NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Nữ nghệ nhân duy nhất của làng đúc đồng Ngũ Xã
(Ngày đăng: 19/09/2012   Lượt xem: 1363)

Chúng tôi ghé thăm nghệ nhân Ngô Thị Đan khi hay tin bà đang chuẩn bị một số tác phẩm cho triển lãm cho một triển lãm mới. Một Hà Nội thâm trầm cổ kính sẽ đến với công chúng qua nghệ thuật đúc đồng của một làng nghề danh bất hư truyền có tuổi đời gần 500 năm…

228-25-04.gif
Nghệ nhân Ngô Thị Đan

Duyên nghề…
Ngôi nhà nhỏ của nữ nghệ nhân Ngô Thị Đan nằm lọt thỏm trong ngõ Nam Tràng - không gian nơi đây vẫn giữ được nét trầm mặc, yên bình của một làng nghề truyền thống của xứ kinh kỳ mà nghệ thuật kết tinh trong tĩnh lặng.

Bà Đan được tiếp xúc và học nghề khi về làm dâu họ Nguyễn Văn, là dòng họ có tiếng nghề nhất làng Ngũ Xã lúc bấy giờ. Tính đến nay đã hơn 30 năm nhưng đối với nhiều người, bà Đan vẫn là hiện tượng lạ của làng nghề.

Khoảng những năm 70, khi chưa được truyền nghề, bà Đan đã tự nặn những bộ binh khí bằng đất sét và tạc tượng đòi hỏi kỹ thuật cao, thành công vượt xa những thợ bậc 6 lúc bấy giờ. Sự khéo léo của người phụ nữ này khiến cụ Nguyễn Văn Tùy - thợ cả của làng cũng phải sửng sốt. Sau nhiều lần mục sở thị cô tự tay làm nên những sản phẩm đó, cụ quyết định truyền nghề cho cô dâu dòng họ Nguyễn Văn.

Bà Đan nói: “Nghề đúc đồng đòi hỏi người thợ ngoài sự kiên trì, tỉ mỉ, cẩn trọng thì cần phải có sức khỏe dẻo dai, đôi bàn tay rắn chắc mới có thể hoàn thàn các công đoạn: đúc, hun, mài, ám, đục, khảm…vậy nên để theo được nghề thì nam giới đã khó, mình là phụ nữ thì phải rất yêu thì mới bám nghề được”.

Bà Đan nhớ lại: “Hồi những năm 86, kinh tế khó khăn, đồng bị nhà nước liệt vào những mặt hàng cấm sản xuất, thị hiếu người tiêu dùng với đồ đồng thay đổi, cả làng nghề chuyển sang đúc đồ nhôm gia dụng”. Khó khăn là vậy nhưng lòng say mê với nghề không hề suy chuyển, bà làm những đồ vật bằng đồng nhỏ xíu, đem bán ở chợ Đồng Xuân.

Cứ như vậy người phụ nữ yếu đuối ấy đã gắn bó và đi suốt những thăng trầm với nghề đến nay và trở thành nữ nghệ nhân duy nhất của làng Ngũ Xã.

Có một kỉ niệm trong nghề mà bà Đan nhớ mãi đó là vào năm 1991, một nhà buôn đồ cổ đã “chết đứng” khi thấy chiếc lư đồng giả cổ được bà bán với giá 60 nghìn đồng, mà trước đó ông ta mua lại của một nhà buôn khác với giá 800 USD. Nước đồng giả cổ với màu xanh rêu tinh tế trong khe rãnh được bà sáng tạo quá đỗi tự nhiên đã khiến các tay buôn đồ cổ sành sỏi nhất cũng không thể phát hiện được. Sau lần ấy, tay nhà buôn đặt hàng bà sản xuất những lư, triện, tượng giả cổ với giá hời nhưng bà từ chối…

 Nữ nghệ nhân tâm sự: “Tiếng chuông Trấn Vũ là niềm tự hào của làng đúc đồng Ngũ Xã, và cũng là niềm đam mê từ khi bà bước vào nghề đúc đồng. Tuy nhiên để tiếp bước truyền thống ấy lại không hề đơn giản. Để đúc chuông có độ ngân vang như ý thì phải chọn đồng và thiếc nguyên chất rồi pha chế theo công thức bí truyền. Nhưng điều quan trọng là người thợ phải tĩnh tâm để sáng tạo và thăng hoa. Có như vậy người nghe tiếng chuông đó mới có được cảm giảm thư thái, thanh thản, đánh thức được sự hướng thiện trong lòng người”.

Trăn trở làng nghề
Với những công lao đóng góp vào giữ gìn và lưu truyền nghề truyền thống, năm 1999 bà Đan được chương trình nghệ thuật Đông Dương - Hội Mỹ thuật Việt Nam và hội đồng TW Liên minh, các hợp tác xã Việt Nam tặng danh hiệu “Bàn tay vàng” và năm 2009, UBND TP Hà Nội phong tặng danh hiệu Nghệ nhân.

Một trong những niềm tự hào của Ngũ Xã có thể kể đến quả chuông cao 1,5m và pho tượng Quan Thánh đền Trấn Vũ. Tượng được hun màu đen bóng, cao 3,72m, nặng khoảng 3000kg. Tượng A-Di-Đà tại chùa Thần Quang là một công trình tuyệt mỹ, pho tượng đúc liền đòi hỏi tay nghề, kỹ thuật cực cao, tượng nặng tới 10 tấn, cao gần 4m.

Mỗi tác phẩm đều toát lên những nét tinh xảo, mềm mại, uyển chuyển mang vẻ đẹp thầm kín, càng nhìn càng thấy quí.

Tuy nhiên, nỗi trăn trở lớn nhất với bà Đan hiện nay là truyền thống làng nghề đang ngày càng mai một, làng nghề với truyền thống 500 năm có nguy

cơ bị biến mất nếu không có kế hoạch bảo tồn phát triển.
Hiện nay, nhà nước đã có chính sách ưu đãi đặc biệt không thu thuế với nghề đồng nhưng do đặc thù lao động thủ công vất vả, thu nhập không cao, ít thị trường nên nhiều người đã không còn gắn bó với đồng.

Nằm trong những nỗ lực để duy trì và phát triển là làm mới và phong phú các sản phẩm, tiến tới mở rộng thị trường tiêu thụ, bà đã cho mời một số nghệ nhân chạm bạc tại Thái Bình lên để cùng phối hợp sản xuất. Ngoài các sản phẩm phục vụ cho đời sống tâm linh thì hiện cơ sở bà cũng cho ra các bức tranh gốc cổ thụ đúc đồng chạm bạc, tranh đồng quê, tranh ngũ phúc… nhằm đưa nghệ thuật đúc đồng Ngũ Xã đến gần với cuộc sống đời thường hơn.

Theo CAO

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
73.194.704
Tổng truy cập: