NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Hương Canh, tiếng sành trăn trở
(Ngày đăng: 19/09/2012   Lượt xem: 832)

Làng gốm cổ Hương Canh, thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã có cách đây khoảng 300 năm. Thời xa xưa, người dân Bắc Bộ vẫn có câu "sứ  Móng  Cái  - vại  Hương Canh" để khẳng định thương hiệu của sản phẩm sành vùng đất Hương Canh trù phú. Nhà thơ Tố Hữu từng ngợi ca: "Ai về mua vại Hương Canh. Ai lên mình gửi cho anh với nàng".

 556314630.jpg

Ông Trần Văn Hải hoàn thiện khâu nặn thô sản phẩm.

 Sành Hương Canh từng thành thương hiệu

Từ Hà Nội ngược quốc lộ 2 khoảng 40 km, rồi rẽ phải vào hơn 1 km, chúng tôi đến làng gốm Hương Canh. Ngôi làng ngày xưa nay là khu Lò Cang, xóm Lò Cang thuộc thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Thị trấn Hương Canh khá sầm uất, người dân kinh doanh nhiều loại hàng hóa, nhưng chủ yếu là bày bán các sản phẩm gốm, sành do chính nơi đây sản xuất. Vại, chĩnh, chum, nồi đất, ấm pha trà... có nước sành sáng bóng mà giá rẻ bất ngờ.

Theo ông Trần Văn Hải là thợ lành nghề, chủ của một trong bốn cơ sở còn lại của nghề gốm Hương Canh, làng nghề này đã trải qua bao thăng trầm. Ngày ông Hải còn nhỏ, làng đã có lúc như một công trường với hàng trăm lò gốm hoạt động. Riêng gia đình ông đã gắn bó với nghề được bốn đời.

Sản phẩm khi đưa ra thị trường được nhiều người yêu thích vì vật dụng vừa giản dị, dân dã, bền, có mầu sành như một thứ men tự nhiên, lại có khả năng dầm mưa dãi nắng. Ðồ gốm sành Hương Canh lâu nay còn được cải tiến về chủng loại, kiểu dáng nên mẫu mã đa đạng, phong phú, chú ý hơn đến hình khối, họa tiết nghệ thuật.

Gốm sành Hương Canh nung già gõ tiếng kêu lanh canh như chạm vào kim loại, vừa giữ được nét hoang sơ của ngu

sét, lại gân guốc, khỏe khoắn và đầy cá tính, tạo nên nét riêng biệt hấp dẫn. Ðồ sành Hương Canh đem đựng trà thì trà không bao giờ mốc và giữ nguyên mùi thơm đặc trưng; đựng rượu không làm giảm nồng độ mà để càng lâu thì rượu càng ngon, đựng hạt giống thì tỷ lệ nảy mầm rất cao...

Tiếng lành đồn xa, người dân khắp nơi biết đến gốm Hương Canh. Gốm sành Hương Canh đã đi khắp trong nam ngoài bắc. Theo ông Nguyễn Thanh, chủ cơ sở sản xuất lớn nhất làng thì mới đây, sản phẩm của Hương Canh đã ra cả nước ngoài.

Những nghệ nhân tay khéo, mắt... sành

Bà Tô Thị Sửu, 64 tuổi, ở xóm Lò Cang xởi lởi nói khi biết chúng tôi đến tìm hiểu về làng nghề: "Trước kia tôi cũng làm ở hợp tác xã thủ công Hương Canh, bên gạch ngói. Nay nghề gạch ngói không còn, làm gốm thì còn bốn nhà: ông Thanh, ông Hải, bà Nụ, ông Hùng là duy trì và sống được với nghề. Họ đều là người tài hoa, niềm tự hào của cả làng đấy"!

Chủ cơ sở sản xuất Hải Ất là ông Trần Văn Hải, 58 tuổi, người nhỏ thó, nhanh nhẹn. Ông cho biết: gốm ở đây nổi tiếng trước hết là do sự ưu ái của thiên nhiên đã ban tặng cho thứ nguyên liệu quý hiếm là loại đất sét dẻo và "béo" đặc trưng. Bên cạnh đó, người làm nghề quê tôi rất cần mẫn, sáng tạo và khéo léo.

Ông cho biết thêm, quy trình để làm ra sản phẩm gốm sành gồm: lọc đất, nặn thô, phơi và nung, trong đó kỹ thuật đốt lò là khâu quan trọng nhất, quyết định thành công hay thất bại của mẻ gốm. Ngoài khéo tay sáng tạo các sản phẩm, người thợ phải thành thạo quy trình nung gốm. Mỗi lần đốt lò, theo bà Ất (vợ ông Hải) thì như một lần "chờ người đau đẻ", lo mất ăn mất ngủ, chỉ khi ra lò mới biết thành công của mẻ gốm. Thông thường, người có kỹ thuật cao, tỷ lệ thành công trên 90%. Có cơ sở hỏng hàng chục mẻ một năm do thiếu kinh nghiệm đốt lò.

"Không phải ai làm nghề lâu cũng biết cách quan sát mầu lửa để nắm thời điểm tăng nhiệt độ lò. Hiện ở làng chỉ còn vài ba người có "ánh mắt... sành" như thế". - Ông Hải tâm sự.

Trăn trở cùng tiếng sành

Khác với nhiều làng nghề khác, việc thu hẹp sản xuất do bí "đầu ra" thì ngược lại, gốm Hương Canh ra lò đến đâu tiêu thụ hết đến đấy.

Tuy nhiên, để duy trì và phát triển làng nghề, theo các nghệ nhân ở đây thì còn lắm gian truân. Nghề gốm ở Hương Canh thiếu nhiều thứ "đầu vào". Nguyên liệu đất sét không được quy hoạch nơi khai thác, một năm trung bình chỉ khoảng 15 khối/một sơ sở nhưng đều phải mua "chui". Bên cạnh đó, các cơ sở thiếu mặt bằng để sản xuất, trưng bày và giới thiệu sản phẩm. Chủ trương ưu tiên phát triển làng nghề truyền thống nhưng các hộ không được vay vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất.

Khó khăn lớn nhất là việc đào tạo, truyền dạy thợ lành nghề. Ðây chính là điều mà các chủ cơ sở sản xuất  trăn trở. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay thợ lành nghề gốm ở Hương Canh không còn nhiều, đa số đã già yếu. Ông Trần Văn Hải tâm sự, ông được nhiều địa phương mời đến dạy kỹ thuật làm gốm, số người theo học rất đông. Tuy nhiên, ngay tại làng nghề Hương Canh, số người muốn nối nghề của cha ông không nhiều. Ông cũng như các cơ sở sản xuất khác đều sẵn lòng để những người yêu thích nghề gốm đến cơ sở của mình học nghề.

"Bây giờ nếu chúng tôi nằm xuống thì không biết lấy ai để đốt lò?"  - đó là câu hỏi mà những lão thợ lành nghề gốm ở Hương Canh cứ canh cánh trong lòng. Rất mong các ngành chức năng và chính quyền sở tại quan tâm hơn để gốm sành Hương Canh không thất truyền mà ngày càng phát triển.

Theo nhân dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

46
Đang xem:
73.194.924
Tổng truy cập: