NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Những đường nan biết nói
(Ngày đăng: 11/09/2012   Lượt xem: 695)

Theo "tiếng lành đồn xa", tôi và anh bạn đồng nghiệp tìm về làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội tìm gặp nghệ nhân tài hoa Nguyễn Văn Trung đã mấy chục năm trời đan ảnh lãnh tụ bằng mây.

 Ông đã cống hiến cho đời trên 300 bức ảnh đan bằng mây không chỉ đạt chất lượng xuất khẩu mà còn chứa đựng giá trị nghệ thuật cao và tính nhân văn sâu sắc. Đặc biệt, 200 bức chân dung Bác Hồ được ông dành nhiều thời gian và tâm huyết hoàn thành đến nỗi "đêm ngủ cũng mơ thấy Bác Hồ", dù ông chưa một lần gặp Bác.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, sinh năm 1953, ở làng Phú Vinh, gia đình có 12 đời liên tục làm nghề mây tre đan truyền thống, đời nào cũng có nghệ nhân. Mười tuổi, Trung đã là thợ đan giỏi của làng. Hai mươi tuổi, tốt nghiệp trường Mĩ thuật Công nghiệp, ông về quê với khát khao cháy bỏng phát huy thế mạnh của làng nghề truyền thống, làm giàu cho đất nước. Thời ấy, tư duy sản xuất nhỏ lẻ, mẫu mã không nhiều, vẫn chỉ là những món hàng rổ, rá, làn mây đơn giản. Làm sao để sản phẩm phong phú, giá trị kinh tế cao, phù hợp nhu cầu ngày càng tăng của xã hội, để nghề truyền thống của làng được tôn vinh, nâng cao đời sống?

tc1040.jpg

Ông Nguyễn Văn Trung bên những sản phẩm mới


"Lao động là vinh quang", lời Bác dạy thông qua bài giảng của thày giáo khi mới là học sinh lớp ba đã ngấm vào máu thịt, thôi thúc ông vươn lên mạnh mẽ, bỏ qua mặc cảm một người tàn tật. Sau nhiều trăn trở, với kinh nghiệm học được từ các lão nghệ nhân và kiến thức cơ bản trong trường, ông lao vào nghề với tất cả tâm huyết và say mê. Ông nghiên cứu cải tiến các lối, lóng đan kết hợp trang trí họa tiết, tạo ra gần 400 mẫu sản phẩm trang trí nội thất và đồ gia dụng như tủ, giường, khung gương, cây đèn, chao đèn... Ông mày mò, tìm kiếm, thổi hồn vào tác phẩm qua các đường nan. Dần dần, sản phẩm của ông không chỉ đạt yêu cầu về kiểu dáng mà tinh túy đến từng đường nét, mỗi chi tiết trong tác phẩm đều thể hiện tinh thần lao động không mệt mỏi của một nghệ nhân nghị lực và tài hoa.

Tâm sự về những bức tranh Bác Hồ, ông chia sẻ, trong đầu ông lúc nào cũng mường tượng ra hình ảnh Bác, khi thì ở Chiến dịch Biên giới, lúc ở hang Pác Bó chỉ đạo phong trào Cách mạng… Ông hình dung ra từ dáng đứng, góc ngồi, đôi tay, ánh mắt hay chiếc áo Bác đang mặc. Cứ nghĩ ra một chi tiết, ông lại bật dậy, cần mẫn làm việc, cho dù đang nửa đêm hay chợp mắt nghỉ trưa.

Công sức và tài năng của ông được ghi nhận khi bức tranh "Bác Hồ trên đường đi công tác ở Pác Bó" được trao Huy chương Vàng tại Hội chợ Kinh tế kĩ thuật Việt Nam năm 1980, ông được công nhận nghệ nhân. Tiếp đó là Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo các nước thuộc khối XHCN tổ chức tại Liên Xô (cũ), Giải thưởng Bàn tay vàng do các nước Đông Dương bình chọn và nhiều giải thưởng cao qua các kì triển lãm trong và ngoài nước...

Không chỉ dừng ở thị trường trong nước, nhiều lần ra nước ngoài làm chuyên gia nghiên cứu, ông tranh thủ tìm đối tác mở rộng thị trường. Bạn bè quốc tế đến với ông ngày càng nhiều. Ông thành lập Trung tâm Dạy nghề tư thục Mây tre đan Phú Vinh trực thuộc Công ty để truyền nghề cho thế hệ trẻ. Ông biên soạn “Giáo trình Nghề Mây tre đan” được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt, sắp ban hành phục vụ dạy nghề trong cả nước, đồng thời tổ chức và cùng 12 giáo viên thường xuyên đi dạy nghề ở nhiều tỉnh. Đã có hơn 100 lớp học với trên 5.000 học viên được Trung tâm đào tạo, trong đó có nhiều người khuyết tật. Những người khuyết tật được học nghề miễn phí và tạo điều kiện phát huy tài năng. Ông nói: "Chân tàn phế thì còn đôi tay, người câm điếc tuy hơi khó truyền đạt nhưng họ vẫn có thể làm ra sản phẩm nuôi sống bản thân và gia đình".

Hiện doanh thu của Công ty đạt từ 350 đến 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 24 lao động. Hằng năm, ông trích 30 - 50 triệu đồng giúp đỡ người tàn tật, người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn... Ngoài đan những bức ảnh lớn về Bác Hồ, ông còn cho ra đời những bức chân dung lãnh tụ Lê-nin, Các Mác, Ăng-ghen, Phi-đen Cát-xtrô… được bạn hàng các nước Pháp, Mỹ, Nhật, Đức và Nga ưa chuộng. Ông Nguyễn Văn Trung cho biết, đang tiếp tục đan những bức tranh nghệ thuật, phục chế ngai vàng, võng lọng, long đình, nhà sàn truyền thống; sản phẩm của công ty hiện có mặt ở gần chục nước.

Theo báo người cao tuôi

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

60
Đang xem:
73.194.620
Tổng truy cập: