NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Tạ Quang Bạo với tượng đài lịch sử
(Ngày đăng: 30/05/2016   Lượt xem: 717)
Thành phố Điện Biên có những cụm tượng đài lịch sử lớn ít nơi nào sánh được. Có thể nói sau bức tượng đồng cao nhất: “Chiến thắng Điện Biên Phủ” của nhà điêu khắc Nguyễn Hải, thì những cụm tượng đài bằng đá của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo lại lập kỷ lục về độ lớn về diện tích và số lượng nhân vật được miêu tả. Mới đây, có dịp gặp nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo tại xưởng làm việc, tôi càng ngạc nhiên về sức làm việc phi thường của ông.


“Bạo” mà không “Tàn”

Đó là câu chữ mà chính Tạ Quang Bạo nói về mình, khi cách đây vài năm ông bị tai biến và liệt mất tay trái. Đó là hậu quả sau hơn nửa thế kỷ vật vã với đất đá và đẽo gọt với hai bàn tay đã mòn mỏi theo thời gian. Ông nói “Bạo” mà không “Tàn” muốn thể hiện ý chí không chịu khuất phục, vượt qua nỗi ám ảnh của sự tàn phế. Hiện ông là một người kỳ lạ nhất trong giới điêu khắc là tạc tượng một tay. Ít ai có thể ngờ, sau khi bị liệt tay trái ông đã miệt mài sáng tác và đoạt giải thưởng 5 năm (2010 - 2015) về Văn học Nghệ thuật, với tác phẩm “Đảo Hoàng Sa - Chủ quyền Hải phận Việt Nam”.

Nhớ lại cách đây 35 năm, ông cũng đã từng dựng tượng về đề tài chiến sĩ bảo vệ hải đảo, đó là tác phẩm “Đảo tiền tiêu” (giải Nhất năm 1980). Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo tâm sự đó là sự tích lũy trong những năm cầm súng chiến đấu ở Trường Sơn. Có thể nói, ông là người đầu tiên sáng tác về đề tài bảo vệ hải đảo tiền tiêu, vào năm 1980. Nhưng đó cũng là một thời đoạn gian khổ và kiên trì trong khó khăn cuộc sống mà đòi hỏi ông phải vượt lên. Đây là tác phẩm điêu khắc đòi hỏi nhiều công sức và thời gian của ông khi đó.

 Tạ Quang Bạo bên tác phẩm “Hoàng Sa - Chủ quyền Hải phận Việt Nam”.

Liên tiếp sau đó, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo được nhận nhiều công trình tượng đài lớn, trải khắp đất nước. Có thể kể đến “Tượng đài Chiến thắng sông Lô”, “Vào hội”, hoặc tượng đài “Chiến thắng Nha Trang”, hay “Đường 9 Nam Lào”, và “Tượng đài chiến tích Hải Vân”… Đặc biệt chùm tượng đài lớn của ông gồm: “Tình hữu nghị Việt - Lào”, cao 3m (1980); Tượng đài “Nghĩa trang Ban Mê Thuột”, cao 7m (1997); “Chiến thắng Xuân Trạch Vĩnh Phúc”, cao 16m (1996) đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 200 (đợt 1).

Khi thẩm định về nghệ thuật điêu khắc Tạ Quang Bạo, người xem nhận ra một tư duy bố cục hoành tráng, nhưng lại toát lên sức biểu cảm sâu nặng về nhân tình thế thái. Các tác phẩm của ông được tạo thành từ những tảng đá xù xì, toát lên vẻ kỳ vĩ, thanh cao. Nói về những kỷ niệm và ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời sáng tác của mình, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo bất ngờ kể đến những công trình đặc biệt ở Khu di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày nào…

Ký ức Mường Thanh cháy bỏng

Khi nhắc đến cụm tượng đài Điện Biên, được xây dựng cách đây gần chục năm, ông cười rất vui với bao ký ức tràn về. Ông nhớ lại những ngày đêm lăn lộn với bộn bề công việc. Riêng cụm tượng đài phù điêu ở chân đồi D1 phải cần tới hàng trăm người cùng chung tay góp sức mới dựng lên được. Ông đưa ra cho tôi xem tập bản thảo thiết kế chi tiết, dày đến trăm trang mô tả từng phần của câu chuyện, gồm 4 chương về chiến dịch Điện Biên Phủ. Mỗi chương là một giai đoạn lịch sử chiến đấu và dẫn tới chiến thắng chấn động địa cầu của quân và dân ta. Cụm tượng đài phù điêu đại cảnh này mang tên “Chiến dịch Điên Biên Phủ”, cao 7m, dài tới 58m. Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo còn nhớ để xây dựng được cụm tượng đài phù điêu này, công trình phải triển khai ròng rã hai năm trời, huy động tới 113m3 đá xanh được vận chuyển từ Thanh Hóa lên; sau đó còn phải cưa xẻ và lắp ghép gần 200 phiến đá dày 30cm, tạo nên bức tranh đá rộng đúng 430m2. Đó cũng là một kỳ công của sức người sức của mới làm nên. Tác phẩm này hoàn thành vào tháng 4.2009, chào đón Ngày lễ Kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 -7.5.2009). Các nhà chuyên môn còn đánh giá đây là cụm tượng đài phù điêu lớn nhất cả Khu vực Đông Nam Á chứ không chỉ ở nước ta.

Trước mắt tôi là hàng trăm nhân vật của bức phù điêu khổng lồ lần lượt hiện lên, qua những câu chuyện kể về chiến dịch. Với bút pháp tả thực sinh động miêu tả những động tác cụ thể của từng nhân vật trong một bố cục đồng hiện hết sức nóng bỏng. Nghe như đâu đây còn tiếng vang dội của đạn bom và khói lửa của cuộc chiến đấu kiên cường suốt 56 ngày đêm của quân và dân ta. Đây là hình ảnh vận chuyển lương thực và vũ khí vào chiến dịch; còn kia là những chiến sĩ công binh làm đường; rồi đó là cuộc kéo pháo lịch sử và trận đánh trên đồi A1… Cuối cùng là hình ảnh những chiến sĩ phất cao lá cờ chiến thắng trên hầm tướng Đờ Cát. Đó là bản trường ca bằng đá của Tạ Quang Bạo mang âm hưởng chiến thắng của một lịch sử huy hoàng của dân tộc ta.

Với bố cục trải dài như vậy, cụm tượng đài phù điêu khổng lồ này nặng hơn 300 tấn được lắp ghép trên trục bê tông cốt thép. Nhưng khi nói đến sức nặng thì Tạ Quang Bạo cho biết, đó là con số chưa thấm vào đâu so với cụm tượng đài “Bộ đội kéo pháo bằng tay” của ông trên đồi Nà Nhạn, nặng tới 1.000 tấn. Cụm tượng đài này cũng được thi công đồng thời với cụm tượng đài phù điêu “Chiến thắng Điện Biên Phủ”, và hoàn thành vào tháng 3.2009.

Đây cũng là một cụm tượng đài lớn, dài tới 21m và cao 10,5m; với khối lượng hàng trăm mét khối đá tạo hình, đặt trên bệ móng cao lưng đồi Nà Nhạn. Các nhà chuyên môn đánh giá, tượng đài “Bộ đội kéo pháo bằng tay” là công trình nghệ thuật độc đáo, mang dấu ấn lịch sử sâu sắc. Một không khí hết sức sôi động và đầy ám ảnh được toát ra từ tượng đài, với những chân dung chiến sĩ cùng với hình ảnh anh hùng Tô Vĩnh Diện quên mình cứu pháo biểu tượng cho ý chí “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hình ảnh của một thời gian khổ chuẩn bị cho một cuộc chiến đấu khốc liệt, đem lại vinh quang cho Tổ quốc. Ông sôi nổi kể, cụm tượng đài này được thiết kế trên một trục nghiêng, thể hiện độ dốc chênh vênh nguy hiểm, khắc họa ý chí quyết tâm của chiến sĩ pháo binh. Đặc biệt, động tác và gương mặt của mỗi người một vẻ đang gồng sức, quyết tâm đồng lòng, hợp lực kéo pháo ngược dốc. Nghe như những tiếng hò đang vang lên, trong nhịp hô vang: “Hò dô ta nào…Hai ba nào…”. Và, đó cũng chính là câu mở đầu cho bài hát mà nhạc sĩ Hoàng Vân đã viết: “Dốc núi cao cao, nhưng lòng chúng ta còn cao hơn núi…” ngay tại dốc đèo Nà Nhạn.

Vĩ thanh từ đá

Sau một hồi đi thăm ba tầng nhà đầy tượng của ông, cuối cùng chúng tôi dừng lại trước tác phẩm “Đảo Hoàng Sa - Chủ quyền Hải phận Việt Nam”. Hình ảnh người chiến sĩ Hải quân trong khí thế phơi phới niềm vui canh giữ biển trời Tổ quốc. Lá cờ đỏ sao vàng, biểu tượng cho đất nước căng ngang trước ngực người chiến sĩ, tạo nên âm hưởng của sóng biển rạo rực, cuộn trào. Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo chậm rãi nói, đây là tác phẩm coi như tổng kết một chặng đường dài mà ông đã làm tượng về đề tài cách mạng và lịch sử.

Nhìn trên bàn gỗ một hình mẫu tượng đất của ông đã hình thành, lại một phác thảo về người lính, trong sinh hoạt đời thường. Với một tay còn lại, chông chênh và thiếu hụt, nhưng Tạ Quang Bạo vẫn say đắm như thuở nào. Lần lượt những chân dung đồng đội hiện về trong tâm tưởng. Từng người, từng người kể những câu chuyện của mình cho ông nghe, cùng ông cười hả hê như ngày nào trên chiến hào. Họ vẫn vón từng nắm đất lẫn tro của khói đạn đem về cho ông nặn tượng… Tác phẩm “Tình hữu nghị Việt - Lào” khắc tên ông vẫn còn đó như một chứng nhân lịch sử vang dội trên mặt trận Đường 9 Nam Lào. Ông lắng nghe với ký ức thật huyền ảo. Và, khi ấy lại một đêm thức trắng, ông say mê cùng với phác thảo mẫu tượng mới ra đời…

“Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, sinh năm 1941, tại Thanh Hóa. Tốt nghiệp Trung cấp khoá I (1959 - 1963) và Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội khóa II (1967 - 1971); hội viên ngành Điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1977.

Ông từng làm Phó giám đốc Xưởng Mỹ thuật Quân đội (1980 - 1985); Họa sĩ trưởng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (1985 - 1992); Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam khoá V (1999 - 2004) và khoá VI (2004 - 2009).

Năm 2001, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I”.

                                                                              Theo laodong.com.vn



Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

12
Đang xem:
72.668.697
Tổng truy cập: