KHO TƯ LIỆU NGHỆ THUẬT - THAM KHẢO - KHÁM PHÁ
Kỳ ảo Xúy Vân trên giấy dó
(Ngày đăng: 10/06/2015   Lượt xem: 663)
Lấy cảm hứng từ hình tượng “Vân dại” trong chèo cổ, họa sĩ Lý Trực Sơn đã cho ra đời hàng loạt bức tranh trên giấy dó. Xúy Vân trên giấy dó biến hóa, sống động, nhiều hình sắc, mang lại cảm xúc thị giác cho người xem.

Tình yêu chèo đã thôi thúc họa sĩ Lý Trực Sơn vẽ loạt tranh về nhân vật Vân dại từ gần 30 năm trước (năm 1986 - 1989). “Từ nhỏ tôi được tiếp xúc với chèo, trong đó, nhân vật Vân dại trong trích đoạn Xúy Vân giả dại của vở chèo cổ Kim Nham là một bi kịch lớn của sân khấu cổ Việt Nam. Chưa bao giờ cái đau khổ của con người lại được trình bày lộng lẫy và kỳ ảo như thế trên sàn diễn”. Từ ấn tượng đó, khi bắt đầu chuyển từ tranh lụa truyền thống sang sáng tác trên giấy dó, họa sĩ Lý Trực Sơn lấy nhân vật đầy mâu thuẫn nội tâm, vừa bi thương, vừa lộng lẫy này làm hình tượng chính. Đây cũng là nhân vật duy nhất được ông vẽ trên nhiều tác phẩm.

Không minh họa cho chèo, nhân vật Vân dại chỉ là một tác động, gợi ý để họa sĩ Lý Trực Sơn sáng tác loạt tranh. Xúy Vân trên giấy dó biến hóa kỳ ảo, sống động, nhiều hình sắc, mang lại cảm xúc thị giác cho người xem; qua đó, họa sĩ muốn thể hiện thân phận cũng như cái đẹp của phụ nữ Việt. Bởi thế, hàng trăm bức tranh lấy cảm hứng từ hình tượng Vân dại đã ra đời, nhiều bức đã thất lạc. Cảm hứng từ điệu múa, tiếng hát chèo kết hợp với chất liệu giấy dó mở ra cho họa sĩ một con đường hội họa mới, mà ở đó ông nhìn thấy có sự ăn ý giữa cái được vẽ và chất liệu. Ông gọi đó là cái duyên, bởi ban đầu chỉ muốn tìm tòi, đổi mới trên giấy dó, nhưng niềm yêu thích nhân vật Vân dại đã thôi thúc ông tự do thể hiện, với nhiều hình thái, động tác mà không phân biệt nó xuất phát từ nghệ thuật chèo hay trí tưởng tượng. Nhưng dù đổi mới bằng cách vẽ màu nước trên giấy dó, trong các tác phẩm của mình, họa sĩ vẫn giữ lại màu trắng lấp lánh của những mảnh điệp trong tranh Đông Hồ truyền thống.

“Chèo cổ vẫn mang tính đương đại, các họa sĩ yêu chèo vẫn có thể khai thác được nhiều điều thú vị” - họa sĩ Lương Xuân Đoàn nhận xét - “Dù vậy, có lẽ duy nhất Lý Trực Sơn khai thác hình tượng nhân vật Vân dại như một chủ đề, hình tượng của phụ nữ Việt Nam. Dường như chính âm hưởng chèo cổ làm cho ngòi bút của ông có rung cảm, nhạc điệu để thực hiện thành công từng tác phẩm trên giấy dó truyền thống. Đặc biệt, những tác phẩm vẽ từ 30 năm trước nhưng đến nay vẫn không cũ. Đây là bí ẩn của giấy dó Việt Nam. Lý Trực Sơn có công mang lại câu chuyện mới cho giấy dó; trong đó, loạt tranh về Vân dại cho thấy đây là chất liệu mở để bất kỳ họa sĩ nào cũng có thể khai thác, miễn là vẻ đẹp mong manh của mặt dó không mất đi”.

Sau gần 30 năm ra đời, bộ tranh Vân dại mới được trưng bày, với mong muốn mong muốn chèo - loại hình nghệ thuật truyền thống được công chúng yêu thích, trân trọng, gìn giữ. Bên cạnh triển lãm đang diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội, họa sĩ Lý Trực Sơn còn trực tiếp tham gia trang trí sân khấu của buổi trình diễn chèo cổ cùng chủ đề Tố nữ dân ca diễn ra tại đây vào 20h ngày 13.6. Buổi trình diễn chèo cổ sắp đặt sẽ có sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng trong làng chèo Việt Nam như Thanh Hoài, Thanh Bình, Thúy Ngần, Mạnh Phóng, Trần Thịnh, Vũ Ngọc...

Triển lãm tranh và trình diễn chèo - họa và nhạc cùng hòa quyện trong Tố nữ dân ca, góp phần thể hiện mối quan hệ, tương tác giữa hai loại hình nghệ thuật, sự giao lưu và tiếp biến giữa truyền thống và hiện đại trong văn hóa Việt.

                                                                                                Theo: daibieunhandan.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

42
Đang xem:
72.638.509
Tổng truy cập: