NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Giót
(Ngày đăng: 31/05/2016   Lượt xem: 525)

Về đến làng Hưng Học, nay là phường Nam Hòa (TX Quảng Yên), hỏi nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Giót đóng thuyền nan là ai cũng biết và chỉ cho ngay. Ở vùng này, ông Giót nổi tiếng có bàn tay “vàng” trong việc đóng thuyền đẹp và bền.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Giót chỉ bảo con dâu thực hiện một công đoạn làm thuyền nan.
             Nghệ nhân Nguyễn Văn Giót chỉ bảo con dâu thực hiện một công đoạn làm thuyền nan.

Ông Nguyễn Văn Giót sinh năm 1947, lớn lên ở vùng làng đảo Hà Nam bốn bề sông nước. Mở mắt ra là ông đã thấy những chiếc thuyền nan phục vụ lao động sản xuất, sinh hoạt của bà con. Đặc biệt, không ít trong số những chiếc thuyền đó do chính bàn tay của ông nội rồi đến cha ông làm ra. Ông Giót kể, lúc đó, ông thích thú lắm với những chiếc nan thuyền do người lớn làm ra. Ông mê mẩn chạy vòng quanh và ước gì mình tự tay làm được những chiếc thuyền như thế. Và rồi năm ông lên 8 tuổi, ông nội và cha đã bắt đầu truyền nghề cho ông. Đến năm 20 tuổi, ông Giót đã có thể tự tay hoàn thiện một con thuyền nan hoàn chỉnh.

Năm 21 tuổi, ông nhập ngũ, vào bộ đội biên phòng, đóng quân ở những vùng biển đảo, nên càng có cơ hội phát huy khả năng đóng thuyền của mình. Ông thường xuyên tu sửa tàu thuyền cho đơn vị, sửa đò cho bà con ngư dân. Từ năm 1982, ông phục viên về quê hương tiếp tục làm nghề đan thuyền nan của cha ông để lại, cái nghề ông đã say mê từ nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Giót, tâm sự: “Nghề đan thuyền nan là nghề gia truyền của gia đình, nó ngấm vào máu rồi, tôi có thể ngồi đan từ sáng đến tối. Thậm chí, có những năm tôi còn ngồi đan đến tận 30 Tết mới nghỉ”. Cũng theo ông cho biết, hiện gia đình ông sản xuất thuyền nan đủ loại, trong nhà lúc nào cũng có hàng chục chiếc trưng bày sẵn ở bãi để cho khách hàng lựa chọn. Thông thường thuyền dài khoảng 3 đến 10 mét, còn chiều rộng thì tùy vào nhu cầu dùng thuyền làm công việc gì của khách hàng.

“Đan một chiếc thuyền mất khá nhiều thời gian, gia đình tôi làm cũng phải từ 3-4 ngày công mới hoàn thành được 1 chiếc thuyền nhỏ, còn thuyền lớn hơn thì có khi tới 8-10 ngày. Có chiếc làm đến 20 công mới xong” - Ông Giót kể. Theo ông Giót, để có được một chiếc thuyền nan bền, đẹp phải làm tương đối cầu kỳ. Từ việc chọn loại tre nứa có độ già đều, thuần nhất để ra nan thuyền cho độ dày đều, đến việc chọn nhựa đường, gỗ làm sạp, thời gian phơi khô v.v.. Ông bảo nan đan thành mê xong thì cho vào khuôn được xây bằng bê tông (ông gọi là vào lò), nhưng vì nan là tre tươi nên phải có công đoạn phơi khô chừng một tuần. Khi cái mê đó khô thì mới được vào cốt, nghĩa là quét vật liệu để vít kín khe nan. Ngày trước, các cụ kỳ công đi lấy quả sú vẹt và quả sim đem giã nhỏ trộn đều để phết vào mê thuyền. Bây giờ, vật liệu bán sẵn, người ta dùng nhựa đường và nhựa cứng để quét. Nhưng trước khi quét nhựa đường, người ta phải dùng phân trâu, bò trát vào lớp trong cùng rồi phơi khô. Sau đó lấy nhựa đường nấu lên rồi quét hai lớp cả trong lẫn ngoài.

Sau công đoạn này, người thợ sẽ tìm gỗ làm cạp, làm khung, xuống thang, làm lòng thuyền, lắp chân vịt (nếu như thuyền chạy máy). Cuối cùng, để hoàn thiện chiếc thuyền, người thợ mới quét tiếp một lớp sơn nhựa công nghiệp, có độ cứng cao để tạo lớp bảo vệ bên ngoài.

Ông Giót cho biết, đặc trưng của thuyền nan ở vùng làng đảo Hà Nam là cả mũi và lái đều làm tròn, to khác với nơi khác làm nhọn. Đáy của thuyền không bằng mà cong hình vỏ dưa. Loại thuyền này chịu sóng gió rất tốt, đi lướt và có thể lắp 2 máy. Nếu giữ gìn tốt loại thuyền này sẽ có tuổi thọ lên đến khoảng 10 năm.

Đến bây giờ, ông Giót cũng không thể nhớ nổi mình đã đóng được bao nhiêu chiếc thuyền nan. Chỉ áng chừng lúc còn trẻ, một năm ông làm từ 50 đến 70 chiếc. Mỗi chiếc như thế ông bán khoảng 2 đến 3 triệu đồng, có những chiếc to thì lên đến 30 triệu đồng, cá biệt có khách đặt thuyền đẹp lên đến 100 triệu đồng. Vì có chất lượng tốt và giá cả hợp lý, nên hàng của gia đình ông làm ra không chỉ bán cho các địa phương trong tỉnh, mà còn bán tận sang Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An v.v..

Thế nhưng khi hỏi đến công sá, ông Giót thành thực cho biết, đóng thuyền nan chủ yếu lấy công làm lãi, chứ thu nhập chẳng nhiều nhặn gì và vì thế cũng đừng mơ làm giàu từ nghề này. Cái chính là như ông nói: “Nhận biết đây là nghề quý giá mà cha ông đã để lại, tôi và anh em, con cháu trong nhà đang ra sức gìn giữ”. Ông cho biết, ngoại trừ gia đình anh con trai theo đuổi nghề này ra, tất cả các anh chị em và con cái dâu, rể nhà ông đều thành thục việc đan thuyền. Hiện ông cũng đang kèm cặp truyền nghề cho đứa cháu nội mới chỉ có 10 tuổi.

Ghi nhận công lao của ông trong việc giữ gìn văn hóa phi vật thể của dân tộc, năm 2014, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã phong tặng ông danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam. Và cuối năm 2015 vừa qua, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

                                                                            Theo baoquangninh.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.668.686
Tổng truy cập: