NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Người làm sống lại làn điệu trống quân Dạ Trạch
(Ngày đăng: 15/08/2016   Lượt xem: 926)

Đã 22 năm qua, nghệ nhân Nguyễn Hữu Bổn, 84 tuổi, dành bao tâm sức và thời gian đi tìm lại vẻ đẹp của một làn điệu trống quân truyền thống vùng Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên tưởng đã bị thất truyền.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Bổn.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Bổn là một trong những người có công lớn trong việc phục dựng lạt điệu hát trống quân Dạ Trạch. Bây giờ, dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng dường như trong con người ông chưa bao giờ hết trăn trở về văn hóa quê hương.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Bổn cũng không biết hát trống quân có tự bao giờ, xuất phát từ đâu. Cho đến nay có nhiều câu chuyện, nhiều huyền tích, thậm chí các nhà khoa học cho rằng sự ra đời của hát trống quân vẫn còn là một câu chuyện bí ẩn.

Chỉ biết rằng hát trống quân gắn liền với truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung nhiều câu hát ca ngợi về tình yêu đôi lứa, những làn điệu hát giao duyên thắm tình người mà trong đó đã viết lên câu chuyện tình bất hủ. “Bao nhiêu năm trực tiếp nghiên cứu, sưu tầm về điệu hát này nhưng tôi cũng chưa biết nguồn gốc, xuất xứ của làn điệu này có từ đâu, do ai truyền dạy.

Nhưng nghe các cụ cao niên nói lại thì hát trống quân hay còn được gọi là “ứng tác”, không có bài cụ thể mà phải chia ra làm các cảnh, mỗi cảnh lại thể hiện một chủ đề khác nhau trong đời sống thường ngày từ hát hứa, hát đố Kiều mời trầu, hát giao duyên, hát thách cưới. Mỗi cách có nét độc đáo riêng biệt, ở đó một nam một nữ sẽ ứng tác thể hiện trọn vẹn một cảnh của loại hình hát trống quân”, nghệ nhân Nguyễn Hữu Bổn cho biết.

Không giống với quan họ Bắc Ninh, những liền anh liền chị hát giao duyên nhưng không bao giờ được phép yêu nhau, nên vợ chồng, còn trong hát trống quân nam nữ được thoải mái tìm hiểu nhau, tìm ra người tâm đầu ý hợp để sống bên nhau trọn đời.

Không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, những làn điệu trống quân cất lên là thể hiện sự hòa hợp, gắn kết yêu thương. Vì thế những làn điệu hát trống quân trở nên quen thuộc không chỉ vào mỗi dịp lễ hội mà còn đi vào đời sống sản xuất nhằm cổ vũ, động viên tinh thần lao động hăng say của nhân dân.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Bổn cho biết, hát trống quân chính là sự tích hợp nhuần nhuyễn của nhiều loại hình nghệ thuật như hát chèo, quan họ, hát xẩm, những làn điệu trống quân thường được dẫn nhiều từ các tích như Kiều theo thể thơ lục bát dễ nhớ, dễ nghe, dễ đọc, dễ thuộc. Chính vì thế đã khiến cho hát trống quân dễ đi sâu vào lòng người, chảy trôi từ thế hệ này sang thế hệ khác được gìn giữ cho đến ngày nay.

Làn điệu trống quân độc đáo đến nỗi khiến cả trong và ngoài nước cũng ngưỡng mộ, đơn giản vì nó xuất phát từ lao động sản xuất, từ sự gặp gỡ của những đôi trai gái trong những đêm trăng rằm, trong sự ứng tác có vần điệu.

Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm hát trống quân có thời gian những tưởng đã bị thất truyền mãi mãi. May mắn thay, hơn 20 năm trước, ông Nguyễn Duy Phí- nguyên Giám đốc Nhà hát Múa rối Trung ương trong một lần về vùng đất Dạ Trạch, được nghe và xem một số tài liệu về nghệ thuật hát trống quân.

Tại đây, ông Nguyễn Duy Phí đã cùng với các ông Nguyễn Hữu Bổn, Lê Hồng Điệp quyết tâm tìm lại những làn điệu hát trống quân xưa và biên soạn thành tài liệu cụ thể.

Những lão nghệ nhân ngày ấy giờ chỉ còn lại mỗi ông Bổn là vẫn đang hằng ngày miệt mài truyền dạy những làn điệu cổ, sáng tác hàng trăm làn điệu mới cho thế hệ mai sau học tập, tiếp nối và phát triển.

Câu chuyện của chúng tôi càng trở nên cuốn hút hơn khi ông Bổn nói về nghệ thuật hát trống quân với những canh hát cổ vẫn còn được duy trì đến ngày nay. Đó là bốn canh cổ được lưu giữ duy nhất tại vùng đất Dạ Trạch như Canh hát hứa, Canh hát Đố Kiều, Canh hát Thách cưới, Canh hát giao duyên, trong đó mỗi canh lớn lại được chia ra làm nhiều canh nhỏ đều được mỗi đôi nam nữ thể hiện hát ứng tác trong vòng mấy chục phút.

Có những canh lớn như Canh hát hứa được chia ra làm bốn canh nhỏ đó là chào, hát gọi, hát trời họa đất, họa hoa. Canh đố Kiều mời trầu gồm có đố Kiều, mời trầu, giảng tích trầu, họa chùa họa núi, họa sông. Song trong đó thú vị nhất không thể không kể đến Canh hát giao duyên dành cho những đôi trai gái mới tìm hiểu để nên vợ chồng, đối với canh hát này thì không có canh nhỏ. Một chiếc trống là đạo cụ duy nhất từ xưa góp phần làm nên nét đặc sắc của trống quân.

Theo cụ Bổn thì không phải là trống vì người sử dụng đạo cụ không hẳn gõ trực tiếp nên mặt trống. Một chiếc trống được bưng một mặt, hai miếng gỗ nối với nhau, một sợi dây mây, một chạc gỗ bắc qua được đặt lên mặt trống. Người đánh trống bắt đầu dùng dùi gõ lên dây mây tạo ra nhịp điệu, âm thanh lúc trầm lúc bổng, đó là cách sử dụng đạo cụ hết sức đơn giản nhưng lại độc đáo của nghệ thuật hát trống quân.

Hiện nay, làn điệu hát trống quân tại Dạ Trạch vẫn được tiếp nối không ngừng, ngày càng được phổ biến rộng rãi tại nhiều vùng miền của cả nước, trong đó công lao thuộc về nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Bổn, ông Nguyễn Văn Học- Chủ nhiệm CLB trống quân Dạ Trạch.

Ngày nay trống quân không chỉ biểu diễn phụ vụ vào mỗi dịp lễ hội mà còn trở thành nét sinh hoạt văn hóa vui nhộn của đoàn thể, trong các trường học và đặc biệt là đi vào đời sống lao động một cách tự nhiên mà không hề mất đi sự tinh tế, độc đáo vốn có. 

                                                                                     Theo: daidoanket.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.670.458
Tổng truy cập: