NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
"Vua" diều đất Bắc
(Ngày đăng: 10/09/2012   Lượt xem: 1357)

Đã nhiều năm nay, dân chơi diều gọi ông giáo già Bùi Kim Long ở xã Đại Hưng, Mỹ Đức, Hà Nội là "vua diều". Ông vua không ngôi này đã nhiều lần đem cánh diều của mình đi thi đấu trên khắp cả nước mà chưa một lần chịu thua.

Gãy chân vì chơi diều

Dẫn chúng tôi vào một căn phòng chật hẹp với trên 20 loại diều các loại, từ diều rồng, diều sáo cỡ lớn, diều cánh én... trong đó, có những chiếc ông đã từng đưa đi tham dự kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nên phải giữ làm kỷ niệm. Ông Long bảo: "Gia tài cuộc đời tôi chỉ có thế này, nhưng trong đó chứa đựng rất nhiều kỷ niệm đẹp và bi thương thời thơ ấu".

Nói rồi, ông trần tình về thời thơ ấu đầy bão táp bên cánh diều: Lúc nhỏ ông đã ảnh hưởng thú chơi diều từ ông nội. Năm lên 7 tuổi ông có thể tự thiết kế, dán được những cánh diều để chơi không kém gì người làm diều lâu năm. Cũng do mải mê thả mình theo những cánh diều mà ông đã sơ sẩy dẫn đến tai nạn gãy chân.

Ông Long nhớ lại: "Năm tôi lên 11 tuổi, ông nội tôi bị giặc Pháp bắn chết, bố tôi cũng bị giặc bắt sang Pháp làm nô lệ cho chúng. Do hoàn cảnh khắc khổ, tôi đã tìm lại ký ức bên những cánh diều vì nó gắn với người ông quá cố của tôi".

Vài năm sau ông nội mất, ông Long phải đi học phổ thông ở xa nhà nhưng niềm đam mê chơi diều vẫn chưa dứt. Những lúc ở khu trọ một mình, buồn và nhớ nhà, ông lại ra bãi đất trống gần khu trọ để chơi diều.

Năm 1964, khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm ông được chuyển về công tác tại Trường Thủy lợi Hà Tây. Năm 1999, ông rời bục giảng, trở về với cuộc sống yên bình. Ngày ngày nhìn đám trẻ con chơi đùa làm ông giáo già lại nhớ đến nao lòng tuổi thơ bên những cánh diều. Điều này đã trở thành động lực thôi thúc ông trở lại với thú vui chơi diều.

Như một lẽ tự nhiên, ông tự tay làm lại những cánh diều và rủ đám trẻ con ra cánh đồng cạnh nhà để chơi. Việc làm này của ông khiến cho nhiều người bất ngờ vì cả vùng này hơn 50 năm nay không ai chơi diều, rồi người dân tập trung đông, kín cả đường đi lại để xem ông chơi diều, điều đó làm ông cảm động vô cùng.

images970061_anh_1_mau.jpg

Chiếc diều tham dự trong dịp lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Dùng toán học để tính hệ số cho diều

Ông Long tiết lộ: Đặc trưng của diều miền Bắc là diều sáo, nhưng đã là người chơi diều thì phải biết đến diều nghệ thuật. Nhìn bạn diều miền Nam cải tiến diều bằng cách bắt vít, ông liền nghĩ ngay ra việc cải tiến diều thành ống đút.

Nói rồi ông cầm ra một cuộn gồm những ống bằng nhôm và mảnh vải quấn lại. Sau mấy phút lắp ráp ông đã cho ra một con diều én rất đẹp và có tốc độ nhanh hơn so với kiểu bắt vít của đội diều miền Nam. Trong khi đó diều lại có thể đem đi được khắp nơi.

Ông Long chia sẻ: Diện tích diều càng lớn độ hướng gió càng tốt nên đã tự đặt ra công thức tính cho diều là lấy hệ số là a = S/P (nghĩa là diện tích chia trọng lượng). Nên mỗi chiếc diều sẽ hạn chế được tối đa về trọng lượng và tăng tối đa về diện tích.

Nếu so sánh cùng loại diều có chiều dài 3m, trong khi diều đội bạn nặng 8g nhưng diều của ông Long chỉ có 5g nên chỉ cần có gió nhẹ là diều của ông đã bay phơi phới còn diều đội bạn thì vẫn ì ạch, có khi còn lộn gió mà rạp xuống đất. Những lần đi vào Huế, Hội An, Vũng Tàu... ông Long đều làm những "đồng nghiệp" ngạc nhiên bởi một con người đất Bắc lại thông tường tất cả mọi loại diều của Việt Nam.

Đối với diều sáo thì điều quan trọng nhất là nằm ở sự hợp âm và tạo nhạc của sáo. Sáo diều cũng cần phải tôn trọng những quy định về nốt nhạc, những âm thanh phải phù hợp với nhau để cùng phát âm khi lên cao gặp gió chứ không thể sắp xếp một cách lộn xộn được. Chế tạo xong, mỗi chiếc sáo đều được khớp lại với đàn organ để có được âm thanh chuẩn nhất. Đó là cách hiện đại hóa âm thanh sáo diều của ông Long.

images970062_anh_2_mau.jpg

Kiểm tra sáo diều

Không đấu diều ăn tiền...

Ông Long tâm sự: "Giờ đây, nhiều nơi đã thương mại hóa trò chơi diều, người ta lợi dụng việc này để kiếm tiền chứ không còn thuần túy là thú chơi dân gian mang tính nghệ thuật và hiền hòa như trước nữa. Tôi chỉ đi tham gia hội thi diều ở những sự kiện lễ hội với mục đích vui chơi, giữ gìn bàn sắc văn hóa dân tộc chứ không đi thi đấu để lấy tiền. Mấy năm trở lại đây, có nhiều tổ chức, cá nhân đến mời tôi tham gia đấu diều lấy tiền nhưng tôi không tham gia".

Trong tất cả các cuộc thi diều, ấn tượng lớn nhất với ông Long chính là việc làm một chiếc diều rồng nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là chiếc diều khó nhất từ trước đến nay vì nó không có mẫu để bắt chước. Từ khi có ý tưởng về chiếc diều ông phải mất ăn mất ngủ nhiều đêm liền để tính toán làm sao cho chiếc diều có thể bay được. Cuối cùng ông đã thử nghiệm thành công việc cứ mỗi khúc diều dài 70cm lại nối một sợi dây để khi chơi diều thì sợi dây tạo ra phản lực giúp diều giữ thăng bằng và bay lên.

Nói về văn hóa chơi diều, ông Long bày tỏ: "Càng ngày dân chơi diều càng ít đi, nhiều người chỉ học được dăm ba chiêu trò rồi đi thi đấu ăn tiền. Ngay như ở làng tôi, đến nửa thế kỷ rồi người dân mới được trông thấy cánh diều, điều đó chứng tỏ nét văn hóa cổ truyền đang bị chìm nghỉm cùng thời gian. Điều đó thật đáng buồn".

images970064_anh_3_mau.jpg

Đôi bạn già cùng chơi diều.

 

"Hiện nay tôi có thể làm được tất cả hơn 20 loại diều, từ diều miền Nam cho đến diều miền Bắc... Mỗi chiếc diều đều có độ khó riêng, nếu mình tính toán cẩn thận, tỉ mỉ thì chiếc diều sẽ đạt sức "chiến đấu" cao nhất khi đi thi. Riêng diều sáo thì người làm phải có kiến thức về toán học và âm nhạc thì mới làm ra được chiếc diều hay, như ý".
Ông Bùi Kim Long

Theo báo kiến thức

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

24
Đang xem:
73.194.668
Tổng truy cập: