NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Đỗ Khắc Lăng – Người lưu giữ hồn xưa nhà cổ
(Ngày đăng: 03/08/2016   Lượt xem: 1042)
Đến thôn 6, xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội hỏi anh Đỗ Khắc Lăng, người dân ở đây ai ai cũng biết. Không chỉ mang lại vẻ đẹp cho ngôi nhà, với bàn tay tài hoa và trí óc sáng tạo, anh Lăng còn là một trong những người góp công đầu trong việc lưu giữ hồn xưa nhà gỗ cổ - một kiến trúc đầy tự hào của người Việt.

Anh Đỗ Khắc Lăng – Người có tâm với nghề mộc Chàng Sơn

Tiếp chúng tôi thân tình và niềm nở, bằng giọng nói trầm ấm, anh Lăng chia sẻ với chúng tôi về nét duyên bén nghề: “Anh sinh ra trong một làng nghề truyền thống làm đồ gỗ và thi công nhà gỗ. Cả làng đâu đâu cũng thấy gỗ và gia đình anh cũng vậy. Ngay từ nhỏ, anh đã được tiếp xúc với những kiến thức cơ bản về gỗ, một số kỹ năng làm nghề và những tư tưởng phát triển nghề của gia đình. Anh hiểu rằng nghề mộc là một nét văn hóa đáng tự hào của người Chàng Sơn quê anh, thế hệ sau như anh cần lưu giữ và phát huy truyền thống quý báu đó.” Nghĩ là làm, gần 15 năm qua, anh Lăng sống và cống hiến cho nghề tổ. Những công trình anh tham gia chủ yếu là thi công những ngôi nhà gỗ mang phong cách cổ truyền. Nhà gỗ thì có ở nhiều nơi và nhiều người có thể làm được nhưng để giữ được hồn cốt và cái thần truyền thống thì chỉ có những người thợ mộc tài hoa ở Chàng Sơn mới đảm đương nổi.

Anh Lăng chia sẻ thêm: Xưa, vùng Bắc Bộ thường ở nhà gỗ. Dấu tích văn hóa nhà gỗ thể hiện rõ nhất trong các kiến trúc đền chùa. Nói về nhà gỗ, thì Thạch Thất – xứ đoài quê anh nổi tiếng với kiến trúc nhà gỗ tường đá ong. Nếu ai để ý thì sẽ thấy cái tên “Thạch Thất” được dịch ra thì có nghĩa là nhà làm bằng đá. Địa danh thể hiện được tinh hoa của quê hương, làng xã. Qua cái tên Thạch Thất, chúng ta biết được trước kia nhà gỗ tường đá ong phổ biến đến mức nào. Có lẽ chính vì vậy mà tay nghề làm nhà gỗ của những thợ mộc nơi đây, cụ thể hơn là ở Chàng Sơn được nhiều người đánh giá cao hơn cả.

Nhà gỗ ở Chàng Sơn có vẻ đẹp độc đáo trong cách thiết kế và họa tiết chạm khắc trên gỗ. Chính đặc điểm này đã tạo nên sự khác biệt với nhà gỗ của các tỉnh thành khác trên cả nước. Thêm vào đó, Chàng Sơn nơi nổi tiếng nghệ thuật điêu khắc trên gỗ. Các hoa văn, họa tiết chạm trổ một cách mềm mại, tinh xảo, sống động như thật. Chính kỹ năng đó đã tạo nên giá trị văn hóa cho những ngôi nhà gỗ.

Khi được hỏi về các cấu kiện và đặc trưng của một ngôi nhà gỗ, anh Lăng cười hiền và nói rằng: “Đa dạng và phức tạp lắm em ạ. Anh có nói đến sáng mai cũng không hết được đâu”. Sau đó, anh kể qua cho chúng tôi nghe về các bộ phận của ngôi nhà gỗ, đại loại là bao gồm: cột, xà, kẻ, vì, câu đầu, hoành, dui mè… Mỗi bộ phận lại bao gồm nhiều các bộ phận nhỏ hơn. Ví như, cột thì có cột cái, cột quân, cột hiên. Xà thì có xà lòng hay chếnh, xà nách hay thuận. Kẻ thì có kẻ ngồi gác, kẻ hiên gác… Với những “người ngoại đạo” như chúng tôi nghe anh Lăng giới thiệu mà có cảm giác chóng mặt, không nhớ nổi. Thấy người nghe có vẻ “khó hiểu” về các bộ phận nhà gỗ, anh Lăng nhiệt tình chuyển sang đặc điểm của kiến trúc nhà cổ Bắc Bộ.

Theo anh, người Bắc hay làm nhà theo cơ số lẻ như: nhà 3 gian, 5 gian, 7 gian hoặc 9 gian… Trong thiết kế nhà gỗ cổ, ở các góc mái thường gắn hình của các loài vật biểu tượng cho sự thịnh vượng của gia chủ. Hình ảnh thân thuộc nhất là “rồng bay phượng múa”, vừa thể hiện được uy quyền vừa mang lại vẻ đeoh cho ngôi nhà. Mái nhà gỗ truyền thống thẳng và hơi hếch lên ở phía góc mái tạo nên sự thanh thoát và phù hợp với phong thủy trong nét văn hóa người Việt. Loại ngói trong nhà gỗ truyền thống là ngói vảy rồng, được lót hai lớp ngói là ngói âm và ngói dương.

Cột chính là bộ phận khung xương của toàn bộ ngôi nhà giúp cho nhà vững chắc. Cột có hình tròn, được làm từ loại gỗ tốt, bào trơn và làm đẹp bề mặt. Ngày nay, vì thị hiếu hiện đại, nhiều người có thể chạm khắc lên cột để tạo sự sinh động và nghệ thuật cho không gian.

Anh Lăng đặc biệt nhấn mạnh đến các hoa văn chạm khắc trên gỗ vì đây là phần thể hiện giá trị sống của gia chủ và tài năng của người thợ mộc. Ngôi nhà có đẹp và sang trọng hay không phụ thuộc vào những họa tiết trên nền gỗ. Thông thường, anh Lăng thường có sự lựa chọn kỹ lưỡng các hoa văn họa tiết và các mô típ nghệ thuật dân gian truyền thống hoặc đục đẽo các hoa văn theo yêu cầu của gia chủ. Dù làm theo hình thức nào, các đường nét chạm trổ của anh cũng có sự mềm mại, chuyển chuyển, gọn gàng, sắc nét thể hiện vẻ đẹp của nghề mộc truyền thống. Anh coi đây là cách để gìn giữ và phát huy tinh hoa nghề mộc quê hương. Khi đã lựa chọn hoa văn, anh sẽ trực tiếp phác họa trên nền gỗ. Sau đó, anh dùng đục để tạo hình nổi cho các họa tiết…

Nói rồi, anh dẫn chúng tôi đi xem một vài công trình mà anh cùng đội thợ của mình đang thi công. Hệ thống kết cấu khung nhà gỗ được thi công theo đúng kỹ thuật và phong cách truyền thống với những họa tiết đẹp mắt. Trước khi tạm biệt chúng tôi, anh Lăng tâm sự: “Nhiều người trong xã đã chuyển đi làm nghề khác nhưng anh thì cố kíp sống chết với nghề. Ai mời công trình nào là anh sẵn sàng nhận hết và dốc tâm, dốc lực cho công trình đó. Đây cũng là cách anh gìn giữ và phát huy những tinh hoa của nghề tổ”. Sau này, những công trình mà anh thi công sẽ được con cháu anh hưởng thụ và cảm nhận. Nhờ đó, chúng sẽ thêm tự hào về truyền thống nghề và sự tài hoa của cha ông. Nghĩ vậy, anh Lăng nở một nụ cười mãn nguyện.

                                                                                            Theo:phapluatxahoi.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.670.404
Tổng truy cập: