NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
“Hảo chuồn chuồn” và giấc mơ… bay xa
(Ngày đăng: 18/04/2013   Lượt xem: 723)
Sinh ra bình thường như bao đứa trẻ khác, thế nhưng khi lớn lên chân tay anh bị teo tóp lại. Bằng nghị lực và lòng quyết tâm vượt lên số phận, anh Bùi Văn Hảo, thôn An Lạc 2, xã An Vinh (Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã khiến nhiều người khâm phục bởi anh đã làm được một việc mà ít ai có thể ngờ tới.

Tai họa ập xuống

Biết hoàn cảnh gia đình anh Hảo đã lâu, nhưng nay chúng tôi mới có dịp ghé thăm. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ của mình anh Hảo bắt đầu câu chuyện: “Ở làng này, người ta hay gọi tôi là Hảo “chuồn chuồn”, bởi tôi bị tật nguyền nhưng vẫn làm chuồn chuồn xuất khẩu sang nước Nhật…”.



Anh Hảo bên những con chuồn chuồn

Câu chuyện của anh cuốn hút chúng tôi lúc nào chẳng hay. Anh Hảo bảo, lúc sinh ra, anh bình thường như bao đứa trẻ khác. Lớn lên Hảo đến trường bình thường. Thế rồi từ năm 10 tuổi đến năm 13 tuổi những cơn đau dữ dội trong cơ thể khiến Hảo không chịu nổi. Một ngày, chuẩn bị đến trường, Hảo thấy đôi chân mình như có ai đó gìm xuống, không thể bước.

Những ngày sau đó, Hảo được gia đình đưa đi khám thì mới hay, anh bị viêm đa khớp dạng thấp. “Đó là căn bệnh mà người đời thường bảo “khớp nó đớp vào tim”, rất dễ chết. Đến năm 18 tuổi, đôi chân tôi “chết” hẳn, không thể cất từng bước đi” - Anh Hảo cho hay.

Sau ngày đó, cơn đau hành hạ, sức khỏe Hảo héo mòn đi từng ngày. Vậy là từ một chàng trai cao to, khỏe mạnh, người anh teo tóp dần. “Nghĩ lại thời đó, nhiều lần tôi muốn chết, nhưng rồi lại nghĩ phải nỗ lực để sống. Sống để cho mọi người biết về nghị lực của mình. Vậy là từ đó đến nay đã hơn 30 năm, tôi không ngừng cố gắng, vượt lên số phận làm chuồn chuồn tre xuất khẩu sang nước ngoài...” - Anh Hảo nói trong nước mắt.

Làm bạn với “chuồn chuồn tre”

Anh Hảo bảo, sau những ngày bị bệnh cuộc sống của anh chẳng có gì thú vị ngoài việc đọc sách, báo, xem vô tuyến. Thế rồi, một ngày đang xem vô tuyến thì Hảo biết đến “Mái nhà Việt Nam” do tổ chức phi chính phủ Nhật Bản mở ra giúp cho những số phận éo le vượt lên bệnh tật. Nghe vậy anh Hảo liên hệ tìm đến học hỏi. Vậy là cơ duyên với “chuồn chuồn tre” của Hảo bắt nguồn từ đó. Anh Hảo chia sẻ: “Khi mới biết tin, tôi vui lắm! Thế rồi bằng sự cần mẫn, chịu khó chỉ trong vòng 4 tuần tôi đã học thành thạo kĩ thuật làm chuồn chuồn tre. Chính việc làm này đã giúp tôi tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống”.

Anh Hảo cho biết: Để tạo ra được một chú chuồn chuồn hoàn chỉnh phải mất đến nửa ngày mới xong. Lúc làm đòi hỏi người thợ phải tập trung tuyệt đối vì mỗi chi tiết đều rất nhỏ và đòi hỏi phải có kỹ thuật và đôi bàn tay khéo léo. Nhìn chuồn chuồn tre nhỏ bé có đậu được hay không đòi hỏi người thợ phải cân chỉnh chính xác kích thước từng bộ phận của con chuồn chuồn. Đó là từ đôi cánh, thân đến đầu đều phải đo được chính xác độ dày, mỏng, ngắn dài… nếu không chuồn chuồn sẽ bị hỏng. “Chính vì sự cầu kì và tỉ mỉ như vậy nên trung bình mỗi ngày tôi làm được 3 con hoàn chỉnh, mỗi con tôi bán với giá từ 10 - 15 nghìn đồng. Đây là khoản thu nhập không nhiều nhưng lại rất có ý nghĩa đối với những người tật nguyền như tôi”.

Điều đặc biệt, những sản phẩm làm ra ngoài việc xuất khẩu sang Nhật, Hảo còn làm thêm để bán cho các em nhỏ, học sinh trong vùng… “Mỗi con chuồn chuồn bán được tôi trích ra một số tiền nho nhỏ để ủng hộ các trẻ em nghèo gây quỹ học bổng giúp trẻ em nghèo vượt khó vươn lên trong cuộc sống” - Anh Hảo nói trong niềm vui.


Người chị hi sinh tuổi xuân cho người em trai thiệt thòi


Người chị sau “cánh chuồn chuồn”

Câu chuyện về anh Hảo làm chuồn chuồn tre xuất sang Nhật Bản cứ thế được nhiều người biết đến. Thế nhưng ít ai biết rằng, đằng sau anh Hảo luôn có một cánh “chuồn chuồn” khác, đó là chị Bùi Thu Hiền, người đã hi sinh tuổi thanh xuân để chăm sóc cho người em trai của mình từ ngày bị bệnh cho đến tận bây giờ. Anh Hảo cho biết: Từ khi bố mẹ qua đời, chị Hiền phải cáng đáng tất cả công to, việc lớn trong gia đình. Chị vừa chăm em đau yếu, vừa lăn lội kiếm tiền để lo thuốc thang và chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. “Lúc trẻ chị ấy xinh lắm. Khi đó đã có nhiều người theo đuổi nhưng vì tôi chị đã hi sinh tuổi thanh xuân, quên đi chuyện chồng, con để chăm lo cho tôi đến tận bây giờ”.

Nghe em trai nhắc đến mình chị Hiền ở trong bếp bước ra tiếp chuyện với chúng tôi. Chị Hiền bảo, khi Hảo bắt đầu bị bệnh chính chị tự nhủ với lòng rằng: “Nếu không may em không khỏi bệnh, thì chị sẽ ở vậy nuôi em suốt đời”. Tưởng chừng, đó chỉ là lời động viên an ủi người em không ngờ nó lại trở thành sự thật.

Nói về người chị của mình, anh Hảo nghẹn ngào: “Tôi thiệt thòi là không có đôi chân nhưng bù lại một người chị tuyệt vời hơn cả trong truyện cổ tích. Nếu không có chị Hiền thì tôi không thế sống đến bây giờ”. Nói rồi, anh Hảo đưa mắt nhìn sang những con chuồn chuồn vừa làm xong mà lòng thầm ước: “Tôi chỉ mong lúc nào mình cũng được khỏe mạnh để những chú chuồn chuồn mà tôi làm ra sẽ được tung bay trên thị trường quốc tế”.
                                                                                           Theo: GĐVN
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.635.935
Tổng truy cập: