NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Người đàn bà 40 năm nằm đan nong
(Ngày đăng: 24/03/2016   Lượt xem: 791)

Cuộc đời bà Hà Thị Liên, đến nay 65 năm, thì có hơn 40 năm nằm đan nong. Dân làng Thịnh Văn, xã Sơn Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh không ai biết được người phụ nữ tật nguyền ấy đã đan được bao nhiêu chiếc nong cho dân làng dùng, nhưng họ  biết về tình yêu thủy chung bền chặt của người chồng đã giúp bà làm nên kỳ tích khiến mọi người khâm phục.

Nỗi buồn số phận

Trên chiếc giường gỗ cũ kỹ là người đàn bà cụt hai chân, nửa người vắt trên mé giường, đầu chúi xuống đất, hai tay luồn những thanh nan nhẹ nhàng, nhanh nhẹn như một nghệ sĩ chơi đàn piano. Bà là Hà Thị Liên (1944), ở làng Thịnh Văn, xã Sơn Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh. 42 năm trước, bà là một người con gái lành lặn, duyên dáng.

Sinh ra trong gia đình 3 đời làm nghề dệt vải, đan lát, cuộc sống chẳng mấy sung túc nên khi lớn lên, chị muốn tìm cho mình một nghề khác để thoát cảnh nghèo đói đeo bám quanh năm. Khi tròn 20 tuổi (năm 1963), chị Liên làm đơn đi xây dựng kinh tế mới và được nhận vào làm công nhân tại Xí nghiệp khai thác quặng a-mi-ăng ở Hòa Bình.

Ở đấy chị đã gặp và yêu anh Sáu – người cùng quê. Tình yêu của họ đang hứa hẹn ngày lên xe hoa hạnh phúc, bất ngờ một tai nạn đã giáng xuống cuộc đời chị khiến toàn thân không cử động được, phải tháo hai khớp chân, lại đứt dây thần kinh, gãy xương sống. Bỏ thanh nan đan dở trên tay, bà Liên nhìn xa xăm kể tiếp: “Ngày đó đau buồn quá tôi đã định tìm đến cái chết, may anh Sáu can ngăn kịp”. Hơn 5 năm nằm viện, chị Liên lâm vào khủng hoảng về tinh thần, đau đớn về thể xác thì anh Sáu – người yêu thủy chung của chị vẫn luôn ở bên chị, giúp chị vượt qua số phận, chiến thắng nỗi đau tật nguyền.

 Bà Liên đã hơn 40 năm nằm đan nong. Ảnh: V.T

“Tình yêu đã giúp tôi sống”

Năm 1971, bất chấp sự phản đối của gia đình, anh Sáu vẫn quyết định cưới chị Liên làm vợ rồi ở rể tại quê chị. Trước bão táp cuộc đời, một mình anh phải gồng gánh vừa nuôi mẹ già vừa chăm sóc người vợ tàn tật, đảm đương tất cả mọi việc. Đầu tiên anh kiếm cho mình một nghề, lúc đó ở làng chỉ có nghề làm miến dong đang ăn nên làm ra, thế là anh lân la theo học.

Vốn cần cù chịu khó, anh nhanh chóng làm được miến đem ra chợ bán. Người làng cảm thương gia cảnh của anh nên ai cũng ghé mua cho anh một ít, có người còn chỉ bí quyết làm sao cho ngon. Sáng chưa bảnh mắt anh đã mang hàng ra chợ, tối về hì hục suốt đêm cán bột tráng miến. Trong khi đó, chị tàn tật nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân phải nhờ anh, nhìn chồng vất vả, ruột chị đau như xát muối.

Những lúc chồng đi chợ, chị cố lê người ra giếng gọt vỏ, cán dong giúp anh. Cố gắng ban đầu của chị hầu như bất lực và đau đớn vô cùng. Không nản, cứ thế lâu dần chị đã cử động được đôi bàn tay... Anh hiểu chị mong muốn được làm việc nên anh động viên: “Phải chiến đấu em ạ! Em chiến đấu với bệnh tật, còn anh chiến đấu với đời thường”. Từ đó trước lúc ra chợ, anh bế chị đến lò miến, chuẩn bị mọi thứ để chị tập làm cho khuây khỏa. Không ngờ chị đổ bột rất khéo. “Tui luôn tự nhủ mình phải làm bằng được, không thể là gánh nặng cho chồng suốt đời”, chị tâm sự.

Tình yêu của họ đã đơm hoa kết trái, hai đứa con một trai, một gái ra đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của anh chị. Nhưng giờ đây gánh nặng cơm áo lại càng đè lên vai anh, còn bàn tay chị phải vất vả nhiều hơn để lo cho con ăn học. Miến dong ngày càng ít người sử dụng, nên một buổi anh đi chợ, một buổi về làm thuê cuốc mướn. Chị nằm trông con, một hôm nhìn xuống giường chợt nảy ra ý nghĩ: “Tại sao mình không thử tập đan nhỉ?”.

Đem sáng kiến đó bàn với chồng. Chuyện đan lát vốn được bố mẹ truyền nghề cho từ khi lên 10 tuổi nhưng cả chục năm rồi chị không đụng tới, nay tàn tật thế này đan làm sao được. Nhưng anh Sáu vẫn chiều vợ, xuống sông mua nứa về chẻ thành nan để chị tập đan. Mỗi khi con chìm trong giấc ngủ, anh Sáu đi làm, chị lại nằm chồm ra cạnh giường, nửa người đưa đẩy tập cầm nan cho thành thục. Chị tập đi tập lại, nhiều lúc bị nứa cứa vào 10 đầu ngón tay tứa máu, có khi luống cuống nan quệt vào mắt sưng vù. “Đau rứa ăn thua chi bằng lúc ở bệnh viện.

Mà máu có chảy mấy tui cũng chịu, nhìn con đói, chồng khổ lòng tui càng đau hơn”. Đôi tay chị mỗi ngày một dẻo dai hơn. Mỗi ngày chị đan được hai chiếc nong, gấp đôi cả người đan thành thạo trong làng. Tiếng đồn về người phụ nữ nằm đan lan khắp vùng, mọi người đến xem rồi đặt mua hàng cho chị. Sáng sớm, anh đưa con tới lớp rồi về chẻ nan cho chị, sau đó đi giao hàng. Công việc ngày càng bận rộn nhưng bù lại anh chị có thêm thu nhập để lo cuộc sống gia đình.

Song niềm vui ngắn chẳng tày gang, bất hạnh lại ập đến với gia đình chị: Anh Sáu mất do nhồi máu cơ tim. Anh Sáu ra đi, để lại cho vợ hai đứa con nhỏ dại. Ngày lại ngày người dân làng Thịnh Văn lại thấy người đàn bà lắm nỗi gian truân ấy cặm cụi đan nong để vơi đi nỗi đau mất chồng và để nuôi con. Chị đan trong dòng nước mắt, trong nỗi đau thương và niềm mong mỏi hai con khôn lớn từng ngày. Mỗi tấm nan của chị chát mặn những giọt mồ hôi, nước mắt và có cả hình bóng người chồng thương yêu. Cứ thế, mỗi ngày chị lại đan gấp đôi, sản phẩm dần tạo được tiếng vang, đan được bao nhiêu tư thương vào tận nhà mua hết; có những người ở tận Nghệ An, Quảng Bình tới mua...

Hai con của chị cũng đã khôn lớn, con trai cưới vợ, con gái lấy chồng mái tóc xanh đã nhuộm màu bạc trắng giờ đây đã bước sang tuổi bà nhưng bà vẫn nằm đan. Bởi mỗi khi nhìn những tấm nong mới được hoàn thành bà lại nhớ đến người chồng có tấm lòng lớn như trời bể.

                                                                                  Theo cadn.com.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

332
Đang xem:
73.101.012
Tổng truy cập: