KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Lò sứ cổ Nam Sơn
(Ngày đăng: 10/05/2016   Lượt xem: 337)

Từ bến thuyền khu vực di tích lịch sử Miếu Ông, Miếu Bà, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, chúng tôi cùng đoàn khảo sát của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch rời bến trên chiếc tàu gỗ đánh bắt thuỷ sản nhỏ của một người dân hướng về thôn Làng Mới, xã Nam Sơn, nơi có di tích lịch sử lò gốm sứ cổ...

Trên mặt ruộng còn nguyên hệ thống các bể ngâm, lọc đất nguyên liệu phục vụ cho dây chuyền sản xuất gốm.
 Trên mặt ruộng còn nguyên hệ thống các bể ngâm, lọc đất nguyên liệu phục vụ cho dây chuyền sản xuất gốm.

Buổi chiều cuối tháng 10, con nước lớn, khung cảnh dòng sông Ba Chẽ thật êm đềm và thơ mộng. Hai bên sông là những cánh rừng sú vẹt, đước xanh ngắt in bóng xuống dòng sông. Chỉ mất khoảng hơn 20 phút, tàu chúng tôi đã cập vào thôn Làng Mới. Từ đây, men theo cánh đồng lúa đã gặt vẫn còn trơ gốc rạ, chúng tôi đặt chân lên con đường đất vào thôn Làng Mới. Đây là thôn của đồng bào dân tộc Dao, nhà ở của người dân trong thôn thưa thớt. Đi bộ khoảng chừng gần 1km, chúng tôi tới khu di tích lịch sử lò sứ cổ Nam Sơn.

Khu di tích Lò sứ cổ Nam Sơn nằm trên một quả đồi lớn, cây cối khá rậm rạp. Theo hồ sơ di tích lịch sử, Khu di tích Lò sứ cổ Nam Sơn có tổng diện tích trên 10.000m2. Khu vực này hội tụ các điều kiện tự nhiên và xã hội cho việc xây dựng một khu công xưởng chế tác sứ. Lò sứ có niên đại khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thuộc dòng sứ Móng Cái (sứ Vạn Ninh). Đây là một lò sứ cổ có quy mô lớn nhất còn gần như nguyên vẹn, được phát hiện ở Việt Nam cho đến nay, tiêu biểu cho giai đoạn cuối trong hơn 5.000 năm lịch sử phát triển gốm sứ Việt Nam nói chung và gốm sứ Quảng Ninh nói riêng.

Khu di tích này bao gồm đầy đủ hệ thống chế tác đồ sứ như: khu chế biến nguyên liệu, dãy bể ngâm nguyên liệu, sân tập kết nguyên liệu, xưởng chế tác sản phẩm, bãi chứa sản phẩm phế thải... Đặc biệt, tại khu chế tác đã phát hiện lò nung sứ cổ có quy mô lớn, dài gần 60m, rộng khoảng 15m. Lò được xây dựng theo kiểu lò rồng, gồm 16 bầu lò xếp liên tiếp, thông với nhau để tạo sự liên hoàn trong sản xuất. Đây được coi là loại hình lò có trình độ vào loại tiên tiến vì tiết kiệm được nhiên liệu và thời gian nung.

Hiện nay, trên mặt ruộng còn cả một hệ thống các bể ngâm, lọc đất nguyên liệu và các công trình xây dựng phục vụ cho dây chuyền sản xuất gốm. Sản phẩm của lò là bát và đĩa sứ, xương sứ trắng, men màu ngọc nhạt mang một đặc trưng rất riêng. Đây là loại gốm sứ đã được phát hiện tại các bến cảng cổ ở vùng Móng Cái, Vân Đồn có niên đại thế kỷ XIX. Lò sứ cổ là một di tích lịch sử tiêu biểu cho quá trình xây dựng của nhân dân Ba Chẽ nói riêng, Quảng Ninh nói chung; mang giá trị khoa học, kiến trúc, xây dựng, phi vật thể, công nghệ, độc đáo.

Tuy đã ngừng sản xuất từ lâu, nhưng do nằm trong rừng và bị cây cối che phủ, nên xưởng gốm này còn khá nguyên vẹn và lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị. Đặc biệt, tại đây còn phát hiện khá nhiều bát, đĩa cốt trắng men ngọc màu xanh nhạt - một loại gốm sứ quý trong lịch sử. Đây là loại gốm sứ đã được phát hiện tại các bến cảng, bến thuyền cổ ở vùng Móng Cái, Vân Đồn. Phía trong bầu lò đều được phủ một lớp men màu xanh ngọc rất đẹp, nhiều con kê, mảnh bát đĩa sứ còn tìm được thấy phía bên trong. Một điều bất ngờ khác là lò gốm nằm ngay trên một mỏ sét trắng có trữ lượng rất lớn. Theo một chuyên gia địa chất, loại sét này không chỉ cần thiết cho sản xuất các mặt hàng gốm sứ cao cấp, mà còn có thể dùng cho công nghiệp mỹ phẩm hoặc nghiền làm chất tắm bùn, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng và du lịch...
Điều đáng nói, mặc dù đã tồn tại cách đây hơn 100 năm, Khu di tích Lò sứ Nam Sơn vẫn còn giữ được nhiều hiện vật có giá trị, khu xưởng lò gốm còn gần như nguyên vẹn. Từ con đường đất thôn Làng Mới nhìn lên quả đồi nơi có khu di tích, nhiều chỗ xung quanh vẫn còn những đống mảnh sứ vụn chất đống rất lớn.

Được biết, cách đây 3 năm, vào cuối năm 2012, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã có quyết định số 3634/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Hội Khảo cổ học Việt Nam khai quật tại địa điểm lò sứ cổ xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ. Diện tích khai quật rộng 2.000m2, bao gồm: lò nung sứ, xưởng chế tác, bể chế biến và bãi tập kết nguyên liệu, bãi phế thải... Năm 2014 di tích này đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh.

Với một hệ thống chế tác đồ sứ được bảo tồn gần như còn nguyên vẹn, có thể nói lò sứ cổ Nam Sơn có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Nếu được quan tâm, đầu tư xứng đáng, đây có thể là một điểm đến hấp dẫn thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Đáng tiếc là cho đến nay, khu di tích lịch sử này vẫn chưa được đầu tư, quan tâm xứng đáng. Vì thế, lò sứ cổ Nam Sơn vẫn như “nàng công chúa ngủ trong rừng”…

                                                                                  Theo baoquangninh.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

52
Đang xem:
72.635.010
Tổng truy cập: