NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Quan tâm nghệ nhân làng nghề truyền thống
(Ngày đăng: 17/09/2012   Lượt xem: 804)

Làng nghề truyền thống Việt Nam có lịch sử phát triển từ lâu đời với những sản phẩm nổi tiếng từ hàng trăm, hàng nghìn năm nay như: tơ lụa Vạn Phúc; the La Khê; kim hoàn Châu Khê; đồng Ðịnh Công, Ðồng Xâm, Ý Yên, Ðại Bái; gốm Bát Tràng, Chu Ðậu; gỗ Ðồng Kỵ; thêu Quất Ðộng; thổ cẩm Mai Châu... Các sản phẩm làng nghề đã hàm chứa tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc. Các nghệ nhân đã tạo nên giá trị quý giá của các sản phẩm làng nghề.

nnd.JPG

Ảnh minh họa

Khi khai quật di chỉ khảo cổ học Hoàng Thành Thăng Long cách đây nghìn năm cho thấy rõ vai trò của làng nghề trong việc xây dựng kinh thành. Từ những viên gạch, viên ngói đầu rồng đến những vật dụng sinh hoạt gốm sứ bị chôn vùi dưới đất qua bao thời đại vẫn giữ nguyên nét tinh xảo, tài hoa của bàn tay khối óc người thợ thủ công. Ðặc biệt, những sản phẩm từ tầng lớp di chỉ thể hiện rất rõ nét đặc trưng nghệ thuật của các triều đại khác nhau theo thứ tự thời gian: thời Lý - Trần, thời Lê - Nguyễn... phản ánh dòng chảy văn hóa

Việt Nam một cách sinh động, cụ thể. Có thể nói những sản phẩm tinh hoa của các nghệ nhân làng nghề là di sản văn hóa của dân tộc.

Hiện nay, bên cạnh rất nhiều khó khăn về thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, mặt bằng sản xuất..., các làng nghề truyền thống đang đứng trước một thử thách lớn. Không chỉ riêng ở nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới, sản phẩm công nghệ, máy móc đang lấn át, thay thế hàng loạt sản phẩm thủ công. Ðể vượt qua thách thức đó chỉ trông chờ vào tài năng của nghệ nhân. Thực tiễn ngày càng cho thấy sản phẩm làng nghề muốn tồn tại và phát triển trong xã hội hiện đại thì không chỉ có chất lượng kỹ thuật mà còn mang được giá trị thẩm mỹ cao, mang bản sắc văn hóa Việt Nam và tâm hồn, trí tuệ của nghệ nhân. Chính những sản phẩm kết tinh những tinh hoa như vậy sẽ khẳng định chỗ đứng của hàng thủ công.

Dù máy móc hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế nghệ nhân. Máy móc phải nhường bước trước đôi bàn tay tài hoa, óc thẩm mỹ và tâm hồn nghệ sĩ của các thợ thủ công. Chính vì vậy nhu cầu về sản phẩm thủ công tinh hoa có hồn cốt vẫn không ngừng tăng ở các nước trên thế giới. Những năm gần đây các làng nghề nước ta đã xuất khẩu một tỷ USD/năm. Sản phẩm làng nghề của nước ta muốn xuất khẩu được còn phải đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của nhiều thị trường khác nhau. Các nghệ nhân đã biết ứng dụng những tiến bộ của công nghệ vào sản xuất như sử dụng máy móc trong những công đoạn giản đơn vừa đỡ tốn sức vừa có năng suất cao, đáp ứng kịp thời những đơn hàng lớn; sử dụng khoa học, kỹ thuật để tăng độ bền đẹp của chất liệu thích ứng với mọi thời tiết, khí hậu. Và điều quan trọng nhất là sáng tạo ra mẫu mã mới vừa thể hiện nét đẹp độc đáo của sản phẩm nghề truyền thống Việt Nam vừa phù hợp thị trường người tiêu dùng của nơi hàng xuất đến. Ðể làm được điều đó, nghệ nhân cần có tài năng, thuần thục truyền nghề truyền thống đồng thời nhạy cảm với những đòi hỏi mới của thời hiện đại, thực hiện phương châm kế thừa để phát triển. Như vậy, đội ngũ nghệ nhân có vai trò rất quan trọng trong sự sống còn của mỗi làng nghề, vừa gìn giữ nghề truyền thống của cha ông, vừa là trụ cột của sự phát triển làng nghề trong cuộc sống hôm nay.

Ðể đội ngũ nghệ nhân làng nghề phát triển hùng hậu, rất cần sự quan tâm, chăm sóc của Nhà nước, của toàn xã hội. Mỗi làng nghề truyền thống đều có những nghệ nhân lâu năm giàu kinh nghiệm, nắm giữ vốn quý của cha ông nay đã cao tuổi cần được sự chăm sóc sức khỏe đồng thời tạo mọi điều kiện để nghệ nhân truyền đạt kinh nghiệm quý giá tích lũy cả đời mình, trong đó có những bí quyết gia truyền. Nhiều nghệ nhân cao tuổi tâm huyết với nghề luôn luôn mong mỏi có cơ sở vật chất, có điều kiện truyền nghề cho thế hệ trẻ.

Việc đào tạo, dạy nghề đang trở nên cấp thiết, nhằm xây dựng lực lượng nghệ nhân trẻ, có đủ tài gánh vác công việc của làng nghề trong tình hình mới. Các nghệ nhân thường âm thầm, lặng lẽ làm việc từ đời này sang đời khác. Hiệp hội làng nghề Việt Nam rất quan tâm đến việc tôn vinh các nghệ nhân, đến nay với nhiều đợt đã công nhận 145 Nghệ nhân làng nghề. Mới đây, Nhà nước cũng xét công nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú. Việc tôn vinh này có ý nghĩa trong việc cổ vũ, động viên tinh thần các nghệ nhân làng nghề. Bên cạnh đó, cần có những chính sách cụ thể để phát triển làng nghề, phát triển tài năng của các nghệ nhân. Làng nghề có phát triển thì tài năng của các nghệ nhân mới có điều kiện được thể hiện.

Theo nhân dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

50
Đang xem:
73.194.743
Tổng truy cập: