NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Phan Hải Bằng: Về lấy tre làm giấy vẽ
(Ngày đăng: 13/09/2012   Lượt xem: 1174)

Triển lãm nghệ thuật trúc chỉ của họa sĩ Phan Hải Bằng đang diễn ra tại XQ sử quán, thành phố Đà Lạt. Khách tham quan hào hứng đến với triển lãm mang theo câu hỏi chung: trúc chỉ là gì?

Câu trả lời gây bất ngờ, đó là một loại giấy làm bằng cây tre, do họa sĩ Phan Hải Bằng sáng chế. Không chỉ là loại vật liệu mới xuất hiện ở Việt Nam, trúc chỉ còn là câu chuyện văn hóa.

phanhaibang.jpg
Họa sĩ Phan Hải Bằng

Phan Hải Bằng không phải nhà phát minh, mà là một họa sĩ đi tìm loại giấy đặc biệt có thể đáp ứng được những sáng tạo nghệ thuật của mình lẫn ứng dụng vào đời thường. Hành trình này kéo dài hơn 10 năm, từ lúc anh ấp ủ học hỏi từ những làng nghề làm giấy truyền thống Việt Nam đến khi lặn lội tìm hiểu thêm qua những làng nghề làm giấy dân gian còn sót lại ở Thái Lan, Lào nhờ sự hỗ trợ của một quỹ văn hóa, và về nước bắt tay vào thực hiện.

Giảng viên môn đồ họa của trường Đại học Nghệ thuật Huế này được cho phép lập một… xưởng làm giấy ngay trong khuôn viên trường, và đây cũng là xưởng giấy tạo hình đầu tiên xuất hiện ở một trường mỹ thuật tại Việt Nam. TS. Phan Thanh Bình, hiệu trưởng của Phan Hải Bằng nói: “Anh làm việc như một nghệ nhân làm giấy thực thụ khi chẻ từng ống tre cho vào thùng phuy là nồi nấu, vơ từng đám lá khô đốt lửa, rồi nhẫn nại quấy bột giấy, seo giấy, phơi giấy. Và ngay lúc đó, anh cũng là nghệ sĩ khi vừa tuân thủ kỹ thuật chế tác, vừa làm cho kỹ thuật đó đáp ứng yêu cầu sáng tạo nghệ thuật, chuyển tải hình tượng của mình trên giấy một cách trực tiếp”. Đây cũng chính là quy trình nói một cách vắn tắt của phần việc nhọc nhằn và tinh tế biến những thân tre thành tờ giấy.

hai-bang-2.jpg
Giấy trúc chỉ làm hộp quà, bìa sách, in ảnh...

Không muốn gọi nôm na là giấy tre, chủ nhân của sáng chế nhờ cậy đến nhà văn hóa, dịch giả Bửu Chỉ đặt giúp một cái tên. Trúc chỉ ra đời sau nhiều ngày người được nhờ suy nghĩ đặt tên sao cho danh xưng đó xứng đáng với hàm nghĩa của biểu tượng văn hóa đã gắn vào tâm thức người Việt mà cây tre mang theo suốt chiều dài lịch sử.

Với triển lãm những tác phẩm nghệ thuật được làm từ trúc chỉ, Hải Bằng không còn coi trúc chỉ là một loại vật liệu, phương tiện vật chất. Mỗi tờ trúc chỉ đã là một nửa tác phẩm, độc bản, với những sớ hình, họa tiết ẩn hiện, nửa phần việc còn lại của người họa sĩ là điểm xuyết thêm. “Nhìn ngắm tờ trúc chỉ với những đường vân chìm nổi, uốn lượn, đậm nhạt, tôi tưởng tượng đến khuôn mặt nào đó, đến trời mây, núi rừng, và đến cả số phận con người. Nguyên tờ giấy đặt trong cái khung đã là tác phẩm rồi”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nhận định.

Không phải là loại giấy xa lạ, cảnh vẻ chỉ dành cho những sáng tạo khác người của họa sĩ, trúc chỉ đi vào đời sống rất “ngọt” qua những bìa sách, hộp đựng quà, danh thiếp, in được ảnh, làm được cả nón, quạt, con diều, thậm chí là một phần của chiếc giường trang trí cầu kỳ… Chủ nhân của địa điểm triển lãm - XQ sử quán, ông Võ Văn Quân dành hẳn cả một dãy nhà chỉ để trưng bày nghệ thuật trúc chỉ cùng những sản phẩm nghệ thuật đó, bứng cả những bụi tre, trúc cao từ rừng mang về cho gió đong đưa bên gian nhà, tổ chức cả một chương trình tôn vinh trúc chỉ.

hai-bang-3.jpg
Một tác phẩm thêu trên giấy trúc chỉ

Họa sĩ Phan Hải Bằng không nói nhiều về công việc của mình, mà xem đó là chuyện của chung, như việc anh không đăng ký quyền sở hữu trí tuệ giấy trúc chỉ: “Trong văn hóa, phép cộng giúp mình làm mới và giàu có thêm. Trên cơ sở những giá trị sẵn có, nếu cộng thêm những ý tưởng mới, cách nhìn mới, sẽ góp phần tạo nên giá trị mới. Đây là kết quả của sự gặp gỡ của tình tri kỷ, của những người cùng chung khát vọng tạo ra những giá trị văn hóa mới trên cơ sở làm mới những giá trị truyền thống”.

Không chỉ là người nối dài nghề làm giấy thủ công truyền thống bước vào đời sống hiện đại, họa sĩ người Huế sinh năm 1971 này còn đưa những mảnh giấy làm từ cây tre quê hương trở thành một dạng vật phẩm nghệ thuật. Phan Hải Bằng gọi đó là sự trở về: “Trúc chỉ là một lời mời gọi trở về với lũy tre làng, nơi nuôi dưỡng những giấc mơ, những kỷ niệm tuổi thơ, nơi bình yên cất giữ những cuốc cày, cái roi tre của cha, những rổ rá gánh gồng của mẹ, bó que chuyền của em gái, món đồ chơi của em trai. Trở về không chỉ để hoài niệm mà còn để thấy rằng vẫn còn đó những khốn khó, nhọc nhằn, những tình cảm thuần khiết, mộc mạc. Trở về để tiếp nhận năng lượng, để biết rằng trong cuộc ra đi hướng tới tương lai, mình phải làm điều gì đó cho mảnh đất này, cho cha, mẹ, cho em và cho cả chính mình”.

Theo phụ nữ online

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

34
Đang xem:
73.194.577
Tổng truy cập: