NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Nhà điêu khắc trẻ tạc tượng vĩ nhân
(Ngày đăng: 15/02/2016   Lượt xem: 676)
Vào tuần lễ đầu tiên của năm 2016, sau một năm miệt mài lao động và sáng tạo, tác phẩm tượng cực thực “Bác Hồ đánh máy di chúc” của nhà điêu khắc Trần Văn Thức đã được Bảo tàng Hồ Chí Minh nghiệm thu.

Nhà điêu khắc trẻ tạc tượng vĩ nhân

                                            Tượng “Bác Hồ đánh máy di chúc”. Ảnh: Ánh Hồng

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật mới hơn bảy năm, trong xưởng của nhà điêu khắc trẻ đã có một bộ sưu tập đáng kể chân dung từ người bình thường đến người nổi tiếng với các chất liệu như thạch cao, đồng, composite, silicon. Sau khi bức tượng bà cụ Ngóng giống thật đến giật mình đoạt Huy chương Đồng tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2006-2010, tác giả Trần Văn Thức được biết đến như nhà điêu khắc Việt Nam đầu tiên sáng tác tượng cực thực.

Tác phẩm “Đại tướng bên bàn làm việc”

Vào tháng tư năm 2014, hàng chục ngàn khách tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã trầm trồ khi thấy bức tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bên bàn làm việc giống hệt như ông ngoài đời.

Đây là lần thứ hai thực hiện tác phẩm cực thực chất liệu silicon, nghệ sĩ điêu khắc trẻ Trần Văn Thức tiếp tục được người thưởng lãm đón nhận và người trong nghề ghi nhận.

Nhà điêu khắc trẻ tạc tượng vĩ nhân

                                        Tượng “Đại tướng bên bàn làm việc”. Ảnh: Ánh Hồng

Trước tác phẩm cực thực tạc Đại tướng, Trần Văn Thức từng thành công với tượng chân dung bác Giáp chất liệu composite rất thành công. Anh chia sẻ “Từ bé tôi đã ngưỡng mộ tài đức, khâm phục con người bác Giáp. Khi bác mất tôi rất xúc động và tiếc thương một hiền tài. Tôi nảy ý tưởng làm một bức tượng bác ở khoảnh khắc mà tôi thấy ấn tượng nhất”. Vì chưa từng gặp Đại tướng ngoài đời nên Trần Văn Thức phải mất khá nhiều thời gian để gặp những người thân trong gia đình, những cộng sự thân cận đã từng làm việc với Đại tướng và những nhiếp ảnh gia đã từng chụp ảnh bác. Nhiều người sau này khi xem tác phẩm hoàn thiện thắc mắc sao nhà điêu khắc không chọn thời điểm trẻ khỏe hào khí nhất của Đại tướng mà lại khắc họa ông ở tuổi 90. Anh Thức nói: “Trong rất nhiều ảnh đẹp chụp ông, bức ảnh một vị tướng già vẫn ngồi vào bàn đọc sách và ghi chép gây ấn tượng mạnh với tôi. Vóc dáng hao gầy, nét mặt bác có gì đó trăn trở, ánh mắt suy tư. Tôi muốn thời gian dừng lại ở khoảnh khắc đó”.

Chất liệu silicon khá mắc nên Trần Văn Thức luôn để dành ý tưởng và nhân vật thật độc đáo mới làm tượng cực thực. Lần đó anh muốn làm tượng vị tướng hiền triết để lưu giữ cho mình chứ không vì mục đích mua bán. Tới giờ tượng Tướng Giáp bên bàn làm việc vẫn được gia đình anh đặt trang trọng trong một căn phòng nhỏ, trang trí đúng như trong ảnh tư liệu.

Tái hiện giờ phút bác Hồ đánh máy di chúc

Cuối năm 2014, Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo thông qua đề án dựng tượng Bác Hồ đánh máy bản di chúc. Ban đầu lãnh đạo đề án dự kiến đặt Bảo tàng tượng sáp Madame Tussauds hoàn thành tác phẩm này nhưng sau một hồi cân nhắc, họa sĩ Vi Kiến Thành đề xuất để Trần Văn Thức thực hiện tượng Bác trên chất liệu silicon. Ảnh tư liệu thời của Bác Hồ không nhiều và không rõ nét bằng ảnh của Tướng Giáp, ngoài ra hội đồng thẩm định có nhiều lượt góp ý và yêu cầu cao trong từng giai đoạn nghiệm thu nên điêu khắc gia gặp không ít thử thách trong quá trình làm tượng Bác.

Trần Thức được đọc trích đoạn của bác Vũ Kỳ kể về thời điểm lần đầu Bác Hồ thảo xong và tự đánh đánh máy di chúc vào ngày 14/5/1965 nhưng lại không có bức ảnh nào chụp lại khoảnh khắc đó. Nhà điêu khắc phải chọn lọc dáng ngồi đánh máy của Bác từ ảnh hồi chiến khu và tạo hình khuôn mặt người theo ảnh chụp tư liệu của năm 1965.

Nhà điêu khắc trẻ tạc tượng vĩ nhân

                                                           Nhà điêu khắc Trần Văn Thức.

Trong 12 tháng thực hiện tác phẩm, hội đồng thẩm định từng có nhiều lần phân vân về trang phục của Bác. Có ý kiến muốn để Bác mặc bộ kaki vàng quen thuộc, một số khác muốn tái hiện Bác đúng với bộ quần áo nâu Người vẫn mặc trong nhà sàn. Cuối cùng hội đồng tôn trọng hình ảnh Bác đúng như hiện thực của giờ đó, ngày đó của năm 1965. Trần Thức cũng thích hình ảnh giản dị chân thực của Bác trong bộ quần áo nâu và chân đi tất trắng. Anh Thức tiết lộ, khó nhất là diễn tả cặp mắt nhìn xuống như vừa nghĩ vừa gõ từ. Ánh mắt của Người như đang gửi gắm những ý nguyện cho đồng bào. Thú vị nhất là công đoạn thể hiện đôi bàn tay đánh máy kiểu mổ cò của Bác. Các ngón vung lên phải thật tự nhiên và sống động.

Tác phẩm hoàn thành kịp trước Tết Nguyên đán mặc dù tác giả trẻ đã trải qua không ít áp lực trong lúc làm tượng vị lãnh tụ đã từng có cả trăm phiên bản điêu khắc. Xuân này khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh có dịp được biết thêm một câu chuyện, một khoảnh khắc giản dị và vĩ đại của Bác Hồ kính yêu.

Nhà điêu khắc trẻ tạc tượng vĩ nhân

                                            Tượng “Đại tướng bên bàn làm việc”. Ảnh: Ánh Hồng

Nhà điêu khắc trẻ tạc tượng vĩ nhân

                                                               Nhà điêu khắc Trần Văn Thức.

                                                                                         Theo tienphong.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

33
Đang xem:
72.634.238
Tổng truy cập: