NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Lão nghệ nhân đan ghế mây tặng Bác Hồ
(Ngày đăng: 03/09/2012   Lượt xem: 636)
"Suốt cuộc đời làm nghề mây tre đan, hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi là được đan ghế tặng Bác Hồ. Hiện nay, chiếc ghế tinh xảo vẫn đang được trưng bày trang trọng ở nhà sàn của Bác", nghệ nhân 70 tuổi Nguyễn Văn Minh tự hào về đôi tay tài hoa của mình.

Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ nằm cuối con ngõ nhỏ của làng Ngọc Động xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên (Hà Nam), nghệ nhân Nguyễn Văn Minh, tóc đã ngả màu muối tiêu nhưng đôi mắt vẫn tinh anh, đôi tay thoăn thoắt vừa đan ghế mây vừa hào hứng kể về những ngày tháng hạnh phúc nhất của cuộc đời.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Minh luôn tự hào về những ngày đan ghế mây tặng Bác Hồ. Ảnh: N.K
Nghệ nhân Nguyễn Văn Minh luôn tự hào về những ngày đan ghế mây tặng Hồ Chủ tịch. Ảnh: N.K

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề mây tre đan, từ nhỏ, ông Minh đã sớm theo nghề của gia đình. Năm 10 tuổi, ông Minh trở thành thợ lành nghề trẻ nhất của làng Ngọc Động. Năm 1957, khi vừa bước sang tuổi 16, làng Ngọc Động được tin khánh thành ngôi nhà sàn ở Phủ chủ tịch. Suốt đêm, những nghệ nhân của làng cứ trằn trọc, thao thức không biết tặng Hồ Chủ tịch cái gì. Sau khi ý tưởng tự làm ghế mây để tặng được cả làng thông qua, toàn bộ dân Ngọc Động cùng nhau thi đua tay nghề, chọn ra tốp thợ giỏi nhất để làm bộ ghế đặc biệt. Vượt qua những nghệ nhân kì cựu, chàng trai Nguyễn Văn Minh trở thành thợ trẻ nhất trong tốp 7 người được làm ghế mây để tặng Bác.

Sau khi họp bàn, phân công người chọn mây, uốn khung, kéo sợi, sơn màu, người thợ trẻ được phân công khâu quan trọng nhất của chiếc ghế là kéo sợi mây. Trong mấy tháng, những người thợ thay nhau vào các khu rừng già ở vùng Tây Bắc và Thanh Hóa để chọn những cây mây có tuổi đời trên 20 năm, không bị cụt ngọn, không bị kiến đục, thân phủ màu vàng óng. Sau khi xử lí bằng cách ngâm dưới bùn nhão và phơi khô, cây mây được kéo thành các sợi nhỏ rồi chuốt thật bóng và dẻo.

Tiếp theo, các nghệ nhân phải đi chọn những cây gỗ quý, có tuổi đời trăm năm, không mối mọt để làm khung ghế. Trong hơn 1 tháng, những sợi mây nhỏ xíu nhưng vàng óng được đan thành một bộ ghế với những đường nét tinh xảo. Đến khâu cuối cùng, các nghệ nhân phải lên vùng Phú Thọ hái quả cây sơn để lọc mủ và đun 3 ngày 3 đêm trên lửa để làm nên một loại sơn dầu đen bóng, phủ lên khung chiếc ghế mây.

Bộ ghế salon mây 6 chiếc và một ghế chao dài 1,8 mét, rộng nửa mét, hai bên có tay vịn, khung ghế có thể lắc lư qua lại được hoàn thành trong sự ngỡ ngàng của người dân Ngọc Động. Bộ ghế hoàn thành, cả làng kéo đến xem và trầm trồ khen ngợi.

Sau đó, những người làng Ngọc Động cùng nhau mở hội, đưa chiếc ghế theo đường xe lửa đến Phủ Chủ tịch. Cuối năm 1957, Hồ Chủ tịch về ở và làm việc tại nhà sàn, chiếc ghế chao được kê ở tầng 1 dành cho Bác nghỉ ngơi sau những giờ phút làm việc căng thẳng.

"Ngày bộ ghế được đặt trong Phủ Chủ tịch, được Bác Hồ sử dụng, những người thợ Ngọc Động chúng tôi mừng đến rơi nước mắt. Tài năng của những nghệ nhân chúng tôi được Bác Hồ và Chính phủ ghi nhận, điều mà không phải làng nghề nào cũng may mắn có được", lão nghệ nhân 70 tuổi mân mê chiếc ghế chao mây trong nhà riêng vừa tâm sự.

Cụ Minh cho biết, chiếc ghế mây cụ đang sử dụng chính là phiên bản của chiếc ghế chao trong nhà sàn Bác Hồ. Sau khi đóng xong chiếc ghế tặng Bác, nghệ nhân Minh đã đo lại tất cả các thông số và kích thước, vài năm sau, cụ Minh đã làm thêm một chiếc ghế y nguyên để làm kỉ niệm.

Chiếc ghế mây trong nhà ông Minh được làm theo nguyên bản chiếc ghế trong nhà Bác Hồ. Ảnh: N.K
Chiếc ghế mây trong nhà ông Minh được làm theo nguyên bản chiếc ghế trong Phủ Chủ tịch. Ảnh: N.K

Năm 1958 Hợp tác xã Việt Tiến của tổ hợp làng nghề Ngọc Động nhận được một món quà 50 đồng và lá thư của Hồ Chủ tịch với lời nhắn: "Bác đã nhận được quà của các chú. Bác trích tiền tiết kiệm của Bác dành dụm được tặng các chú 50 đồng làm vốn để các chú khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống mây tre đan ở địa phương". Số tiền Hồ Chủ tịch tặng được dùng để mở rộng xưởng sản xuất. Từ đó, các thế hệ nghệ nhân của làng nghề Ngọc Động luôn quyết tâm phát triển nghề mây tre đan như là một hướng thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Hiện nay, Ngọc Động là một trong những làng nghề mây tre đan nổi tiếng cả nước, hàng triệu sản phẩm mây tre đan của làng nghề đã vươn sang các thị trường khó tính ở châu Âu, châu Mỹ, Tây Á...

Năm 1990, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghệ nhân Nguyễn Văn Minh cùng nhóm nghệ nhân gồm Nguyễn Văn Truyền, Nguyễn Văn Bính và Nguyễn Thế Chính được mời ra Hà Nội để sửa lại bộ ghế mây trong nhà sàn. Nhìn lại bộ sản phẩm ngày xưa vẫn được đứng cạnh những món quà khác của bạn bè khắp năm châu trong ngôi nhà sàn giản dị, những người thợ làng Ngọc Động xúc động đến nao lòng. Một số sợi mây bị đứt nhanh chóng được các nghệ nhân sửa lại theo nguyên bản. Sau đợt này này ông Minh được Đảng và Nhà nước tặng thưởng huy hiệu Hồ Chí Minh.

Tốp thợ làm ghế mây trong một lần ra thăm nhà Bác. Ảnh tư liệu.
Tốp thợ làm ghế mây trong một lần ra thăm nhà Bác. Ảnh tư liệu.

"Với chúng tôi, được đan ghế tặng Bác Hồ là niềm tự hào lớn nhất. Những ngày sinh nhật, ngày giỗ Bác, những người thợ Kim Động năm xưa lại bồi hồi xúc động. Bác Hồ không chỉ là vị lãnh tụ mà còn là người cha già rất đỗi thân thương", lão nghệ nhân Nguyễn Văn Minh nước mắt lưng tròng, nói.

                                                                                           Theo: ( VNexpress) -  Nguyên Khoa


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.686.044
Tổng truy cập: