NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Gia đình nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm
(Ngày đăng: 07/03/2016   Lượt xem: 463)
Cả đời không ra khỏi ngôi làng nhưng sản phẩm thổ cẩm của bà Y Chrưt làm ra nổi tiếng khắp trong tỉnh bởi sự tinh tế, sắc sảo, mang đậm nét truyền thống của đồng bào các Dân tộc thiểu số Tây Nguyên. 

Già nhưng vẫn miệt mài bên khung dệt

Cái nắng yếu ớt của buổi chiều tà trải một màu vàng nhợt nhạt, lũ trẻ con làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung (TP.Kon Tum) đổ ra đường làng tinh nghịch với những trò dân gian. Như một thói quen sinh hoạt của lũ trẻ nơi đây, khiến đường làng trở nên vui nhộn. Đi sâu vào cuối làng, nép mình bên mấy nhà sàn cổ kính, ngôi nhà của bà Y Chrưt lại thật bình yên. Phía trong khoảnh sân vắng lặng, người đàn bà 84 tuổi miệt mài bên khung dệt, không hay có khách lạ ghé đến.

c
                                        Bà Y Chrưt hướng dẫn con cháu làm hoa văn thổ cẩm

Bà Y Chrưt cho biết, sở dĩ bà chưa thể dứt cái nghề này ra được vì từ khi mới 15 tuổi bà đã yêu thích nghề, đòi mẹ chỉ dạy cho bằng được. Thời trước, điều kiện kinh tế khó khăn, để học nghề, bà phải đi tước từng sợi chỉ trong thân cây chuối ra để dệt thử; đến khi dệt thành công, mẹ mới cho tiền mua chỉ để dệt. Lớn lên, đi lấy chồng, mặc dù bận bịu với việc chăm con cái, lo cho cái nương, cái rẫy nhưng bà cũng cố sắp xếp tối về lại ngồi bên khung dệt để có thổ cẩm may trang phục cho những thành viên trong gia đình vì bà muốn giữ lại vẻ đẹp truyền thống trong trang phục ĐBDTTS mà trước đây mẹ bà cũng đã làm. Niềm đam mê dệt thổ cẩm của người mẹ dần lan truyền sang những cô con gái. Mặc dù không còn ở cái thời mà theo phong tục con gái lớn lên phải biết nghề dệt mới được con trai trong làng để ý đến nhưng các cô con gái của bà Y Chrưt đều ý thức được giữ nghề cũng chính là giữ nét đẹp truyền thống của ĐBDTTS Tây Nguyên.

 Từ ngày con cái lớn lên, lấy chồng, lấy vợ ra riêng rồi ông cũng mất đi, bà Y Chrưt bỏ hẳn công việc ruộng rẫy chuyển sang làm nghề dệt thổ cẩm và xem đây là nghề chính để nuôi sống bản thân. Bà Y Chrưt cho biết, ngày trước, đôi mắt còn sáng, đôi tay còn nhanh nhẹn, bà chỉ mất khoảng vài ngày đã có thể dệt xong tấm thổ cẩm; bây giờ có khi cả 2 tuần mới xong một tấm (may được một bộ trang phục). Mỗi tấm thổ cẩm bán ra có giá từ 600.000-700.000 đồng, trung bình mỗi tháng bà cũng kiếm được hơn 1 triệu dồng, đủ để lo cho cuộc sống tuổi già mà không phụ thuộc vào con cái.

 Niềm tự hào về những đứa con

  Với bà Y Chrưt, niềm tự hào lớn nhất giờ đây là 8 người con gái của bà ai cũng đều biết dệt thổ cẩm, trong số đó, nhiều người đã chọn nghề này xem như nghề chính để nuôi sống bản thân, gia đình. Cách nhà bà Y Chrưt một khoảnh sân rộng là một tiệm bán sản phẩm thổ cẩm và may trang phục thổ cẩm cho bà con ĐBDTTS làng Plei Tơ Nghia của chị Y Lai – con gái út của bà.

 Cũng giống bà Y Chrưt, 15 tuổi, chỉ Y Lai đã đòi mẹ cho dệt thổ cẩm. Thấy con gái nằng nặc đòi mẹ cho thử nghiệm, bà cũng bày con học theo cách của mình như ngày trước đó là tước những sợi chỉ ở thân cây chuối để dệt thử nếu thành công mới cho con chỉ để dệt. Vượt qua thử thách của mẹ, chỉ một tháng sau, chị Y Lai đã được mẹ cho ngồi vào khung dệt, dệt bằng những sợi chỉ đầy màu sắc mà đến giờ dù đã gắn bó với nghề 20 năm nhưng chị vẫn không quên được cảm giác sung sướng của ngày ấy. Khéo tay hay làm, cùng với dệt thổ cẩm, chị Y Lai đã tự mày mò học cách may các sản phẩm trang phục thổ cẩm truyền thống. Thấy con gái đam mê với nghề, bà Y Chrưt gom góp tiền để mua cho con chiếc máy may.

Lập gia đình, chiếc máy may cũng chính là của hồi môn bà Y Chrưt cho con gái út. Tiếp bước mẹ, bây giờ chị Y Lai khá thành thục các hoa văn thổ cẩm truyền thống của đồng bào các DTTS Tây Nguyên. Những tấm thổ cẩm do chị làm ra không chỉ sắc sảo mà còn rất mềm mại nên khách đến đặt hàng rất đông. Vì vậy, tiệm may của chị Y Lai nhanh chóng nổi tiếng không chỉ ở làng Plei Tơ Nghia.

c-1
                                                  H1: Chị Y Lai bên khung dệt

 Người chị thứ hai của Y Lai là Y Thuần. Mặc dù học nghề từ mẹ sau em út nhưng bây giờ chị Y Thuần cũng dệt không thua kém gì em gái. Mặc dù làm ruộng rẫy nhưng mỗi khi có ai đó đặt hàng là chị lại ngày đêm bên khung dệt, có khi vài ngày đã dệt xong một tấm thổ cẩm, khách nhìn vào không thể chê vào đâu được.

Người con gái thứ 3 của bà Y Chrưt lấy chồng về làng Kon Kor, phường Thắng Lợi (TP.Kon Tum) tên Y Thoai cũng mang theo nghề dệt được mẹ truyền dạy để mở cửa hàng dệt và may, bán sản phẩm thổ cẩm. Chị Ý Thoại được biết đến là người rất có tâm với nghề, bởi ngoài việc kiếm tiền chị còn chú tâm truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ giữ nghề truyền thống; đồng thời tạo việc làm để những hoàn cảnh khó khăn được học nghề và làm nghề để có thêm thu nhập.  Những người con gái còn lại của bà Ý Chrưt đi lấy chồng ở các làng khác thuộc các xã vùng ven của thành phố Kon Tum ai cũng giữ được nghề và đều trở thành một trong những người dệt thổ cẩm giỏi nhất nhì trong làng.

Vui về việc giữ nghề truyền thống của những đứa con, bà Y Chrưt còn tự hào hơn khi kể về đứa cháu gái Y Thơi (học lớp 8) – con chị Y Lai - cứ đòi mẹ cho học nghề dệt thổ cẩm. Dù biết chị Y Lai vẫn chưa muốn truyền nghề để con tập trung lo cho việc học cái chữ nhưng bà Y Chrưt cũng cảm thấy hạnh phúc vì thế hệ con cháu mình cũng đã ý thức giữ nghề truyền thống, bởi lớp trẻ bây giờ ít ai chịu học nghề vì nghề đòi hỏi tốn nhiều công sức nhưng thu nhập chẳng đáng là bao!

                                                                              Theo tamnhin.net


 

 

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

380
Đang xem:
73.101.619
Tổng truy cập: