NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Người giữ gìn tinh hoa làng gốm cổ
(Ngày đăng: 18/04/2016   Lượt xem: 492)
Khác với những xưởng chế tác gốm sứ công nghiệp hoành tráng dọc con đường vào làng Bát Tràng, xưởng chế tác của nghệ nhân khuyết tật Phạm Anh Đạo (xóm 2, thôn cổ Bát Tràng) khá khiêm tốn với những dụng cụ đơn sơ dành cho nghệ nhân chế tác thủ công. Nhưng đây lại là mạch ngầm nuôi dưỡng nét tài hoa hiếm có của người nghệ nhân làng gốm cổ Bát Tràng

Từ tuổi thơ thiệt thòi…

Trong lúc ngồi chờ người nghệ nhân khuyết tật bên ngoài gian hàng giới thiệu sản phẩm của Đạo, chúng tôi được nghe ông Phạm Ngọc Huy – bố đẻ của Đạo kể về tuổi thơ của đứa con kém may mắn trong gia đình. Khi vừa lọt lòng, Ðạo chỉ nặng 1,6 kg, còn người em song sinh cũng chỉ nặng 1,7kg. Vì nhẹ cân, yếu ớt từ lúc mới sinh, lại gặp thời điểm kinh tế còn khó khăn, Đạo liên tục ốm đau và thường xuyên đi viện. Nhưng rồi đến một ngày, ông Huy chợt phát hiện ra đứa con yếu ớt của mình có dấu hiệu khiếm thính. Ông lại ôm con đi chiếu chụp khắp nơi rồi mới phát hiện, Đạo bị viêm dây thần kinh thính giác. Giải thích nôm na, ông Huy bảo: “Nó như cái mi-cờ-rô mà điện trở quá bé ấy. Nên âm thanh nhỏ nó không thể bắt được. Mà không nghe được thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển ngôn ngữ nên Đạo không nói được”. Mãi đến năm lên bảy tuổi thì Đạo bắt đầu bập bẹ nói. Lúc này, ông Huy mới quyết định đưa con đến trường. Ðạo đến trường, song do không nghe được thầy cô giảng bài nên cứ tụt dần. Bạn bè lên lớp, còn Đạo thì 14 tuổi vẫn không vượt qua nổi lớp 6 cứ phải học cùng các em ít tuổi hơn. Rồi cũng lại thương con, ông cho Đạo nghỉ ở nhà.

Chưa đến tuổi lao động, Đạo chỉ có việc đi chơi, lang thang từ làng trên đến xóm dưới và thi thoảng phụ giúp ông Huy làm gốm. Lúc đó nhiều người đã nghĩ rằng, một người “ăn không nên đọi, nói chẳng nên lời” thì không thể làm được việc gì. Nhưng bước ngoặt cuộc đời đã đến với anh vào năm 17 tuổi. Lúc đó, ông Huy đang làm giám đốc Xí nghiệp sứ Bát Tràng nên đã xin cho Đạo vào làm công nhân của xí nghiệp. “Lúc mới đi làm, mọi người trong xí nghiệp cũng nghi ngại lắm. Ấy thế mà chỉ chưa đầy năm đi làm, nó đã làm được tất cả các việc khó mà chỉ có thợ bậc cao mới làm được!” – Ông Huy tự hào nhớ lại.

Rồi đến lúc đó, ông Huy cũng mới nghiệm lại rằng, cái lúc mà ông làm thêm ở nhà, đã có lần Đạo đập vào vai bố khiến ông giật mình ngoái lại. Nhìn con so vai rụt cổ, ông không hiểu chuyện gì cứ ngỡ con mình nghịch ngợm. Hóa ra, cậu chàng thấy bố làm bằng đất nhão khiến chiếc bình hoa bị sệ cổ. Và cũng đến lúc đó ông mới biết, những ngày tháng rong chơi của Đạo khắp các lò gốm trong thôn chính là thời gian Đạo học được các tinh hoa của làng gốm. Đến khi được đi làm, Xí nghiệp sứ Bát Tràng chính là nơi dụng võ của Đạo, để cậu thỏa sức thể hiện tay nghề của mình.

Vẫn ra hoa kết trái!

Làm được một thời gian ở xí nghiệp của bố, năm 2000, Đạo xin nghỉ. Ông Huy lại lọ mọ đi vay tiền dựng cho con một lò nung gốm cho Đạo làm ở nhà. Đây cũng là thời điểm gốm Bát Tràng loay hoay trong khó khăn, gốm vuốt tay bị gốm công nghiệp lấn lướt. Thợ gốm Bát Tràng nhiều người bỏ hẳn nghề vuốt tay ngàn đời của cha ông truyền lại. Họ chuyển qua sản xuất gốm công nghiệp với những khuôn đúc cho ra hàng nghìn sản phẩm giống hệt nhau. Còn Đạo thì không, anh vẫn làm thủ công hoàn toàn bằng tay với bàn xoay truyền thống hết vuốt rồi lại đắp, lại nặn. Mà cứ vừa vuốt xong, anh đã vặn ngoéo cho sản phẩm méo chỗ này, lõm chỗ khác. Rồi nước men cũng chẳng giống ai, cứ loang lổ chỗ có, chỗ không. Ông Huy vừa nhìn con làm mà vừa lo. “Làm thế có mà bán cho ma tây à!”. Ấy thế mà sản phẩm của Đạo làm ra cứ bán cho … Tây thật. Mẻ sản phẩm đầu tiên ra lò, chỉ loáng cái đã bán hết veo. Mà khách “ăn” hàng nhiều nhất lại là những người Nhật Bản. “Bấy giờ tôi mới thấy suy nghĩ của mình là quá khuôn mẫu. Cái cách nó vẩy men loang lổ, cách nó “bóp méo” sản phẩm chính là sự sáng tạo một cách hợp thời” – ông Huy tâm sự.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người bắt đầu để ý đến anh Đạo “điếc” cả ngày chẳng thấy nói câu gì. Và thế là Đạo có đơn hàng đầu tiên. Đó là 600 bình gốm có đường kính 60 cm, cao 40 cm, giao hàng sau ba tháng. Lúc đầu chị Trinh – vợ anh - không dám nhận vì chồng chưa bao giờ làm lượng sản phẩm lớn trong thời gian ngắn như vậy. Chị về bàn với chồng. Ðạo quyết nhận đơn hàng. Đúng ba tháng, đơn hàng hoàn thành ngoài mong đợi của cả nhà. Thế là thêm một lần nữa, Đạo khẳng định được đôi bàn tay của mình. “Có lẽ vì nghe kém nên những ồn ào, những lời gièm pha của thiên hạ ít lọt vào tai mà anh ấy tập trung làm được những sản phẩm tốt hơn”, người vợ bộc bạch. Chồng nghe nói không tốt, nên chị Trinh vừa là tai, là miệng của anh. Anh đi đâu xa chị cũng phải đi cùng. Lần anh Đạo đi nhận giải thưởng Công dân tiêu biểu thủ đô năm 2009, chị cũng đi theo vì sợ người ta xướng tên thì anh không biết đường đứng dậy.

Có được những thành công ban đầu, Ðạo bắt đầu mày mò phục chế gốm hoa nâu thời Lý - Trần, gốm men lam, men rạn. Dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010), anh đã làm được một việc mà nhiều thế hệ nghệ nhân Bát Tràng ao ước: Đó là vuốt tay và cho ra lò thành công hai chiếc chóe kỷ lục sau gần 1 năm miệt mài sáng tạo, mỗi chiếc chóe có trọng lượng năm tạ, chiều cao 1,95m, đường kính gần 1,2m với nước men rạn theo lối giả cổ. Làm sản phẩm lớn đã khó, bằng tay lại càng khó hơn, vì phải tạo hình trên bàn xoay, phải tính cốt đất, lượng nhiệt sao cho khi nung mà không bị nổ men.  Sản phẩm này sau đó, anh đem cung tiến cho đình Bát Tràng và đình Kim Lan, coi như lời cảm ơn đối với ngôi làng mình sinh ra. Cũng với sản phẩm này, Đạo đã chính thức được công nhận là nghệ nhân làng nghề trẻ nhất Bát Tràng, khi đó Đạo mới 33 tuổi.

Nói về người nghệ nhân tài hoa này, ông Phạm Huy Khôi, Phó bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng tấm tắc : “Xã có 18 nghệ nhân thì Đạo là nghệ nhân trẻ nhất! Đạo đã biết vươn lên từ những thiệt thòi cá nhân và là tấm gương sáng cho nhiều người học tập”. Theo ông Khôi, Đạo được công nhận là nghệ nhân cũng phải thôi khi mà những tiêu chí dành cho nghệ nhân như trình độ nghề, độ khéo tay, thâm niên làm nghề và có khả năng lan tỏa nghề thì Đạo đều có cả. Đặc biệt, ở thời nay, Đạo là một trong số ít những người tâm huyết với nghề làm gốm thủ công truyền thống, giữ gìn những nét tinh hoa của làng gốm cổ Bát Tràng.

Kể về những ngày vượt qua chính mình để học nghề, Đạo cũng chỉ nhát gừng: “Khó lắm. Cứ phải làm đi làm lại suốt”. Cũng bởi cái sự học của Đạo chỉ dồn vào hai con mắt qua quan sát cách làm của người khác. Nhưng với Đạo, dù khó đến đâu, anh cũng quyết làm cho bằng được. “ Bác Hồ đã dạy: Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Chính lời Bác đã giúp tôi không nản chí, giúp tôi ngày càng lớn lớn lên, trưởng thành hơn” – Đạo nói với tôi thế trước lúc chia tay. Và tôi cũng mong rằng, ngoài những danh hiệu đã đạt được như: Thanh niên Thủ đô tiêu biểu, Bàn tay vàng nghề gốm sứ, nghệ nhân làng gốm Bát Tràng… Đạo sẽ giành được nhiều hơn nữa những danh hiệu cao quý khác./.

                                                                                  Theo laodongthudo.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

44
Đang xem:
72.657.349
Tổng truy cập: