Nghệ nhân làng nghề
“Càng ngẫm càng thấy nông dân là trụ cột”
(Ngày đăng: 12/03/2012   Lượt xem: 839)
Sau khi cuốn sách “Văn minh vật chất của người Việt” được xuất bản, có người không muốn gọi Phan Cẩm Thượng là nhà phê bình mỹ thuật đơn thuần. Với họ, bằng công trình chất chứa nhiều tâm huyết này, Phan Cẩm Thượng đã chạm đến nhiều thứ, nhiều ngành nghề vốn không thuộc về anh, không phải thế mạnh của anh. Chúng tôi có cuộc trao đổi với anh xung quanh cuốn sách này…

Thưa họa sỹ Phan Cẩm Thượng, câu hỏi đầu tiên dành cho anh vẫn là dư âm rất đẹp xung quanh cuốn sách “Văn minh vật chất của người Việt” . Có người nói rằng, đọc cuốn sách ấy, hy vọng người ta có thể ứng xử hợp lẽ hơn với cả quá khứ và tương lai. Cá nhân anh có tin tưởng vào điều đó không?

Họa sỹ Gauguin có vẽ một bức tranh nhan đề: “Chúng ta là ai, chúng ta từ đâu ra và chúng ta đi về đâu?”. Đây là ba câu hỏi lớn của nhân loại, cũng là của mỗi dân tộc và mỗi người, nếu quan tâm đến cái vô cùng của mình. Cuốn sách của tôi bắt đầu từ những cái rất cụ thể, như người ta ăn mặc ra sao, dùng đồ gốm, đồ tre như thế nào, lao động bằng những công cụ gì, và từ những cái đó đã tiến đến một nền văn minh như thế nào. Càng ngẫm, tôi càng thấy qua nhiều cuộc bể dâu, với đất nước này, nông dân vẫn là trụ cột cho nhiều cuộc kiến thiết vĩ đại. Kiểm nghiệm quá khứ thực ra chỉ là rút ra những bài học cho hôm nay và tương lai. Tôi nhận thấy cách sống của người Việt hiện tại có gì không ổn, tự làm hỏng môi trường sống và môi trường nhân văn của mình một cách trầm trọng. Điều này càng khiến tôi muốn nhìn lại quá khứ xem dân tộc đã từng sinh sống thế nào, có lúc nào đó như bây giờ không. Tôi muốn bạn đọc rút ra từ cuốn sách những vấn đề hiện tại nhiều hơn là thích thú những câu chuyện đã qua.

Khi tiếp cận, ai cũng thấy được những nội dung rất phong phú, sâu sắc mà anh đã đề cập trong cuốn sách. Anh đã đi nhiều, “sống nhiều”, nhưng chính anh lại nói “không mấy ai tự nhận mình là người hạnh phúc, sự không suôn sẻ của đời sống lại giúp cuộc sống đỡ nhàm chán”. Có vẻ như anh đã nhìn cuộc đời bằng con mắt của một người “đắc đạo”?

Tôi không rõ thế nào là đắc đạo . Nhưng muốn sống hiểu biết và hiểu biết cho rõ ngọn nguồn, cũng như làm việc gì thì cố gắng đến nơi đến chốn. Những nghệ sỹ, những nhà khoa học phát minh ra nhiều thứ giúp ích cho đời sống mà mọi người tán đồng, cho rằng cuộc sống của họ là may mắn lắm, đắc đạo lắm, nhưng thực ra đôi khi hoàn toàn ngược lại. Tôi cũng không nằm ngoài cái đó, dù thành tựu của mình vẫn chưa ra sao. Tôi thất bại nhiều mặt trong cuộc sống, nên rút lui vào viết và vẽ là thấy được thanh thản nhất, và khi làm được một vài việc, như vài bức tranh, vài cuốn sách, mới thấy nó thực sự có ý nghĩa.

“Văn minh vật chất của người Việt” có phải là công trình lớn nhất – để đời của anh không? Sau cuốn sách này anh sẽ làm gì?

Tôi có vài cuốn sách đã xuất bản, không biết hay hơn hay kém hơn cuốn “Văn minh vật chất của người Việt”. Nhưng có thể nói cuốn sách này là theo đuổi kiên trì của tôi trong vòng 20 năm qua, và nó buộc tôi phải tìm hiểu rất nhiều lĩnh vực mà tôi không hề biết. Văn minh Việt Nam, từ thời Đông Sơn đến nay ít nhất có hơn 2.500 năm từ săn bắn, hái lượm đến làm nông nghiệp, có biết bao điều đáng nói, đáng tổng kết, do không thấy ai làm, mà hầu hết các công trình nghiên cứu văn hóa đều sa vào lịch sử, chính trị, tôn giáo… Không ai nhìn nhận cái cày, cái cuốc, giống lúa có giá trị thế nào với cuộc sống của người Việt, nên tôi đi theo hướng đó. Tôi cũng còn nhiều ý định, vài bản thảo dở dang, nếu có điều kiện sẽ thực hiện tiếp.

Bây giờ nhiều người gọi anh là “họa sỹ ở chùa”. Chùa Bút Tháp với anh hẳn không đơn giản là chốn nương thân, có thể nó còn mang đến cho anh nhiều cảm hứng sáng tác, hay anh tìm thấy ở nơi này thứ gì còn “cao siêu” hơn thế?

Tôi không đến chùa đi tu hay tìm nơi lánh đời. Thực ra có hơn 5 năm liền tôi sống ở chùa Bút Tháp, còn đi vòng quanh nhiều đền chùa khác trong vòng hơn 40 năm qua. Tôi đi nghiên cứu thôi, muốn tìm hiểu ở đó cái quá khứ đẹp đẽ của dân tộc, nếu làm được gì để gìn giữ thì nên làm. Ngôi chùa phản ánh mọi mâu thuẫn cuộc sống bên ngoài, nên ai sống ở đó thì biết, không hề thanh tịnh như người ta tưởng tượng và cũng chẳng có gì cao siêu cả. Nhưng đây là nơi có thể giúp người ta giác ngộ.

Nói trước về tương lai là công việc vô cùng võ đoán, nhưng anh thử hình dung khoảng mươi năm nữa, Phan Cẩm Thượng sẽ như thế nào?

Mỗi cuốn sách nhanh thì mất ba năm, bình thường thì mất năm năm mới hoàn thành. Mười năm tới không có gì khó đoán, tôi sẽ già đi mười tuổi và giỏi lắm thì làm được hai cuốn sách nữa. Tất nhiên, trong vòng mười năm tới đối với tôi sẽ rất nhiều chuyện buồn, tôi là con út của một gia đình đông anh em, các anh chị của tôi đã ngoài 70 tuổi cả rồi, cho nên nhiều khi tôi không muốn sống quá lâu.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Quỳnh Chi (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.590.442
Tổng truy cập: