KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Thú vị nghề chơi… gốc cây
(Ngày đăng: 06/06/2016   Lượt xem: 365)
Gần đây, phong trào chơi các loại đồ mỹ nghệ từ gốc cây cổ thụ phát triển rầm rộ. Từ những gốc cây tưởng chừng bỏ đi, sự khéo léo của người thợ đã biến chúng thành những vật dụng có giá trị rất cao, đôi khi lên đến hàng trăm triệu đồng.

“Củi khô” bán ra tiền

Trước đây, khi chọn mua một cái cây, người ta chỉ quan trọng phần thân. Do dùng nhiều để cất nhà, làm bàn ghế, giường ngủ… nên đòi hỏi phần thân phải thẳng mới có giá trị, còn phần nhánh hoặc gốc cây chỉ dùng để làm củi chụm. Thế nhưng, những năm gần đây, những gốc cây tưởng chừng bỏ đi đã trở thành những món hàng được rất nhiều người tìm mua. Anh Cao Tùng Lâm (ngụ xã Định Thành, Thoại Sơn), chia sẻ: “Vừa rồi, mình sửa lại nhà nên cắt cây vú sữa khoảng 30 năm tuổi bên cạnh nhà. Do phải làm nền móng nên mình phải lấy phần rễ lên. Vừa đem lên để trước sân khoảng 1 tuần là có người đến mua với giá 3 triệu đồng”.

                                         Những gốc cây như thế này rất được ưa chuộng

 Tùy vào từng loại gỗ, độ lớn, độ tuổi của gốc mà có giá bán khác nhau. Có gốc chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng cũng có gốc lên đến vài chục triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Thanh, người có kinh nghiệm làm việc tại một cơ sở chạm khắc gỗ ở huyện Chợ Mới, cho biết, trước đây, người ta chỉ chuộng các loại cây gỗ có giá trị cao như trầm, bên, cà chất… nhưng ngày nay, ngay cả những loại gốc cây tạp ở nhà đều được tìm mua với giá khá cao. Phần lớn người mua gốc cây để làm thành những tác phẩm nghệ thuật trang trí trong nhà. Những gốc cây sau khi mua về, ngoài việc chế tác những bộ bàn ghế, tủ gỗ, những cặp lục bình... thì còn tùy vào sở thích, họ sẽ thuê thợ đục ra các sản phẩm, như: Bát mã, tứ linh, điểu hổ tranh hùng… Từ những gốc cây sần sùi, qua đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ chạm khắc đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, lập tức trở thành những món hàng độc đáo với nhiều chi tiết sắc sảo.

Bỏ hàng trăm triệu chơi gốc cây

Chơi đồ mỹ nghệ làm từ gốc cây rất tốn kém, trong đó tiền công để hoàn thành một tác phẩm luôn rất cao. Anh Nguyễn Thanh Tài, một nghệ nhân chạm khắc gỗ ở xã Văn Giáo (Tịnh Biên), cho biết, tùy theo hình dáng của sản phẩm, thời gian để hoàn thành mà giá có thể dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Chỉ cho chúng tôi xem bộ bàn ghế bằng gốc cây giáng hương, anh Tài thông tin: “Bộ bàn này có chiều dài khoảng 1,6m, ngang 1m, chỉ tính tiền gỗ thôi đã có giá khoảng 50 triệu đồng. Nhận làm bộ bàn ghế này, tôi lấy tiền công 40 triệu đồng nhưng mất hàng tháng trời mà vẫn chưa xong. Nếu sản phẩm làm xong, giá trị của nó có thể lên đến 160 - 200 triệu đồng”.

                     Qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ, những gốc cây như trở nên có hồn

 Để có được một tác phẩm điêu khắc xuất sắc từ gốc và rễ cây, điều quan trọng là người thợ phải có tư duy, đôi mắt nhìn ra hình dáng của sản phẩm từ bộ rễ nguyên liệu. Muốn sản phẩm đẹp, có hồn, người thợ phải cẩn trọng trong từng đường nét, tỉ mẩn trong mỗi họa tiết. “Cái khó của nghề này là không có bản vẽ mẫu sẵn, đòi hỏi tay nghề, sự sáng tạo của con người phải cao hơn những mặt hàng khác. Thường khách hàng chỉ đem gốc cây đến, mình hỏi nhu cầu của khách muốn làm tác phẩm như thế nào. Sau khi quan sát hình dạng gốc cây, mình cho biết làm được hay không. Có nhiều trường hợp khách hàng chỉ đưa gốc cây, sau đó mình nhìn ra làm được những gì rồi mới cho khách hàng biết” – Tài chia sẻ.

Chơi đồ mỹ nghệ làm từ gốc cây tuy có tốn kém, nhưng bù lại đây là món hàng tâm đắc của từng người bởi mỗi gốc cây có dáng thế khác nhau, có sự sáng tạo khác nhau của người thợ nên mỗi một tác phẩm ra đời đều không có tác phẩm khác giống như vậy. Do chất lượng cuộc sống người dân ngày càng cao, nhu cầu về tinh thần của người dân cũng không ngừng tăng lên nên nghề chạm khắc gốc cây cũng không sợ thiếu khách hàng. Có người chơi gốc cây mỹ nghệ vì đam mê, cũng có nhiều người chơi theo phong thủy. Tuy nhiên, dù vì lý do gì, người ta cũng quý những tác phẩm nghệ thuật bằng gỗ vì chúng không có hóa chất độc hại, lại thể hiện được đẳng cấp khi trưng bày trong nhà.

                                                                                     Theo infonet.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.659.393
Tổng truy cập: