NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Nghệ nhân say mê tạc tượng Bác Hồ bằng than đá
(Ngày đăng: 31/05/2016   Lượt xem: 871)

Say mê làm tượng Bác Hồ và đã thử qua rất nhiều chất liệu, nhưng cuối cùng nghệ nhân Phạm Duy Thanh dừng lại ở than đá bởi trong cảm nhận của cá nhân ông chính chất liệu đó đã giúp người nghệ sĩ thể hiện được cao nhất tình cảm mà Vùng than thân yêu dâng tặng đến người.

“Bác Hồ với công nhân mỏ” - Tượng than đá của nghệ nhân Phạm Duy Thanh.
                “Bác Hồ với công nhân mỏ” - Tượng than đá của nghệ nhân Phạm Duy Thanh.

Nghệ nhân Phạm Duy Thanh sinh năm 1950 ở huyện Đầm Hà, là hội viên Hội VHNT Quảng Ninh. Sau giải phóng Khu mỏ, ông theo bố mẹ chuyển về ở phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả sinh sống, lập nghiệp. Tháng 4-1968, Phạm Duy Thanh xung phong lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Đoàn 126 đặc công Hải quân, từng chiến đấu ở vùng Cửa Việt (Quảng Trị). Tháng 6-1973, ông được đưa ra Bắc an dưỡng rồi phục viên. Đầu năm 1974, Phạm Duy Thanh trở về mỏ làm lái xe tại Xí nghiệp Ô tô Cẩm Phả rồi làm công nhân mỏ than Thống Nhất cho đến năm 2005 thì nghỉ hưu.

Tuy không được học hành bài bản, nhưng Phạm Duy Thanh đã nỗ lực tự học, tự vươn lên tạo dựng cho mình lối đi riêng bằng loại hình điêu khắc theo lối tả thực. Ông chia sẻ: “Cả hội hoạ và điêu khắc tôi đều học mót thôi chứ có được đào tạo qua trường lớp bài bản nào đâu. Toàn học theo những người đi trước, thấy họ làm mình mày mò làm theo”. Người mà Phạm Duy Thanh chịu ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời sáng tác là nhà điêu khắc Lý Xuân Trường. Dù nhà điêu khắc Lý Xuân Trường không còn nữa nhưng lời khuyên của ông thì Phạm Duy Thanh mãi không quên: “Chú nên đi vào tả thực và tuỳ theo tượng đài mà bay lên với đường nét, kết cấu của mình”.

Làm tượng, Phạm Duy Thanh theo đuổi nhiều đề tài khác nhau như: Hình tượng Bác Hồ, hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ, hình tượng người công nhân mỏ, các danh nhân văn hoá, vĩ nhân v.v.. Từ năm 1999, ông chuyên tâm theo đuổi đề tài hình tượng Bác Hồ bằng chất liệu than đá. Nghệ nhân Phạm Duy Thanh cho biết ông không thể nhớ hết mình đã làm bao nhiêu bức tượng Bác. Chắc cũng có cỡ năm, sáu chục bức, tiêu biểu như: “Bác Hồ ở chiến dịch biên giới”, “Bác Hồ với chiến sĩ Hải quân”, “Bác Hồ với thợ lò”, “Bác Hồ với các dân tộc Quảng Ninh”, “Bác Hồ về thăm mỏ” v.v..

Ông Thanh cho biết, mình đã làm tượng bán thân, toàn thân, cụm tượng Bác Hồ với Quảng Ninh, sắp tới ông sẽ làm cả phù điêu than về đề tài hình tượng Bác Hồ. Theo ông Thanh, làm tượng bằng chất liệu than có những đặc thù rất riêng, nó khó hơn các chất liệu khác như gỗ, đá, thạch cao, xi măng. Than phải chọn than già và cứng, thớ than thuần nhất và phải có kích thước đủ lớn. Nếu làm tượng to phải chắp ghép các thớ lại thì phải dùng loại keo đặc biệt màu đen để kết dính rồi đánh giấy giáp đi. Cũng có thể xay mịn than ra hoà với loại keo kết dính để làm tượng.

Tới đây, nghệ nhân Phạm Duy Thanh sẽ làm một bức tượng Bác Hồ bằng than đá cao hơn người thật. Ông cũng đề xuất, với những tượng than trưng bày ngoài trời nhất định phải xây mái che bởi than ở trong lòng đất đem phơi mưa nắng sẽ dần bị bào mòn.

Ông Thanh cũng chia sẻ, làm tượng Bác Hồ, ông “trung thành” với chất liệu than đá bởi chỉ có than đá mới nói lên được sự gắn bó, tình cảm sâu nặng ân tình của Người với Vùng mỏ. Than đá cũng là chất liệu tốt nhất để thể hiện tình cảm của người Vùng than với Bác Hồ. Và cũng nhờ hình tượng Bác Hồ mà giá trị nghệ thuật của than đá đã được nâng cao lên rất nhiều.

Hỏi ông không được gặp Bác vậy phải làm thế nào để tạc được tượng, ông cho biết rằng mình đã vượt qua khó khăn đó bằng cách sưu tầm sách báo hình ảnh, tranh vẽ về Bác Hồ. Ông đã đọc, đã xem, đã ngắm nhìn chân dung Bác Hồ hằng ngày không biết chán để nhập tâm. Ông kể, hình ảnh Bác Hồ đã in sâu vào tâm trí ông đến mức trong giấc mơ ông thấy mình được gặp Bác. Và chuyện ông làm tượng chẳng qua là dùng năng khiếu của mình tái hiện lại hình tượng Bác Hồ trong tâm trí mà thôi. Ông cũng khác nhiều người khi họ làm tượng Bác bằng thạch cao, bằng đá, bằng xi măng, hay đúc đồng thì ông đi làm bằng than đá.

Đến nay, nghệ nhân Phạm Duy Thanh đã 2 lần được trao giải thưởng Võ Huy Tâm của TP Cẩm Phả, nhiều lần nhận giải thưởng ở các cuộc thi, cuộc triển lãm cấp tỉnh. Cuối năm 2015, ông đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chứng nhận là Nghệ nhân dân gian Việt Nam.

                                                                              Theo baoquangninh.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
72.668.696
Tổng truy cập: