NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Thợ “đẽo vàng”
(Ngày đăng: 01/02/2016   Lượt xem: 474)
Bằng đôi tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, không ít thợ mộc Bắc Giang đã biến những bộ gốc, rễ cây xù xì thành sản phẩm độc đáo, có giá trị kinh tế và thẩm mỹ cao.

                                          Xưởng gỗ mỹ nghệ của gia đình anh  Bùi Thế Tuấn.

Nên cơ nghiệp từ rễ cây

Xưởng chuyên chế tác gốc, rễ cây của gia đình anh Bùi Thế Tuấn nằm sâu trong làng nghề mộc Đông Thượng, xã Lãng Sơn, huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Lối đi từ cổng vào sân chất cao các bộ gốc rễ cây cả của khách đặt hàng đem đến và một số do anh “săn” được. Kế tiếp là vài sản phẩm đã hoàn thành chuẩn bị giao cho khách, có cái còn đang dở dang. 

Trò chuyện với khách, anh mở đầu: “Tôi vừa ở xã Cẩm Lý (Lục Nam) xem rễ cây của người dân vớt được khi đang trôi trên sông. Rất tiếc gốc cây sung có hình thù khá đẹp lại bị mục nát, mủn ra không đục được nữa. Nghe ở đâu có bán món này là tôi đến liền, nhờ vậy mà nhiều lần tình cờ đã có được bộ sản phẩm ưng ý”. Trong phòng khách, anh trưng bộ bàn ghế, kệ ti vi, lọ hoa, tranh tứ linh đều được làm từ gốc rễ của cây mít, cây trắc. Thậm chí chỉ bằng những gốc tre, anh chế tác thành bộ tượng tam đa sống động.

Các sản phẩm sơn màu cánh gián, đen phối hợp tinh tế tạo cho không gian vừa cổ kính, vừa sang trọng. Chỉ riêng chiếc bàn uống nước làm bằng gốc mít, anh đục xung quanh là hình tứ linh long, ly, quy, phượng đầy tinh xảo. 

Năm nay ở tuổi ngoài 40 nhưng anh Tuấn đã có hơn 20 năm trong nghề tạo tác gốc, rễ cây. Đến với nghề theo anh cũng là một sự tình cờ, có lẽ là cái duyên nghiệp. Gia đình anh vốn có nghề mộc truyền thống. Lên 7 tuổi, cậu bé Tuấn đã thích thú với những chiếc đục của ông nội, tự tay làm những sản phẩm con rùa, thứ đồ chơi bằng gỗ mà nhiều đứa trẻ yêu thích. Cứ như vậy, một buổi tới trường, thời gian còn lại Tuấn phụ giúp gia đình. Tay nghề của anh ngày càng nâng cao. Năm 1992, theo phong trào di dân làm kinh tế mới, anh rời quê vào vùng Tây Nguyên. Đang loay hoay chưa biết làm gì thì cạnh nơi anh ở có người từ tỉnh Bình Định vào lập nghiệp chuyên tạo tác đồ mộc. Anh xin theo học nghề và chỉ sau nửa năm đã thành thạo, tách ra làm riêng tại huyện Krông Bak (Đắc Lắc). 

Theo những người thợ tạo tác gốc rễ cây, hiện nay nghề mộc đỡ vất vả hơn nhờ sự hỗ trợ của phương tiện hiện đại, nhất là máy đục vi tính. Tuy nhiên, máy móc chỉ làm những công đoạn như: Tiện, đánh bóng còn lại tạo tác chủ yếu vẫn phải làm thủ công, dựa vào bàn tay cần mẫn, tỉ mỉ của con người.

Theo anh Tuấn, sở dĩ chọn nghề này bởi vốn đầu tư ban đầu không lớn. Nguyên liệu chỉ là những gốc, rễ cây mà nhiều người để mục nát ngoài mưa nắng hoặc làm chất đốt song với con mắt nhà nghề, người thợ nhìn thấy "vàng" trong đó. Kỹ thuật đục, chạm tinh xảo nên xưởng của anh không ngừng phát triển. 

Sau 12 năm lập nghiệp nơi đất khách, tạo dựng được uy tín, ông chủ trẻ đã chuyển hẳn cơ sở về quê cha, đất tổ. Đồng hành với anh luôn có 5 người bạn từ thưở thiếu thời, mức lương dao động từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm thời vụ cho 15-17 người đánh giấy ráp, sơn, đào và vận chuyển gốc cây. Trừ chi phí, lãi khoảng 300 triệu đồng/năm. Hiện nay, anh Tuấn đang mở xưởng tại khu du lịch Vân Đồn (Quảng Ninh), khách thường xuyên ra vào tấp nập, toán thợ làm không hết việc.

Tìm hướng xuất ngoại

Nắm bắt được nhu cầu thị trường đòi hỏi sản phẩm có tính nghệ thuật cao, hơn 3 năm qua, anh Lương Xuân Lưu (34 tuổi), thôn Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) đã chuyển hẳn sang chế tác gốc cây. Thời điểm này, nhiều khách giục lấy hàng gấp để kịp trưng trong dịp Tết nên xưởng gỗ của gia đình lúc nào cũng rộn ràng tiếng đục lách cách, chạm trổ; những người thợ miệt mài, say mê đục đẽo, sơn sửa. 

Ban đầu, đến với nghề, anh phải vất vả, lặn lội đi đến nhiều tỉnh như Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên để tìm gốc cây và học hỏi kỹ thuật tạo hình tại những làng nghề nổi tiếng. Để tiện cho đôi bên, khách hàng thường mời anh cùng đi ngắm gốc cây, tư vấn giúp họ hình dáng phù hợp với từng không gian, phong thủy. Nhiều trường hợp người dân bán gốc cây biết người thợ mua về để làm đồ mỹ nghệ đã tiếc của, không bán nữa và đặt hàng luôn anh Lưu làm các sản phẩm sử dụng trong gia đình.

Anh Lưu chia sẻ: “Cái khó của việc này là không có bản vẽ mẫu sẵn, vì vậy đòi hỏi tay nghề, sự sáng tạo của con người cao hơn những mặt hàng khác. Hàng nghìn sản phẩm thì không cái nào giống cái nào bởi tùy thuộc vào dáng thế của gốc cây. Để sản phẩm chất lượng, ưng ý, tôi đón đội thợ mộc nổi tiếng ở Vĩnh Phúc, Hải Dương trả với mức lương ưu đãi về hỗ trợ thêm cho mình”. 

Ngoài ra, người thợ cũng cần am hiểu về hình thù mình định tạo ra. Bên bức tượng thần tài đang đục dở, anh Lưu giải thích, với sản phẩm này thì phải tạo được thần thái tươi vui, hiền hậu để mang thịnh vượng, tài lộc đến cho gia chủ mới đạt yêu cầu. Nói rồi, anh Lưu dẫn khách thăm kệ trưng bày một số sản phẩm vừa hoàn thiện như: Tượng quan Vân Trường, anh hùng hội ngộ, thiềm thừ (cóc ngậm tiền), lọ hoa… Nổi bật nhất là bức tranh "Bát mã" vừa đục xong từ rễ cây hà long có diện tích 1x1,2 m. Đây là bộ rễ cực hiếm, nhiều năm trong nghề nhưng đến nay ông chủ trẻ mới thấy bộ rễ cây to như vậy. 

Anh Lưu thú thực, nghề này không bỏ bất cứ thứ gì, dù là mẩu gỗ nhỏ nhất, có thể tận dụng làm thành vật dụng như: Gạt tàn thuốc lá, đồ chơi… Là mặt hàng có tính nghệ thuật cao nên sản phẩm từ gốc, rễ cây có giá bán đắt, thấp nhất cũng từ 1,5-2 triệu, cao 50-60 triệu có khi lên đến cả trăm triệu đồng nếu là hàng gỗ quý hiếm. Bởi vậy, hàng gỗ mỹ nghệ từ gốc rễ cây rất kén khách, phải là những người thực sự yêu thích hoặc "có máu mặt". 

Bình quân mỗi năm, xưởng của anh Lưu làm ra 50-60 bộ cao cấp. Sau khi tạo tác xong, sản phẩm được đánh nhẵn, sơn cẩn thận từng chi tiết, có sản phẩm phải mất từ 250-300 công mới hoàn tất. Với vốn tiếng Trung "dành dụm" được từ khi đi xuất khẩu lao động, anh Lưu đang có tham vọng đưa đồ mỹ nghệ xuất ngoại.

                                                                                     Theo infonet.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

32
Đang xem:
72.634.351
Tổng truy cập: