NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
(29-33)- Gìn giữ nghề mây tre đan truyền thống làng Phú Vinh
(Ngày đăng: 13/06/2024   Lượt xem: 29)

Hình thành và phát triển nghề mây tre đan từ 400 năm trước, đến nay làng Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ vẫn nổi tiếng với nghề truyền thống này.

Trải qua thời gian cùng những biến động của lịch sử, đến nay làng nghề vẫn duy trì được nghề truyền thống với nhiều nghệ nhân yêu nghề và mong muốn gìn giữ, phát triển nghề mây tre đan.

Từ niềm tự hào với nghề truyền thống của cha ông, năm lên 9 lên 10, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đã bắt đầu biết vót tre, đan lát. Để làm nên một sản phẩm mây tre đan tinh xảo, đẹp mắt, những người nghệ nhân như ông Tĩnh phải rất tỉ mỉ ngay từ những công đoạn đầu tiên.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh và nghề mây tre đan truyền thống (Ảnh: Báo Nhân dân)

"Khi xưa bố của tôi là 1 trong 9 nghệ nhân đầu tiên được Nhà nước phong tặng và được gặp Bác Hồ. Những câu chuyện, những sản phẩm, các tác phẩm của ông đan ấy chính là niềm tự hào đã thôi thúc tôi phải cố gắng, học hỏi nghề từ cha ông của mình." ông Tĩnh chia sẻ.

Làng Phú Vinh xưa còn có tên là làng Cò Đậu, nằm ở vùng chiêm trũng. Người dân ở đây sống trên vùng đất mà mỗi khi mưa to nước lại dồn về gây ngập lụt, đồng ruộng tan hoang, mênh mông trong biển nước, không thể thu hoạch được hoa màu. Khi đó, trong làng có ông Nguyễn Văn Sôi đã mày mò, chặt cây tre, cây mây mang về đan thành đơm, đó và các dụng cụ đánh bắt cá để sinh sống qua ngày. Lâu dần, nhiều người dân ở các vùng lân cận đã biết và tìm đến mua dụng cụ đánh bắt cá do ông làm.

Từ đó, người dân trong làng học theo ông Sôi, cũng sản xuất, chế tác các dụng cụ đánh bắt cá và những sản phẩm mây tre đan phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày. Sau này, ông Nguyễn Văn Sôi được tôn vinh là tổ nghề của làng nghề mây tre đan Phú Vinh.

Đến những năm 1800, tài hoa của người dân làng Phú Vinh được người Trung Quốc biết đến và khen ngợi. Họ góp ý với Hương trưởng của làng đổi tên làng từ Cò Đậu thành Phú Hoa Trang với ý nghĩa “trời phú cho dân có bàn tay tài hoa”, vì người dân nơi đây có bàn tay khéo léo, điệu nghệ, giỏi đan lát mây tre. Đến năm 1841, Hương trưởng của làng quyết định đặt lại tên làng là Phú Vinh cho tới nay.

Phú Vinh - làng nghề mây tre đan ở Hà Nội nổi tiếng (Ảnh: Internet)

Mỗi làng nghề truyền thống của Hà Nội đều có những điểm đặc biệt, tạo nên dấu ấn, thương hiệu cho làng nghề đó trong suốt hàng trăm năm qua như làng lụa Vạn Phúc nổi tiếng với sản phẩm lụa tơ tằm mềm mại, tinh tế; làng gốm Bát Tràng với những món đồ gốm sứ tinh xảo,... Các sản phẩm mây tre đan Phú Vinh cũng có những điểm độc đáo so với những làng nghề mây tre đan khác trên cả nước.

Trải qua thời gian, sự phát triển của cuộc sống hiện đại cũng khiến nhu cầu của người dùng có nhiều sự thay đổi. Vì vậy từng có thời điểm, các sản phẩm mây tre đan của làng nghề Phú Vinh đứng trước nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với những sản phẩm đồ thủ công khác hay những sản phẩm tiện lợi hơn với người dùng.

Trước những khó khăn đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh cũng như nhiều nghệ nhân khác trong làng luôn quan niệm phải đặt chất lượng của sản phẩm mây tre đan lên hàng đầu để biến những khó khăn đó thành thuận lợi.

Trước khó khăn, những người nghệ nhân ở làng nghề Phú Vinh không nản lòng mà luôn cảm thấy tự hào về một nghề truyền thống đã tồn tại hơn 400 năm qua, giờ đây đã và đang ngày càng trở nên nổi tiếng hơn với du khách quốc tế.

Đôi bàn tay khéo léo của người nghệ nhân tạo nên những tác phẩm mây tre đan tinh xảo (Ảnh: Internet)

Ông Tĩnh cho biết: "Những sản phẩm sinh ra ở làng nghề này được đan thủ công 100% và cái nguyên liệu là mây tre đan thì rất là thân thiện với môi trường. Những yếu tố đó đã góp phần để thuyết phục khách quốc tế mua sản phẩm ở làng nghề mây tre đan Phú Vinh."

Để có thể gìn giữ và phát triển nghề mây tre đan truyền thống, những người nghệ nhân kỳ cựu ở Phú Vinh như nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đã và đang có những hoạt động thiết thực để truyền nghề cho thế hệ trẻ của làng.

Dù cuộc sống hiện nay đã có nhiều sự đổi thay, phát triển hiện đại, thế nhưng những làng nghề truyền thống của Thủ đô vẫn giữ được bản sắc riêng, tạo nên những sản phẩm thủ công đẹp mắt, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Với sự tâm huyết và lòng yêu nghề của những nghệ nhân, những làng nghề lâu đời ở Hà Nội như làng nghề mây tre đan Phú Vinh đã góp phần đưa những sản phẩm thủ công với những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt quảng bá rộng rãi trên toàn thế giới.

Cùng với sự phát triển của Hà Nội, những giá trị văn hóa truyền thống của các làng nghề vẫn tiếp tục được gìn giữ, lưu truyền cho các thế hệ mai sau.

                                                 Theo:  hanoionline.vn
 
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.616.272
Tổng truy cập: