NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Nữ nghệ nhân duy nhất còn sót lại của làng tranh dân gian Đông Hồ
(Ngày đăng: 19/05/2016   Lượt xem: 752)
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong. Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…”. Đó là những câu thơ đầy tự hào mà thi sĩ Hoàng Cầm dành tặng cho dòng tranh dân gian Đông Hồ nằm nghiêng nghiêng bên dòng sông Đuống lấp lánh.

Tìm về vùng đất sản sinh ra dòng tranh ấy ở thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, làng tranh xưa giờ tấp nập mưu sinh và làm giàu với nghề làm hàng mã. Lẫn trong ngồn ngộn những nhà lầu, xe hơi, quần áo, mũ đủ sắc màu mã dành cho thế giới âm ty, tranh dân gian Đông Hồ “Đám cưới chuột, Gà lợn, Hứng dừa…” sau nhiều biến thiên vẫn cứ có chỗ đứng. Tất cả là nhờ có những nghệ nhân làm tranh vẫn “sống chết”, thiết tha quyết giữ lại nghề truyền thống của cha ông và giữ lại sắc Việt cho đời sau.

Theo thống kê sơ bộ, dòng tranh Đông Hồ hiện tại chỉ còn 20 người thực hành nghề và 4 nghệ nhân truyền dạy. Trong số đó phải kể tới cô Nguyễn Thị Oanh – nữ nghệ nhân duy nhất vừa được nhận danh hiệu nghệ nhân tranh dân gian Đông Hồ cuối năm 2014.

Vẽ tranh từ thưở còn thơ

Nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh sinh năm Canh Tý, hơn 50 tuổi nhưng đã có trên 40 năm gắn bó với những nét vẽ mộc mạc của tranh Đông Hồ. Cô Oanh chính là con dâu của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam – người có công phục dựng dòng tranh dân gian Đông Hồ năm xưa.

Nữ nghệ nhân duy nhất còn sót lại của làng tranh dân gian Đông Hồ - anh 1

                                                    Nữ nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh

                                  

Năm 12, 13 tuổi, cô bé Oanh vì yêu thích những nét vẽ điêu luyện trên tờ giấy điệp của mẹ liền xin ra hợp tác xã tranh dân gian Đông Hồ làm lao động phụ. Lớn thêm một chút, cô tố nữ Oanh trở thành lao động chính và con dâu của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam – chủ nhiệm hợp tác xã tranh dân gian Đông Hồ ngày ấy. Và nhờ có sự truyền dạy về kỹ thuật làm tranh và vẽ tranh Đông Hồ của bố chồng nên ngòi bút vẽ của cô Oanh ngày càng tiến bộ.

Nhớ lại thời vàng son của dòng tranh dân gian Đông Hồ, cô Oanh chẳng khỏi bùi ngùi. Ngày ấy, tổ tranh làm ăn phát đạt và có hẳn một phiên chợ tranh. Những tập tranh Đông Hồ ra tới đâu bán hết veo tới đó khiến cho người cầm bút thăng qua hơn trong từng nét vẽ. Cứ “nửa đêm giờ tí canh ba” sau khi đã chằng buộc tranh chắc chắn trên gác ba ga, cô Oanh lên chiếc xe đạp chở tranh đi bán ở chợ đường xa. Con đường đê sông Đuống có chỗ gập ghềnh, chỗ ổ gà ổ voi nên có mấy lần ngã dúi dụi, thậm chí tranh còn rơi vào vũng nước ướt nhòe cả màu.

Nữ nghệ nhân duy nhất còn sót lại của làng tranh dân gian Đông Hồ - anh 2

             Một bức tranh dân gian Đông Hồ do chính tay nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh vẽ

Dịp Tết đến Xuân sang, chợ tranh lại rộn ràng hơn. Tranh Vinh hoa – Phú quý, tranh, Hứng dừa, Đám cưới chuột, Cá chép trông trăng… có mặt ở trong mỗi gia đình, bừng lên sắc Việt. Thậm chí tranh Đông Hồ vượt hàng ngàn cây số sang tận Đông Âu và trở thành thị trường chính mang lại sự ổn định cho làng tranh. Song, đến những năm 1990, tranh Đông Hồ không có nơi tiêu thụ, sản xuất tranh đình đốn.

Năm 1992, bố chồng cô Oanh là cụ Nguyễn Hữu Sam chuyển xưởng tranh về nhà. Cô Oanh cùng chồng và các con tham gia vào giữ gìn nghề làm tranh. Nhiều năm trở lại đây, khi người làng Mái tấp nập với giấy màu, với tre làm hàng mã, có nhà thành tỉ phú thì ba thế hệ gia đình của nghệ nhân Oanh vẫn thủy chung với nghề của cha ông. Khi người ta vứt hết những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ cổ thì gia đình cô xin về và hiện tại còn lưu giữ rất nhiều bản có niên đại hơn 100 năm.

Cô Oanh cũng bộc bạch: “Trước kia, khi làm nghề nhiều năm nhưng cô thường “nấp bóng” giới thiệu những tác phẩm của mình cho bố chồng là cụ Nguyễn Hữu Sam hết. Nhưng, nghĩ lại thì cụ cũng ở tuổi gần đất xa trời, nếu mình không đứng ra thì lấy ai giữ gìn giữ nghề truyền thống”.

Nữ nghệ nhân duy nhất còn sót lại của làng tranh dân gian Đông Hồ - anh 3

Cô Nguyễn Thị Oanh (thứ hai từ trái sang) là nữ nghệ nhân đầu tiên của làng tranh dân gian Đông Hồ

Sống chết giữ lấy sắc Việt.....

Cứ thế cây cọ vẽ, tấm khắc cứ đi theo cô Oanh từ đó tới nay. Nói về nghề làm tranh Đông Hồ hiện tại, cô Oanh cho biết, về cơ bản những nguyên liệu để làm ra tranh vẫn giữ nguyên như xưa và gia đình cô Oanh vẫn duy trì việc làm tranh thủ công truyền thống.

Tranh Đông Hồ được làm từ hoa lá cỏ cây, thiên nhiên núi rừng mới tạo nên. Màu đen lấy từ than xoan hay than lá tre; Màu vàng lấy từ hoa hòe; Màu đỏ lấy từ sỏi non, gỗ vang; Màu xanh từ lá chàm, gỉ đồng... ). Tất cả phản ánh cuộc sống và tâm hồn gần gũi với thiên nhiên của con người Việt Nam.

Cách pha chế màu cũng tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, chất giấy... Đây là kinh nghiệm, sự sáng tạo, thậm chí còn là bí quyết gia truyền của mỗi nghệ nhân. Chính nhờ sự cầu kỳ, cẩn thận trong cách chế màu mà tranh Đông Hồ của gia đình cô Oanh luôn tươi sáng, rực rỡ và không bị bay màu và được nhiều người tin tưởng. Song nguyên liệu làm nên màu trắng từ con điệp giờ cũng khan hiếm nhiều phen khiến gia đình cô phải xoay xở khắp nơi mới đủ để làm tranh.

Nữ nghệ nhân duy nhất còn sót lại của làng tranh dân gian Đông Hồ - anh 4

                                       Tranh dân gian Đông Hồ "Đám cưới chuột"

Cứ thế, ngày ngày nghệ nhân Oanh cùng chồng, con trai, con dâu vẫn tỉ mẩn bên cây bút, bản khắc gỗ để làm nên những bức tranh để đời. Để theo kịp dòng chảy thời đại, cũng không ngừng nâng cấp hình thức của tranh. Cô cho rằng tranh của mình quý nhưng cũng phải làm cho mẫu mã đẹp lên thì mới có nhiều khách hàng. Bằng chứng là tranh dân gian Đông Hồ của gia đình cô Oanh được lồng trong khung kính, dán lên mặt tre, mặt trúc tiện cho việc trang trí trong mỗi gia đình.

Bên cạnh những đề tài truyền thống như Gà lợn, Cá chép trông trăng, Đám cưới chuột, Đánh ghen, Hứng dừa… thì nhiều đề tài hiện đại cũng được nghệ nhân Oanh không ngừng sáng tạo. Tiêu biểu đó là tranh chùa Bút Tháp, chùa Dâu được cô Oanh tham gia triển lãm làng nghề tại Festival Bắc Ninh lần thứ 2 năm 2014. Hai tác phẩm này được hội Văn học Nghệ thuật Bắc Ninh trao Huy chương Vàng cho sản phẩm làng nghề truyền thống tiêu biểu. Cô Oanh đã hoàn thiện hai bức tranh này vào đúng dịp Bắc Ninh đón Bằng công nhận di tích Quốc gia đặc biệt chùa Dâu và chùa Bút Tháp với ý nghĩa “Di sản lồng trong di sản” là sự khẳng định miền đất Bắc Ninh đậm đặc các loại hình di sản văn hóa.

Nữ nghệ nhân duy nhất còn sót lại của làng tranh dân gian Đông Hồ - anh 5

Bức tranh chùa Bút Tháp của nghệ nhân Oanh được trao huy chương Vàng sản phẩm làng nghề truyền thống tiêu biểu

Nữ nghệ nhân cho hay, trước kia tranh dân gian Đông Hồ bán cho nhiều du khách nước ngoài nhưng tính tới thời điểm hiện nay, người Việt Nam cũng ưa chuộng dòng tranh này hơn, nhất là dịp Tết nguyên đán. Song, những người mua tranh chủ yếu là ở trong địa bàn huyện, tỉnh chứ người ở khu vực khác chưa biết đến xưởng tranh của cô.

Với nghề làm tranh, cô Oanh bộc bạch: “Chỉ gọi là đủ ăn để giữ lấy nếp nghề của cha ông chứ không nghĩ đến làm giàu”. Sản xuất tranh truyền thống Đông Hồ cũng là một nghề. Muốn nghệ nhân và người làm tranh bảo tồn bền vững nghề sản phẩm tranh bán ra được phải nuôi sống được họ và nhất thiết phải có đầu ra tốt. Một gia đình chuyên tâm vào làm tranh thì không thể đảm đương được cả công đoạn kinh doanh, quảng bá sản phẩm. Vì thế, rất cần giúp đỡ hỗ trợ của Nhà nước để nghệ nhân yên tâm bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc. Sống được bằng nghề chưa đủ mà phải giàu được bằng nghề thì nghề mới phát triển. Đừng để nghề tranh lầm vào cảnh “Thương nhớ một làng tranh” lần nữa.
                                                                         Theo ngaynay.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

69
Đang xem:
72.657.631
Tổng truy cập: