NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Chuyện đời, chuyện nghề nghệ nhân Phan Văn Hiển - người đào tạo hàng nghìn thợ thêu
(Ngày đăng: 15/02/2016   Lượt xem: 862)
Với 93 tuổi đời, 82 tuổi nghề, cụ Phạm Văn Hiển ở làng thêu Xuân Nẻo (Hưng Đạo, Tứ Kỳ, Hải Dương) đã trở thành “báu vật” sống nắm giữ những bí kíp nghề và là người thầy của hàng nghìn học trò.

Chuyện đời, chuyện nghề nghệ nhân Phan Văn Hiển - người đào tạo hàng nghìn thợ thêu

Cụ Hiển năm nay đã 93 tuổi nhưng vẫn giữ nguyên vẹn niềm đam mê với nghề.

Ở tuổi 93, bước đi không còn nhanh nhẹn nhưng cụ Hiển vẫn rất minh mẫn, nói về nghề một cách say mê và tận tâm. Nheo nheo đôi mắt, cụ Hiển lật giở, xem lại từng trang sổ ghi chép những bí kíp nghề để viết một cuốn giáo án cho các nghệ nhân truyền dạy cho học trò.

Đời người, đời nghề cơ cực

Sinh năm 1923 trong một gia đình nghèo, cậu bé Hiển đã sớm nếm trải những cơ cực của cuộc đời. Cha làm phu mỏ ở Vàng Danh (Quảng Ninh) bị chủ đánh đập ốm chết, cậu bé Hiển và các em dại phải về quê nương nhờ bà ngoại. Chưa đầy chục tuổi, Hiển phải đi chăn trâu, giã gạo thuê kiếm miếng ăn. Thấm thía cái đói, cái khổ, gần 10 tuổi, được gia đình cho đi phụ việc ở cửa hàng thêu trong làng, cậu quyết tâm học thật giỏi để có nghề kiếm sống. Chăm chỉ, ham học hỏi nên chỉ sau 2 năm cậu đã thông thạo nghề.

Hồi đó, nghề thêu ở Hải Dương còn chậm phát triển, Hiển rời quê xuống Hải Phòng xin vào làm thêu cho các cửa hàng vừa kiếm sống, vừa học thêm. “Hơn chục tuổi, tôi rong ruổi khắp thành phố cảng, cứ thấy cửa hàng thêu nào nổi danh thì xin vào làm thuê, phụ việc để học lỏm. Hết Hải Phòng, tôi lại lên Hà Nội phụ việc tại hàng chục cửa hàng của những bậc thầy nghề thêu như ông Cả Nhu, ông Hai Cốc, ông Hải, ông Ba Tụ… Thấy tính tình tốt lại ham học, các thầy quý lắm, cho ăn cả bữa trưa”, cụ Hiển trầm ngâm kể.

Sau này, nghề thêu trầm lắng, cụ đến các tiệm may nhận thêu những chỗ rách, thủng trên quần áo cho khách. Chỉ bằng chiếc kim, sợi chỉ, dưới bàn tay của cụ, chỗ rách, thủng biến mất không còn dấu tích. Lại có thời kì, cụ xin vào thêu quần áo diễn viên cho gánh hát Tây Thi.

Năm 1950, cụ về quê tham gia kháng chiến chống Pháp, dùng chính nghề thêu để hoạt động và xây dựng cơ sở trong vùng địch hậu. Hòa bình lập lại, cụ trở thành cán bộ nghiệp vụ cho Công ty Ngoại thương Hải Dương. Trong thời gian công tác ở đây, cụ có công đưa các sản phẩm thêu thủ công truyền thống của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Cụ Hiển cho biết: "Khoảng những năm 1960, trong một đợt quán triệt nghị quyết, thấy đề cập đến chủ trương khai thác các nguồn hàng cho xuất khẩu, tôi nghĩ ngay đến nghề thêu. Sau đó, tôi trình bày và thuyết phục lãnh đạo về ý tưởng đưa sản phẩm thêu thủ công ra nước ngoài. Lúc đầu, tổ chức cũng e ngại, nhưng khi tôi phân tích thiệt hơn và biết tôi là người trong nghề nên họ đồng ý”.

Thế là cụ Hiển lóc cóc đạp xe về quê, tìm lại các cơ sở thêu trên địa bàn tỉnh ngày trước mình từng làm việc để chắp mối. Cụ mang mẫu xuống từng cơ sở đặt hàng, trực tiếp cầm kim thêu mẫu hướng dẫn. Khi các sản phẩm hoàn thiện chuyển về, cụ trực tiếp đánh giá chất lượng và nghiệm thu. Các sản phẩm tranh thêu, hàng thổ cẩm, thảm trải giường, khăn phủ bàn… của Hải Dương được bạn hàng các nước Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Ý... ưa chuộng.

Việc gì lợi cho dân thì làm nhiều

Đó là quan điểm của cụ Hiển khi bắt đầu nhận thấy nghề thêu có triển vọng phát triển. Khi nghề thêu được Nhà nước chú trọng phát triển, cụ tận tâm, tận lực dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho người dân và nhân rộng phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho Nhà nước. Cụ nói: “Tôi hiểu nỗi thống khổ của một người dân mất nước nên tôi luôn cố gắng làm việc, giúp đỡ mọi người có được cái nghề, bớt đi phần nào cơ cực khi bị bóc lột sức lao động”.

Ba năm dạy nghề ở tỉnh Hải Dương, cụ Hiển giúp tỉnh từ không có người thêu đến có 1.000 thợ, hầu hết các hợp tác xã trong huyện đều làm nghề thêu.

Nhận thấy nghề thêu có triển vọng phát triển, năm 1970, tỉnh Hải Dương cử cụ Hiển xuống Quảng Ninh để đào tạo thợ thêu. Và cũng sau 3 năm, lượng thợ cụ Hiển đào tạo đã lên hơn 1.000 người, trải dài các xí nghiệp thêu từ Trà Cổ đến Hồng Gai, từ Hồng Gai đến Đông Triều. “Tôi luôn cố gắng hết mình, quan sát, điều chỉnh tất cả các khâu. Trách nhiệm mà cơ quan giao cho, lương tâm với nghề và mong muốn đóng góp cho Nhà nước luôn thôi thúc tôi làm việc có hiệu quả”, cụ Hiển chia sẻ như đang trở về những năm tháng lao động miệt mài đó.

Nay, dù tuổi cao nhưng nói đến nghề thêu, ngọn lửa đam mê vốn đã ăn sâu vào máu vẫn luôn bùng cháy trong cụ. Cụ cho biết, thêu cũng có nhiều chuyên ngành như thêu thổ cẩm, thêu ren, thêu trắng, thêu màu, thêu đối trướng, thêu tranh… Ở mỗi thể loại, ngoài nắm vững kĩ thuật thêu, người thợ phải có con mắt thẩm mĩ, bàn tay khéo léo, tài hoa mới có được sản phẩm chất lượng. Khi mở các lớp truyền nghề, cụ Hiển chắt chiu kiến thức nghề thêu cả đời học được để soạn thành giáo án giảng dạy cho học trò. Cuốn giáo án của cụ bao gồm 8 môn thêu cơ bản như căng khung, vắt thép, tay kim, thêu, vận, đột mũi, pha màu… Cụ bảo, đây là những kĩ thuật thêu cơ bản mà bất kì người thợ học nghề thêu nào cũng phải biết. Rồi cụ lấy kim thêu làm mẫu cho chúng tôi động tác nhập môn...

Trong cuộc đời, cụ Hiển đã tự tay thêu hàng trăm bức tranh thêu phong cảnh, truyền thần, chân dung.... Nổi tiếng là bức chân dung Hồ Chủ tịch ở tư thế đứng vẫy tay chào. Cụ Hiển nói: "Tôi coi Bác là người thầy vĩ đại, bởi vậy từ khi còn công tác, tôi đã ấp ủ thêu chân dung Người".

Về hưu, cụ Hiển mang những bí quyết nghề thêu mình học được truyền thụ lại cho các lớp thợ kế cận của địa phương. Hễ ai cần học nghề hay hỏi han kĩ thuật cụ đều chỉ bảo đến nơi đến chốn. Trong làng có mấy xưởng thêu, mỗi bận gặp phải mẫu hàng khó họ lại chạy đến nhờ cụ chỉ bảo. Tính đến nay, khi đã ở tuổi cửu thập, số lượng học trò được cụ Hiển hướng dẫn, trực tiếp và gián tiếp truyền nghề thêu vào khoảng 4.000 người.

Tháng 11.2015, cụ Hiển được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho những đóng góp đối với nghề thêu nước nhà.

                                                                                    Theo: laodong.com.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

367
Đang xem:
73.099.912
Tổng truy cập: