống, đời ông, đời cha đều đã tiếp xúc, gần gũi với những cổ vật đó. Bên cạnh đó, anh cũng được các nhà sử học, văn hóa học tư vấn khi lập bảo tàng nên hơn ai hết anh rất hiểu văn hóa truyền thống để tái hiện lại không gian sống vùng Đồng Bằng Bắc Bộ xưa. Những công trình phục dựng, mô phỏng hoặc tái hiện một nét văn hóa đặc trưng của các vùng miền cũng là điểm nhấn và xuất hiện nhiều trong khu bảo tàng tư nhân này.
 
Voi đá, ngựa đá, lính canh đá là sự mô phỏng nguyên bản lăng đá Dinh Hương và lặng Ngọ vương ở vùng Hiệp Hòa, Bắc Giang
 
                 Tượng thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh làm bằng đá ong xứ Đoài ( Hà Tây cũ)
 
   Không gian văn hóa ở đây còn bài trí thêm tượng đất nung hình linga đặc trưng vùng Nam Trung Bộ
 
                     Cầu đá, một kiến trúc văn hóa cũng rất đặc trưng ở nhiều vùng quê Bắc Bộ
 
                                                 Hòn Non Bộ trong vườn cây xanh tươi
 
                     Động nhận tạo tạo cảnh và là nơi cho trẻ em đến chơi ở trong khu bảo tàng
                                                                            Theo songmoi.vn
 
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

37
Đang xem:
72.659.488
Tổng truy cập: