NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Người làm cho tre nở hoa
(Ngày đăng: 06/05/2016   Lượt xem: 806)
Có những khó khăn biến thành động lực, có những tài năng vượt lên mọi nguy nan để tồn tại và cống hiến, tuy lặng lẽ nhưng cũng đủ sức lay động và giúp chúng ta càng thêm trân quý cuộc sống này…

Tôi vô tình gặp em trong chuyến khảo sát làng nghề mộc chợ Thủ, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Dáng người còm nhom, nhỏ bé hơn cái tuổi thật 28 của mình, em chăm chút cắt từng que gỗ trước hiên nhà nhỏ một cách say mê. Dáng đi còng lưng một tay chống vào đầu gối, kéo ghế mời khách ngồi làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên: hóa ra em có bệnh trong người…

Triệu Hồng Hồ Em là cái tên lần đầu tôi biết đến nhưng chắc cũng khá quen thuộc với một số người. Em đã từng tham gia chương trình truyền hình “Thần Tài Gõ Cửa”, xuất hiện trên các trang báo, các chương trình phát thanh về gương vượt lên bệnh tật với tài làm đồ thủ công bằng tre rất tinh xảo.

Tre đã nở hoa từ gian khó

Lúc nhỏ tôi từng nghe tre già lâu năm sẽ nở hoa nhưng chưa biết thế nào thì giờ đã được thỏa mắt. Từ bàn tay của Hồ Em những cánh tre tưởng chừng như khô cứng đã được ghép lại với nhau tạo nên đài sen uyển chuyển hay những bông hoa trang trí trên chiếc móc khóa hình trái tim cùng dòng chữ yêu thương.

“Cây tre tuy vậy mà cứng bền. Vân tre đẹp nên em rất thích” - Hồ Em chia sẻ và khoe với chúng tôi những sản phẩm do chính tay mình vẽ mẫu và chế tạo như mô hình ngôi nhà nhỏ, xe kéo, xích đu, xe đạp, móc khóa, hộp viết, nhạc cụ, chậu hoa hồng... Những sản phẩm sinh động đến nỗi ai nhìn thấy cũng chỉ muốn gom hết về nhà. Yêu tre, dùng tre làm nguyên liệu chế tạo, thổi vào tác phẩm tre cả tâm hồn, không biết từ bao giờ Hồ Em đã vui nhận mình là “người Việt gốc tre”.

Cái nghề tạo tác này là cơm áo, niềm say mê và là lẽ sống của cậu bé nghèo khó, bệnh tật. Lúc học lớp 4, Triệu Hồng Hồ Em bị một cơn sốt kèm theo là di chứng các cơ cứ yếu và teo dần. Đến năm lớp 6, giấc mơ đèn sách khép lại và em phải nằm liệt trên giường. Các bi kịch cứ nối tiếp đè nặng lên gia đình nhỏ: cha qua đời vì ung thư, người anh thứ cũng ra đi trong một tai nạn giao thông. Tương lai tưởng như chỉ là dấu chấm hết.

Trong nghịch cảnh, lòng thương muốn giúp mẹ đã bừng lên trong em một niềm đam mê và nghị lực tiềm ẩn vượt lên trên bệnh tật. Những que tre ngày nào Hồ Em đùa nghịch khi cha đan lọp bắt cá đã mang đến nhiều ý tưởng sáng tạo. Em bắt đầu cố gắng làm các mô hình trang trí bằng tre dù cho đến nay tay chân vẫn còn cử động rất khó khăn và chiếc cổ không thể xoay chuyển được. Nhớ lại tác phẩm đầu tay là mô hình nhà rông lúc ấy bán được 35.000 đồng, số tiền không nhiều nhưng cũng là lớn đối với gia đình sống bằng nghề hái rau của mẹ.

Đầy lạc quan tin tưởng

Những tâm sự đầy lạc quan và biết ơn cuộc đời của Hồ Em làm chúng tôi càng thêm trân trọng và xin nén những thương cảm dành cho người thanh niên giàu nghị lực này. Em không oán trách bệnh tật mà xem đây là một sự an bày đầy ưu ái. “Nếu như em không bệnh thì có thể đã trở thành người ham chơi làm khổ thêm cho gia đình, có lẽ sẽ không biết thương mẹ em như bây giờ, em sẽ không có đam mê làm các sản phẩm thủ công tre và đặc biệt là sẽ không có rất nhiều những người bạn, người anh em từ khắp mọi miền”. Vừa nói em vừa cho tôi xem những bức thư gửi từ phương xa thường bắt đầu bằng dòng chữ “anh xa nhớ”.

Những người đồng cảnh ngộ cũng tìm đến nhau mà chia sẻ, động viên và cùng đỡ nâng. Nhiều người bạn của em cũng bị khuyết tật do tai nạn lao động. Hồ Em thấy mình may mắn hơn vì không phải người khuyết tật nào cũng có thể kiếm kế sinh nhai với cái nghề mình yêu thích. Cuộc trò chuyện lặng đi trong suy nghĩ.

Hỏi về dự tính truyền nghề cho các bạn, Hồ Em kể rằng mình cũng có nhiều “đệ tử” nhưng ít ai có sự đam mê và lòng kiên nhẫn nên việc học nghề thường dở dang. Giải thích về quá trình tạ

o ra tác phẩm cũng lắm phần công phu và ‘tằn mằn tỉ mỉ lắm”. Mỗi ngày em làm đến 21giờ tối mà chỉ hoàn thành một chiếc móc khóa với giá bán 50.000 đồng. Nhiều sản phẩm lớn hơn phải mất một tuần, vài tuần thậm chí hàng tháng trời. Vui vì lượng đặt hàng nhiều làm không kịp giao nhưng cũng buồn vì nhiều khách hàng không hiểu hết giá trị sản phẩm nên thường nói: “tre và keo thôi mà sao đắt vậy?”.

Dùng bữa cơm chay cùng hai mẹ con trong ngôi nhà nay đã khang trang hơn vì được một mạnh thường quân xây tặng. Gỏi sầu đâu là món ăn Hồ Em đặc biệt yêu thích. Lá sầu đâu chát đắng vẫn cho đời hậu ngọt. Tre nhiều gai rồi cũng sẽ lại nở hoa…

                                                                            Theo langvietonline.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

49
Đang xem:
72.657.477
Tổng truy cập: