NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Mộc mạc chất đất, chất người Phú Lãng
(Ngày đăng: 20/09/2012   Lượt xem: 1456)

(Langnghevietnam.vn)- Mang nét riêng biệt, đậm dấu ấn làng quê, mộc mạc, khỏe khắn là những đánh giá của bất kỳ một ai khi chiêm ngưỡng sản phẩm gốm Phú Lãng (xã Phú Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Người thợ gốm, Nguyễn Văn Chiến với tài hoa thiên bẩm đã không ngừng học hỏi, sáng tạo làm đa dạng, độc đáo sản phẩm gốm Phú Lãng. Anh góp phần đưa gốm Phú Lãng đi khắp cả nước và xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản.

Không ngừng học hỏi, sáng tạo

Trên tuyến đường 18, Hà Nội - Quảng Ninh chúng tôi đến địa chỉ  “Xưởng gốm Nguyễn Văn Chiến”. Rẽ phải đi khoảng 1 km, cảnh tượng hiện ra mắt chúng tôi là một vùng thôn quê yên bình, tĩnh lặng. Trung tâm của bức tranh đồng quê ấy là xưởng gốm kiểu Phú Lãng với lò gạch màu đỏkhông trát và hàng trăm sản phẩm gốm được phơi dưới ánh nắng thu vàng. Nhìn từ xa các bình gốm như đang trỗi dậy, bật lên một sức sống của đất cuốn hút khách thăm quan xa gần…

Trong cái nắng nhè nhẹ đầu thu, Chủ xưởng gốm Nguyễn Văn Chiến niềm nở đón tiếp chúng tôi. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về anh là dáng người nhỏ nhắn, đôi mắt trầm buồn, cử chỉ hòa nhã, nói năng khiêm tốn. Là ông chủ đồng thời cũng là người thợ, ở anh có sự hòa đồng với mọi người từ cách ăn mặc, lời nói đến hành động. Từ hai bàn tay trắng dựng lên sự nghiệp, xuất phát từ người lao động đi lên, nên anh càng hiểu giá trị của lao động.


 Anh Nguyễn Văn Chiến

Được sinh ra trong một gia đinh ở thôn Găng xã Dao Viên Nam bên cạnh xã Phú Lãng của huyện Quế Võ, Bắc Ninh. Ngay từ nhỏ anh đã đam mê gốm và cả nghệ thuật của đất nung. Chắc có mỗi duyên nợ với gốm Phú Lãng, nên anh Chiến đã gắn kết sự nghiệp mình với gốm. Học xong cấp III, anh bắt đầu đi làm gốm tại các xưởng trong làng Phú Lãng. Tài năng, năng khiếu của anh nhanh chóng được bộc lộ. Dù còn trẻ nhưng anh đã được làm thợ cả trong xưởng gốm ở Phú Lãng. Anh Chiến khiêm tốn tâm sự “con đường làm gốm của tôi cũng không mấy khó khăn. Ban đầu, làm những sản phẩm đơn giản như chum, vại, sau nâng tay thì làm những sản phẩm tinh xảo hơn”. Có lẽ không khó khăn bởi một phần anh có hậu phương luôn vững chắc về mặt tư tưởng. Năm 2000, anh kết hôn với chị Đỗ Thị Lợi, từ đó hai vợ chồng tần tảo làm nghề. Một gia đình nhỏ với ba người con xinh xắn đã trở thành điểm tựa vững chắc cho anh những khi vui buồn .

Cách đây 10 năm, cuộc gặp gỡ giữa anh và nghệ nhân điêu khắc gốm Nguyễn Văn Bình (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) đã trở thành một định mệnh đưa con đường sự nghiệp rẽ sang hướng mới. Nhanh chóng nhận ra tài năng thiên bẩm của anh, bằng vốn kiến thức uyên thâm cùng con mắt tinh đời, nghệ nhân Bình cho biết “Lúc gặp Chiến, tôi nhận thấy anh là người thợ giỏi, có tay nghề”.

Cơ hội lớn đến với anh Chiến khi Nghệ nhân Bình mời anh hợp tác trong quá trình chế tác gốm. “Đầu quân” cho nghệ nhân Bình, anh học được rất nhiều kinh nghiệm. Anh Chiến chia sẻ “Qua nghệ nhân Bình tôi học được các chi tiết hình khối, các kỹ thuật tạo hình. Nghệ nhân Bình đã thổi thêm ngọn lửa đam mê với gốm cho tôi”. Dường như cuộc đời cũng có phần ưu ái hơn đối với anh khi nhiều người phải loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm thì anh có được đầu ra ổn định. Sản phẩm của anh được đưa đi khắp nơi trong cả nước nhưng thị trường chính vẫn là Nhật Bản. Anh Chiến tâm sự “Gốm Phú Lãng cho sản phẩm gốm sành màu sắc tự nhiên, mộc mạc, khỏe khoắn được người Nhật rất ưa chuộng”.

anh2.jpg

Xưởng gốm của gia đình anh Nguyễn Văn Chiến

Nguyên sơ gốm Phú Lãng

Một nhà nghiên cứu người Nhật Bản, đánh giá “Từ buổi bình minh của muôn vật, đời sống con người không bao giờ tồn tại mà không tự biểu hiện trong một dạng nào đó qua sản phẩm đồ gốm”. Qua đó, ta có thể thấy sức sống trường tồn của gốm, sản phẩm gốm đã có mặt trong đời sống con người từ thời sơ khai. Đến nay, người dân làng Phú Lãng vẫn giữ nguyên những phương thức truyền thống, cổ xưa trong việc sản xuất gốm. Nguyên liệu để làm gốm là “xương” đất đỏ hồng lấy từ vùng Thống Vát, Cung Khiêm và đất bụi ,Yên Tập (Bắc Giang). Màu tô điểm cho sản phẩm gốm cũng là màu được chiết xuất từ tự nhiên, tro cây rừng, phù sa sông Cầu được pha với bột đá màu sẽ cho ra các màu khác nhau vừa khỏe khoắn lại vừa dân dã.

anh3.jpg

 Nguyên liệu để làm gốm Phú Lãng là “xương” đất đỏ

Quá trình nung đốt gốm được làm hoàn toàn thủ công. Vẫn sử dụng những chiếc lò gạch truyền thống với nguyên liệu đốt là củi. Mặc dù ở gần mỏ than Quảng Ninh nhưng người dân Phú Lãng dùng củi để nung đốt gốm. Nung bằng củi sẽ có sự biến nhiệt khác nhau tạo ra những vết táp trên bề mặt gốm mà không phương pháp nào có thể thay thế được.  Mặt khác, Phú Lãng vẫn sử dụng củi trong việc nung đốt gốm bởi chất liệu gốm của Phú Lãng là gốm sành, sản phẩm làm ra nặng và dày cần thời gian nung lâu. Nếu như, gốm trắng ở Bát Tràng người thợ phải nung đốt đủ nhiệt theo yêu cầu trong vòng 24 giờ thì gốm sành ở Phú Lãng cần đến 60 giờ để nung đốt. Vì vậy, nếu sử dụng lò ga như nhiều làng gốm hiện nay thì giá thành của sản phẩm gốm Phú Lãng sẽ bị độn lên rất cao.

Hơn nữa, sản phẩm gốm Phú Lãng là sản phẩm gốm mộc, khỏe khắn, tự nhiên ở các nhiệt độ khác nhau sẽ có sự chuyển màu khác nhau. Như ở nhiệt độ cao sản phẩm gốm có màu nâu sẫm, nếu sản phẩm gốm được đặt trong sản phẩm gốm khác sau khi nung xong sẽ cho ra sản phẩm gốm có màu nâu hồng. Còn nếu được nung ở nhiệt độ cao, thành phần cát có trong đất gốm sẽ tan chảy thành thủy tinh và kết lại ở mặt ngoài của gốm cho ra sản phẩm có màu da lươn. Cùng do một thợ nặn, cùng một lò nung nhưng các sản phẩm gốm ở đây lại có những thân thái khác nhau. Dường như mỗi lần đốt lò là thần lửa lại vui mừng điều hành lễ hội nhảy múa biến hóa quanh lò.

Trên cơ sở sử dụng những phương pháp truyền thống trong sản xuất gốm, người dân làng Phú Lãng không ngừng tìm tòi, học hỏi đổi mới, đa dạng về mẫu mã để sản phẩm gốm Phú Lãng đi vào đời sống nhân dân và nâng cao giá trị sản phẩm gốm. Ngày xưa sản phẩm gốm Phù Lãng là niêu đất, chum, vại, lọ, bình, tiểu, quách những vật dụng dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Thì nay, sản phẩm gốm Phú Lãng vô cùng độc đáo với vô vàn kiểu dáng, mẫu mã khác nhau, mang tính nghệ thuật cao.

Gốm Phú Lãng đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Có được kết quả đó là nhờ vào những bàn tay tài hoa và óc sáng tạo không ngừng nghỉ của người thợ. Anh Chiến, người thợ tiêu biểu của làng gốm  đã dùng cả tâm huyết, niềm đam mê của mình vào các sản phẩm gốm. Những sản phẩm của anh vừa mộc, khỏe khắn, có hồn khối, dân dã mà bí ẩn. Đem đến trải nghiệm mới cho những ai đã từng được chiêm ngưỡng sản phẩm gốm của anh. Tiêu biểu cho phong cách sáng tạo đó, phải kể sản phẩm bình gốm với hoa văn rồng đắp nổi. Đầu rồng được anh cách điệu như hay tay cầm của lọ, thân rồng đắp nổi bao lấy bình mềm mại với những đường nét khi dày khi mỏng, khỏe khắn với những chiếc vậy to dày. Ở đôi rồng toát lên vẻ uy nghi và rất anh minh, vừa cuốn hút lại vừa muốn khám phá.

Gốm Phú Lãng, chất men màu tự nhiên, bền và lạ, dáng gốm mộc mạc, thô phác, nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất và đậm nét điêu khắc. Chính những đặc điểm ấy đã đưa gốm Phú Lãng cùng với Thổ Hà và Bát Tràng là một trong 3 trung tâm gốm cổ ở phía Bắc Việt Nam.

IMG_6364.jpg

IMG_6372 copy.jpg

IMG_6359.jpg

IMG_6358.jpg

Một số sản phẩm gốm Phú Lãng

Lan Hường

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

43
Đang xem:
73.195.103
Tổng truy cập: