NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Chuyện khó tin về nghệ nhân “hai lúa” xây nhà thờ Bác Hồ ở Tuyên Quang
(Ngày đăng: 01/03/2016   Lượt xem: 1011)

        Nghệ nhân Phùng Văn Vàng là một trong những nghệ nhân gạo cội của làng mộc Bích Chu.

Nhà thờ Bác Hồ tại quảng trường Nguyễn Tất Thành được biết đến là công trình kiến trúc “tầm cỡ” về tâm linh, thể hiện tình cảm của nhân dân tỉnh Tuyên Quang với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những tưởng công trình mang kiến trúc “tầm cỡ” ấy hẳn là “kiệt tác” của những kiến trúc sư đầu ngành. Ít ai ngờ, đó lại là công trình của một gã nông đậm chất “hai lúa”, chưa học hết lớp hai.

Ông là Phùng Văn Vàng - một nghệ nhân tài hoa được giới kiến trúc sư tôn sùng là “sư phụ” ở làng mộc Bích Chu.

Nghệ nhân “hai lúa”

Sau ba tháng liên lạc, tôi mới có dịp diện kiến nghệ nhân Phùng Văn Vàng (sinh năm 1950, ở xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Gác lại những công việc bận rộn của một người thợ “chàng”, ông dành 3 tiếng đồng hồ trò chuyện cùng tôi. Cuộc gặp gỡ giữa tôi và nghệ nhân Vàng diễn ra ngay trên chiếc xe taxi vội vã, nhân tiện ông đi nghiệm thu công trình ở Hà Nội những ngày cuối năm. Ấn tượng ban đầu của tôi về ông là cái mộc mạc, giản dị và đậm chất quê mùa. So với độ tuổi ngoài 60, trông ông có vẻ lam lũ, già nua, mái tóc đốm bạc, nước da đen sạm, bàn tay thô ráp và khuôn mặt khó đăm đăm. Thoạt nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ đó là một gã “hai lúa”, quê mùa một cục nhưng không ngờ ông lại được trời phú cho đôi bàn tay khéo léo và khối kiến thức về kiến trúc từ cổ tới kim đến kinh ngạc.

Cũng như bao gia đình khác trong làng Bích Chu, ông Vàng sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề mộc. Tuổi thơ của ông gắn liền với những chiếc chàng, chiếc đục. Ngày ấy, miếng ăn chưa lo nổi nên sự học trở thành một thứ xa xỉ. Với phương châm “học để xóa mù chữ”, cậu bé Vàng cũng học cho có lệ. Vì nhà quá nghèo lại đông anh em nên ông Vàng đành phải nghỉ khi đang học lớp hai. Những ngày sau đó, ông theo cha rong ruổi khắp nơi học nghề, kiếm cơm, phụ giúp gia đình.

Ở cái tuổi trăng tròn, cậu bé Vàng đã trở thành một người thợ thực thụ, không thua kém bất kì người thợ tiền bối nào trong làng. Thời gian đầu, ông chủ yếu làm các mặt hàng bàn ghế, tủ, giường. Ngoài 20 tuổi, khi tay nghề cứng cỏi, anh chàng “hai lúa” mạnh dạn chuyển sang nhận công trình, dựng nhà cổ, đình chùa, miếu mạo. Và cứ như thế, tay nghề của ông nâng cao từng ngày và trở thành một ông chủ ở tuổi 30. Dường như cái nghiệp thợ “chàng” đã ngấm sâu vào máu của người nghệ nhân này. Ông hiểu và thuộc từng kiến trúc chạm, khắc gỗ như lòng bàn tay, bao nhiêu năm cầm cưa, cầm đục, cái duyên với nghề đã ăn sâu vào tiềm thức như một chất men khiến ông càng yêu, càng say nghề hơn.

Tâm huyến với nghề mộc nên những sản phẩm do ông tạo ra luôn được giới làng nghề đánh giá cao về thẩm mĩ. Tuy nhiên, điều đó với ông là chưa đủ. Dưới đôi bàn tay tài hoa, những sản phẩm mà ông chạm khảm luôn chứa đựng cái tâm, cái tài của người làm nghề. Phải hoàn thành xong một tác phẩm nào đó ông mới cho phép mình được thở phào nhẹ nhõm.

Hơn 50 năm qua, ông Vàng luôn say mê, cần mẫn khắc đam mê vào từng thớ gỗ. Ông am hiểu tường tận những kiến thức về kiến trúc từ cổ tới kim, sản phẩm của Châu Á, Châu Âu. Đó cũng là lý do vì sao nghệ nhân tài ba ấy có thể làm bất cứ sản phẩm nào từ đơn giản đến phức tạp. Tôi tò mò, không hiểu vì sao gã nghệ nhân “hai lúa” này lại tự mình thiết kế những kiến trúc đình chùa độc đáo, không “đụng hàng” như vậy. Ông đáp lại bằng một nụ cười giòn tan: “Đây cũng là câu hỏi của nhiều kiến trúc sư dành cho gã nông tri điền như tôi. Thú thật, từ thời trai trẻ, ngày nào tôi cũng tay đục, tay bị ngao du tứ xứ để sưu tầm kiến trúc. Trước những công trình của các kiến trúc sư, tôi đều phác họa lại trên giấy và trên cơ sở đó vận dụng, sáng tạo thêm những kiến trúc “đặc trưng” của gia đình, của người Bích Chu. Lâu dần, tôi đã tự tay mình thiết kế ra bản vẽ với những nét hoa văn, trạm chổ “độc nhất vô nhị” mà không ai có được”.

Nhà thờ Bác Hồ ở TP.Tuyên Quang do nghệ nhân Phùng Văn Vàng thiết kế (ảnh nhân vật cung cấp). 

“Hai lúa” xây nhà thờ Bác Hồ

Trong cuộc đời thợ “chàng”, ông Vàng không nhớ nổi mình đã thiết kế, thi công bao nhiêu công trình, chỉ biết rằng, những công trình do ông xây dựng đều để lại những giá trị lịch sử, tâm linh cao quý. Đó là: Di tích quốc gia Quán Tiên - Vĩnh Yên (năm 2008); di tích đình chùa Tiên Sơn - Vĩnh Yên (2009) và gần đây nhất là công trình Đài tưởng niệm mang tên Bác tại khu di tích lịch sử K9 - Đá Chông, thị xã Sơn Tây (2015). Trong số các “công trình” lịch sử ấy, Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tuyên Quang (2015) là một công trình “để đời” không chỉ cho nghệ nhân Vàng, mà cả nhân dân tỉnh Tuyên Quang.

Nhắm nghiền đôi mắt, ông bắt đầu kể cho tôi nghe về giấc chiêm bao lạ kì trước khi ông được chọn là người thi công nhà thờ Bác Hồ. Ông nhớ lại: “Vô tình xem trên bản tin thời sự về buổi lễ động thổ Khu nhà thờ Bác Hồ ở K9 khiến tôi có nhiều cảm giác lạ. Như một linh tính, đêm hôm ấy, tôi cứ trằn trọc, thao thức không sao ngủ được. Đến khi nhắm nghiền mắt, tôi hình dung về một ngày không xa, tôi đặt chân đến vùng đất đó và tự tay cùng tốp thợ ở Bích Chu dựng nhà thờ Bác. Cho đến khi trận mưa giông ập đến, tôi bất ngờ tỉnh giấc và nhận ra là mình đang mơ, giấc mơ thật xa vời”. Những ngày sau, ông vẫn một mình ôm giấc mộng chiêm bao về công trình vĩ đại ấy. Thế rồi, thật lạ, giấc chiêm bao bỗng dưng biến thành hiện thực.

Cách đây 2 năm, khi ông Vàng cùng tổ thợ đang dốc sức hoàn thiện một công trình ở tỉnh Hà Nam, tình cờ gặp một cán bộ ở Sở Xây dựng tỉnh Tuyên Quang đi khảo sát và tìm người xây dựng nhà thờ Bác. Nhìn thấy công trình đang hoàn thiện của ông, vị cán bộ này mừng như “bắt được của”. Ngay lập tức, ông được mời về Tuyên Quang để góp ý cho bản thiết kế xây dựng nhà thờ Bác Hồ. Cầm bản thảo trên tay, ông mừng rỡ và như đã định hình sẵn một bản thiết kế hoàn chỉnh trong đầu, ngày hôm sau, trước sự chứng kiến của Bộ Chính trị, Bộ Tư Lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các ban ngành, ông phân tích từng chi tiết nhỏ, chỗ nào được, chỗ nào cần sửa lại khiến những người tham dự trong buổi họp đều ngỡ ngàng.

Hôm ấy quả là một ngày đáng nhớ, bởi trước hàng chục kiến trúc sư nổi tiếng, ông đã bảo vệ thành công ý tưởng của mình khi xây dựng nhà thờ Bác Hồ. Vượt qua biết bao đối thủ “nặng kí”, bản thiết kế và ý tưởng của ông đã được hội đồng phê duyệt. Những chi tiết mang tính đặc trưng trong thiết kế các công trình cổ, nhà thờ, nhà tưởng niệm trong hơn 50 năm làm nghề đã được ông Vàng vận dụng thành công trong bản thiết kế đó. Nhờ vậy, gã “quê mùa” may mắn trở thành người duy nhất được chọn lựa. Ý tưởng sáng tạo của ông Vàng làm nhiều người “trầm trồ”, nhưng chính việc hoàn thiện thiết kế trong “phút chốc” mới khiến nhiều kiến trúc sư phải thán phục. Chỉ vỏn vẹn trong một buổi chiều, ông đã tự tay hoàn thiện một bản thiết kế hoàn chỉnh. Khi ấy, nhiều kiến trúc sư trẻ tuổi đã cúi đầu nhận ông là “sư phụ”. Ông không ngờ “cuối cùng, giấc chiêm bao kì lạ đã thành hiện thực, nhà thờ Bác Hồ đã thuộc về gã nông dân chân đất, mắt toét như ông.

Từ nhỏ chí lớn, ông đã tự tay thi công, thiết kế bao nhiêu công trình, nhưng thiết kế công trình mang tên Bác là niềm vinh dự lớn, một “kiệt tác” để đời của ông và tổ thợ. Không phụ lòng tin và sự ưu ái của mọi người, ông và tổ thợ ngày đêm dồn toàn tâm, toàn trí, toàn lực từ ngày bắt đầu thi công cho đến khi hoàn thiện. Theo đúng tiến độ, tháng 8.2015, công trình Nhà tưởng niệm Bác Hồ đã được hoàn thiện. Trong dịp lễ ấy, ông Vàng đã vinh dự được Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang tặng quà, động viên. “Tôi cảm động đến rơi nước mắt, bởi một người dân quê mùa như tôi lại có dịp được Chủ tịch Nước thăm hỏi, động viên và tặng quà như vậy. Đó là may mắn, là phần thưởng cao quý nhất đối với gã thợ chàng như tôi”, ông Vàng xúc động.

Nói đến đây, chuông điện thoại rung, ông trịnh trọng nghe điện. Đó là cú điện thoại của một vị lãnh đạo mời ông đến tham dự lễ cảm tạ những người đã cất công xây dựng Đài tưởng niệm mang tên Bác tại khu di tích lịch sử K9 - Đá Chông, xã Minh Quang, huyện Ba Vì (Hà Nội). Ông mừng rỡ nhận lời. Trước khi kết thúc buổi trò chuyện, ông Vàng không quên ngâm nga: “Nhà tre Đông Mỗ, nhà gỗ Bích Chu”, “Ngồi ghế Bích Chu chưa ru đã ngủ” như một lời mời gọi tôi trở về làng mộc Bích Chu vào một ngày không xa. Nơi ấy có sư phụ “hai lúa”, người nghệ nhân “tỉ phú” Phùng Văn Vàng.

Anh Nguyễn Khắc Khiêm - một kiến trúc sư nhà cổ - cho biết: “ Công trình nhà thờ Bác Hồ là một công trình lớn, đòi hỏi khắt khe về chất lượng và yếu tố tâm linh. Chính những kiến trúc sư trẻ tuổi như chúng tôi cũng khó có thể vượt qua lối thiết kế sáng tạo, độc đáo của nghệ nhân Vàng. Ông không được đào tạo qua trường lớp nào về kiến trúc sư, nhưng những kiến thức thực tế của ông khiến chúng tôi nể phục. Với tôi, ông luôn là bậc thầy, sư phụ kiến trúc, thi công công trình tâm linh, mà nhà thờ Bác Hồ là một công trình điển hình”.

                                                                                         Theo laodong.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

24
Đang xem:
72.647.225
Tổng truy cập: