NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Nghệ nhân dân gian Ngô Văn Đảm: Say ca trù tới mức vợ phát ghen!
(Ngày đăng: 10/05/2016   Lượt xem: 424)

“Tôi là một nghệ sỹ đường phố, có thể tự sáng tác, tự biểu diễn nhiều loại hình nghệ thuật cho anh em trong đơn vị cùng thưởng thức”, đó là lời bộc bạch của ông Ngô Văn Đảm, nghệ nhân dân gian.

Một chiều cuối năm, nghệ nhân dân gian Ngô Văn Đảm (SN 1927, quê ở huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, hiện đang sống tại Hà Nội) thư thả ngồi tâm sự với chúng tôi về quá trình tự học, học lỏm để biến ước mơ thành sự thật.

Không chỉ biểu diễn thành thạo với hàng chục loại nhạc cụ, ông Đảm còn là người viết sách, phân tích ca từ trong các làn điệu dân ca. Những nỗ lực không mệt mỏi và lòng say mê của ônh Đảm đã được đền đáp, khi ông được phong tặng nghệ nhân dân gian ở tuổi 87.

Dù tuổi đã cao nhưng nghệ nhân dân gian Ngô Văn Đảm vẫn luôn tìm tòi, học hỏi. 
                  Dù tuổi đã cao nhưng nghệ nhân dân gian Ngô Văn Đảm vẫn luôn tìm tòi, học hỏi. 

Thay chân anh lính quạt hầu để học mót

Từng tham gia cách mạng từ năm 1945, trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, ông Ngô Văn Đảm đã kinh qua biết bao gian khó nhọc nhằn, những thăng trầm của cuộc đời và những biến động lịch sử của đất nước.

Tuy nhiên, ông chưa từng khuất phục trước những khó khăn của cuộc sống. Trong chiến đấu giữa sự sống và cái chết luôn cận kề, nhưng ông luôn lạc quan yêu đời và khích lệ anh em đồng chí, đồng đội bằng chính những kịch bản mà ông tự sáng tác, tự biểu diễn.

Trò chuyện với PV về chuyện đời, chuyện nghề, ông Đảm thổ lộ: "Thời gian trong quân ngũ tôi là cây văn nghệ đường phố, cái tên này là do anh em yêu quý đặt tặng cho tôi. Tôi có thể biểu diễn bất cứ lúc nào để phục vụ các chiến sỹ, hát và chơi các loại nhạc cụ, tự viết kịch bản với thời gian ngắn nhất chỉ có… một đêm.

Nhiệm vụ chính là chiến đấu, nhưng những lúc giải lao hay mặt trận im tiếng súng là lúc không thể thiếu lời ca tiếng hát. Thời điểm đó, tôi đi tới đâu là ở đó phong trào văn nghệ “nóng” lên rừng rực. Vì tôi là người say mê nghệ thuật từ nhỏ, có thể nói luôn cháy hết mình vì nghệ thuật. Thực ra nói là năng khiếu hay thiên bẩm trong nghệ thuật chỉ đúng một phần, phần lớn là do nỗ lực học tập của bản thân”.

Nhâm nhi chén trà nóng, trên khuôn mặt phúc hậu của ông Đảm phảng phất nỗi buồn mà ông không thể giấu nổi. Trở lại những ký ức thuở ấu thơ, ông Đảm trầm tư: "Ngày xưa đất nước còn trong cảnh nô lệ của thực dân Pháp, dân ta nghèo lắm, tôi còn nhớ khi tôi còn là cậu bé 8 tuổi, nhà nghèo không có tiền để đi học, tôi tự lân la đến những nơi vui chơi văn hóa của các bậc quan lại (trong đó có cả quan Pháp, quan chi phủ, quan huyện) để xem và thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật.

Đó là hát văn hay còn gọi là “chầu văn”, chèo, quan họ, xẩm, ca trù. Cứ như vậy, thứ văn hóa dân gian đã ngấm vào tôi từ lúc nào không hay, ngày đêm tôi say mê với những môn nghệ thuật này và mong ước mình sẽ trở thành một nghệ nhân về lĩnh vực này.

Một rào cản lớn đến với tôi, nơi diễn ra các loại hình nghệ thuật nói trên chỉ dành cho các bậc quan lại và người giàu có, trong khi tôi là một cậu bé con nhà nghèo, làm sao mà mon men tới đó được?

Trong cái khó ló cái khôn, tôi nói với anh lính quạt hầu các quan: “Để tôi quạt thay cho đỡ mệt”, anh lính hầu cũng sướng và ông quan được quạt cũng sướng, vì tôi quạt rất khỏe. Dần dần người ta cứ chuyển tôi vào tận “hậu cung” của khu vui chơi, giải trí của các quan lại để quạt cho các quan và những người hát ca trù.

Họ có biết đâu là tôi đứng quạt, nhưng đầu thì tập trung toàn tâm toàn ý vào lời ca tiếng hát, nhịp điệu, chú ý từng động tác về cách đánh các loại nhạc cụ để học lỏm, học mót và đó là trường học lớn nhất của đời tôi.

Càng tự học, tự tìm hiểu và đọc nhiều loại sách, tôi phát hiện ca trù là sân chơi của tầng lớp quý tộc và tôi rất mê môn hát ca trù. Có nhiều ý kiến cho rằng, ca trù là loại hình nghệ thuật ăn chơi biến thái, nhưng đó là sự hiểu nhầm, không hiểu tường tận, vì ca trù là hoại hình nghệ thuật rất tinh tế".

Từng bị vợ ghen vì mê… ca trù

Ngoài việc học lỏm, học mót về ca trù và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như trống phách…các loại đàn một dây, hai dây, ba dây… ông Đảm còn được biết là người kiên trì tự học các kiến thức văn hóa khác.

Vì vậy, dù ông mới chỉ được học hết bậc tiểu học, nhưng ông đã tự mày mò, tự đọc sách, tự học và thành thạo hai ngoại ngữ đó là tiếng Pháp và tiếng Hán.

Khi đất nước có chiến tranh, ông tình nguyện tham gia cách mạng từ 1945, năm 1952, ông tham gia đánh Pháp. Năm 1959, ông tham gia dạy học các môn Văn học, Lịch sử, Chính trị  tại trường Trần Phú, Hải Phòng.

Dù nay đã gần 90 tuổi, nhưng niềm đam mê nghệ thuật ca trù vẫn luôn rực cháy trong ông, ông Đảm chia sẻ: "Khi tôi đã lấy vợ, nhiều lúc say ca trù quá tới mức vợ phát ghen, rồi bà hỏi “ca trù và vợ, ông cần ai hơn?”.

Tôi đáp: "Đương nhiên là vợ, nhưng không thể bỏ ca trù". Bây giờ nói vậy thôi chứ lúc đó tôi phải phân tích, nói chuyện động viên để bà ấy không ghen và thông cảm cho chồng được thỏa mãn với niềm đam mê.

Trong buổi trò chuyện với phóng viên, ông Đảm trăn trở nhiều về lớp trẻ: "Ngày xưa nghèo, nhưng ai cũng ham học, học để có hiểu biết và thỏa mãn những đam mê cá nhân. Tuy nhiên hiện nay, một bộ phận giới trẻ lười học và ít rèn luyện, không muốn lao động, nhưng đòi hỏi hưởng thụ, lao vào những thú vui biến tướng, những tệ nạn xã hội, mặc cha mẹ vất vả sớm tối.

Tuy nhiên, vấn đề này lỗi chính lại thuộc về người lớn. Nếu như không gieo vào lòng các thế hệ trẻ những tinh hoa văn hóa, thì họ rất dễ sẽ theo nếp văn hóa ngoại lai thiếu chọn lọc, lâu dần tâm hồn giới trẻ sẽ bị khô cứng, thực dụng và lối sống vô cảm. Chính vì lẽ đó, tôi mong muốn được truyền tải thứ văn hóa phi vật thể tới nhiều tầng lớp trong xã hội, dạy miễn phí cho các học sinh nghèo".

Được phong tặng nghệ nhân ở tuổi 87

Ông Đảm là người sáng lập đồng thời là chủ nhiệm Hiệp hội câu lạc bộ UNESCO TP Hà Nội.

Với những đóng góp của mình, ngày 22/12/2014, ông Ngô Văn Đảm được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân dân gian, ở tuổi 87.

                                                                                    Theo phapluatplus.vn

 

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

39
Đang xem:
72.657.797
Tổng truy cập: