NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Phát biểu tại diễn đàn “Làng nghề Việt Nam phát triển và hội nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới” (11)CHÍNH SÁCH NHÀ NƯỚC VỀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ VIỆT NAM
(Ngày đăng: 04/01/2016   Lượt xem: 1741)
Langnghevietnam.vn- Vicrafts.vn - Ban truyền thông- QHQT HHLN xin được trích đăng tham luận tham gia hội thảo của TS. Nguyễn Thị Thu Hường- Viện Đại học Mở Hà Nội - Thành viên của Viện nghiên cứu phát triển Làng nghề Việt nam.
Làng nghề thủ công có vai trò đặc biệt quan trong trong sự  phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như nền kinh tế Việt Nam. Trong những năm qua, sản phẩm thủ công của làng nghề Việt Nam đã cung cấp một khối lượng lớn, thoả mãn nhu cầu đa dạng cả trong và ngoài nước. Mặc dù đã và đang có những đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cũng như nhiều lợi ích kinh tế xã hội khác, song các làng nghề thủ công hiện nay vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong sự phát triển. Để phát triển làng nghề, các doanh nghiệp và hộ gia đình đơn lẻ không thể thực hiện hiệu quả được mà cần có vai trò quản lý của Nhà nước trong việc định hướng, hỗ trợ cho các làng nghề (LN) và thông qua công cụ chủ yếu là các chính sách. “Đổi mới phối hợp và hỗ trợ của nhà nước và xã hội” cũng là một trong những nội dung quan trọng mà đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đã nêu trong buổi tọa đàm ngày 24/4/2015 về “Làng nghề Việt Nam: truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập”.



Ts Nguyễn Thị Thu Hường tại làng lụa Vạn Phúc thứ ba từ trái sang

1. Về đặc trưng và vai trò của chính sách về phát triển làng nghề

Chính sách phát triển làng nghề là tổng thể các quan điểm, biện pháp, công cụ nhằm mục tiêu phát triển làng nghề. Có thể nêu lên một số đặc trưng của chính sách làng nghề như sau:

- Đối tượng của chính sách là toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến các hộ gia đình, các cơ sở sản xuất ngành nghề, các doanh nghiệp, môi trường sống... Bên cạnh các biện pháp, các công cụ kích thích sự tăng trưởng về tốc độ, cơ cấu, thu nhập của làng nghề, chính sách nhà nước cần phải kiểm soát, kiềm chế, khắc phục những hạn chế của phát triển làng nghề như vấn đề về trách nhiệm đối với xã hội, vấn đề môi trường

- Chính sách phát triển làng nghề là hệ thống các chính sách có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, là hệ thống các chính sách về phát triển nông nghiệp và nông thôn (trong đó có làng nghề) như: chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng; chính sách về môi trường; chính sách về đầu tư, tín dụng; chính sách về hoạt động thương mại; chính sách về KH-CN; chính sách về đào tạo nghề... Môi trường kinh doanh của các làng nghề liên quan đến toàn bộ yếu tố kinh tế, xã hội, tự nhiên tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh ở các làng nghề. Do vậy, kết quả của chính sách phát triển làng nghề là tổng hợp của nhiều chính sách KT-XH.

- Chủ thể hoạch định chính sách và thực thi chính sách phát triển làng nghề theo phân cấp và cấp độ ban hành chính sách. Chính sách phát triển làng nghề thường do Chính phủ, Bộ ngành TW quyết định như các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư, Quyết định của Bộ ngành. Bên cạnh đó, các địa phương căn cứ vào chính sách cấp trên và thực trạng của mình để ban hành các chính sách phù hợp. Các chính sách nói chung chịu nhiều ảnh hưởng của các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng do vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước có liên quan.

- Mục tiêu của chính sách phát triển làng nghề nói chung thể hiện ở sự tăng trưởng về cơ cấu, thu nhập nhằm sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong làng nghề, tạo công ăn việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống người dân.

Có nhiều nhân tố tác động đến sự phát triển làng nghề, trong đó nhân tố chính sách đóng vai trò quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Đặc biệt, khi thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập, các chính sách phát triển các thành phần kinh tế, các văn bản pháp luật tạo môi trường sản xuất kinh doanh cho làng nghề phát triển ngày càng được quan tâm. Vai trò của chính sách đối với sự phát triển của làng nghề được thể hiện cụ thể như sau: định hướng và điều tiết hoạt động của làng nghề, kích thích sự phát triển làng nghề, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi để phát triển làng nghề.

Nhà nước thông qua việc xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các hộ và các doanh nghiệp hoạt động, đồng thời hỗ trợ về vật chất để tăng cường năng lực của các cơ sở, hộ gia đình, doanh nghiệp trong việc sản xuất kinh doanh tại làng nghề.

2. Thực trạng chính sách nhà nước về phát triển làng nghề  Việt Nam

2.1. Một số chính sách về phát triển làng nghề trong thời gian qua

Thực hiện chủ trương chung của Đảng và Chính phủ, một số chính sách về  phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó có phát triển LN đã được cụ thể hóa như sau:

- Chính sách ngành nghề nông thôn; quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn; công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. (Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 07 năm 2006 của Chính phủ)

- Chính sách về đầu tư, tín dụng (Ví dụ như: Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 22/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Công văn số 771/VPCP ngày 29/1/2015 về Báo cáo rà soát việc triển khai thực hiện các quy định hỗ trợ làng nghề và giải pháp huy động vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng các làng nghề được công nhận…)

- Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thương mại nhằm khuyến khích, tạo điều kiện mở rộng lưu thông hàng hóa, phát triển dịch vụ thương mại như Quyết định 23/2010/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020”.

- Chính sách về khoa học công nghệ và Chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn (Quyết định 1216/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 Phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030)

- Chính sách về đào tạo nghề như Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

2.2. Đánh giá chung về chính sách nhà nước nhằm phát triển làng nghề

- Về mặt tích cực, tiến bộ

Thứ nhất, việc xây dựng, ban hành và thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách cụ thể đã tạo hành lang pháp lý cho làng nghề hoạt động và phát triển. Hệ thống các chính sách về phát triển làng nghề đã được cụ thể hóa thông qua một số chính sách cơ bản trong từng lĩnh vực cụ thể, có sức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển làng nghề.

Thứ hai, việc quy hoạch LN và sản phẩm LN đã được chú trọng, tạo cơ sở cho LN hoạt động và có hướng phát triển, nhằm phát huy thế mạnh, nét đặc thù của LN. Nội dung về quy hoạch LN và sản phẩm LN được cụ thể hóa qua các chương trình bảo tồn, hỗ trợ LN về kinh phí di dời, ưu đãi về thuê và sử dụng đất liên quan đến việc quy hoạch, chương trình phát triển sản phẩm LN theo hướng “mỗi làng một sản phẩm”…Việc quy hoạch LN tại các địa phương là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một số địa phương.

Thứ ba, các chính sách bộ phận trong từng lĩnh vực khác nhau đã có nhiều giải pháp thiết thực đối với sự phát triển của LN như đầu tư, tín dụng, KHCN & môi trường, nguồn lao động, thương mại thị trường…

Thứ tư, có sự quan tâm và hỗ trợ của nhiều Bộ, ngành trong xây dựng và thực thi chính sách về phát triển LN.

- Mặt hạn chế

Thứ nhất, các văn bản quy định, các thủ tục hướng dẫn liên quan chưa được cụ thể hóa, còn mang tính chung chung, hình thức; các văn bản chính sách thiếu tính thuyết phục. Điều đó dẫn đến các thủ tục hành chính để hưởng các hỗ trợ chính sách còn rườm rà, chưa thuận lợi; dẫn đến hiệu quả thực thi chính sách chưa cao nên chưa được mọi người quan tâm hoặc tin tưởng vào chính sách (như chính sách về vay vốn tại LN).

Thứ hai, Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển LN được đưa ra trong nhiều lĩnh vực liên quan, có sự tham gia của các Bộ, ngành. Do vậy việc phối hợp chính sách là rất quan trọng. Mặc dù có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành trong việc xây dựng và thực thi chính sách nhưng hệ thống văn bản tổng thể  đối với LN còn thiếu. Sự kết hợp giữa các bộ phận làm chính sách và thực thi chính sách quá phân tán và có quá nhiều sự chồng chéo; có quá nhiều trách nhiệm cấp bộ chồng lấn lên nhau nhưng đối với định hướng lớn thì không cơ quan nào ra quyết định. Cụ thể như công tác quy hoạch, công tác môi trường LN còn chưa rõ ràng, chưa thống nhất trong quản lý. Có những chính sách có quá nhiều cơ quan tham gia xây dựng, nhưng những cơ quan này không có sự phối hợp chặt chẽ và không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính.

Thứ ba, một số chính sách phát triển LN ở các lĩnh vực khác nhau còn nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể như:

(1) Chính sách quy hoạch vùng nguyên liệu cho phát triển LN chưa được chú trọng; quy hoạch sản phẩm làng nghề theo hướng mỗi làng một nghề và quy hoạch LN gắn với phát triển du lịch LN còn lúng túng, chưa hiệu quả; quy hoạch làng nghề là mang tính tự phát và thiếu chiến lược tổng thể nên gây ra ô nhiễm môi trường trong các vùng. Một số làng nghề cần phải quy hoạch ở vùng xa khu dân cư để tránh ô nhiễm môi trường (như làng nghề nhuộm, sơn mài, gỗ…); một số làng nghề lại cần quy hoạch tại nơi sinh hoạt để tiện cho việc sản xuất (như dệt lụa, thêu ren…). Tuy nhiên, việc quy hoạch thực tế tại không phù hợp và do vậy, nhiều làng nghề đã xây dựng khu quy hoạch nhưng các doanh nghiệp, hộ sản xuất không chịu di dời.

(2) Chính sách đầu tư tín dụng còn bất cập trong việc huy động nguồn vốn, thủ tục cho vay vốn nhiều phiền hà, tốn nhiều thời gian và hiệu quả sử dụng vốn chưa cao.

(3) Chính sách nguồn lao động còn nhiều vướng mắc trong khâu quản lý nguồn lao động tại LN, lao động trẻ chưa tâm huyết với nghề. Công tác đào tạo nhân lực mang tính chuyên môn cao, trình độ mỹ thuật, trình độ am hiểu văn hóa truyền thống tại LN còn chưa được chú trọng. Một số làng nghề chưa thực sự đánh giá cao chính sách về chế độ đối với nghệ nhân hay đối với hoạt động truyền nghề ở các làng nghề truyền thống hiện nay.

 (4) Chính sách thương mại còn hạn chế ở một số nội dung như thiếu hoặc chưa cập nhật thông tin thương mại thị trường; chưa thực sự chú trọng đến sự hỗ trợ để phát triển thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu; nhiều hội nghị, hội thảo còn mang tính hình thức, chưa thiết thực; thị trường du lịch gắn với phát triển LN chưa hiệu quả.

3. Các đề xuất chính sách

Để tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế làng nghề phát triển, các chính sách và biện pháp được áp dụng như:

- Về chính sách tín dụng, cần tạo mọi điều kiện để huy động các nguồn vốn trong nước và nguồn vốn nước ngoài để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của các DN tại làng nghề. Tạo môi trường thuận lợi thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời tranh thủ các nguồn viện trợ của chính phủ và các tổ chức phi chính phủ. Mở rộng cho vay, ban hành thể lệ tín dụng đối với các DN trong làng nghề. Có sự hỗ trợ cần thiết khi LN có các dự án, hợp đồng lớn cần có nhu cầu về vốn. Cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho làng nghề tiếp cận vốn tín dụng, giảm thiểu các thủ tục, tăng cường cho vay tín chấp (có thể do Hiệp hội Làng nghề tại địa phương bảo lãnh).

- Về chính sách đào tạo, cần xây dựng các chính sách khuyến khích thích hợp, huy động tối đa sự tham gia của các doanh nghiệp đang kinh doanh, sản xuất hàng thủ công tham gia đào tạo nghề. Có như vậy mới bảo đảm việc dạy nghề gắn với việc làm, bao tiêu sản phẩm sau đào tạo. Việc khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia dạy nghề truyền thống cho lớp trẻ cũng cần được chú trọng. Đội ngũ thợ giỏi của làng nghề cần được bồi dưỡng thêm về sư phạm dạy nghề, phương pháp xây dựng chương trình, giáo trình, nghiệp vụ quản lý đào tao, văn hóa, thẩm mỹ để tham gia tốt công tác dạy nghề truyền thống…Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo đội ngũ tri thức cao về LN, có kiến thức chuyên sâu về văn hóa làng nghề, có sự kết nối truyền thống và hiện đại.
- Về chính sách thương mại, các chính sách quảng bá các sản phẩm chủ lực cho các làng nghề, các cơ sở sản xuất phải chú trọng đến nhu cầu của khách hàng; đa dạng hóa sản phẩm làng nghề, tập trung sản xuất các mặt hàng có giá trị nghệ thuật, phù hợp với thị hiếu của du khách. Ngoài ra, các làng nghề cũng cần tập trung nâng cao chất lượng, quảng bá thương hiệu sản phẩm thông qua hội chợ. Bên cạnh đó, các cuộc hội nghị, hội thảo, các hoạt động xúc tiến thương mại cần thiết thực và hiệu quả hơn.

- Cần thay đổi cách quản lý làng nghề để tránh sự chồng chéo. Do vậy, Chính phủ thống nhất đầu mối quản lý giữa hai Bộ chính là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương trong cả quy trình quản lý. Bên cạnh đó, phải đổi mới sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ các làng nghề. Việc phối hợp này cần xây dựng thí điểm tại một số LN để tìm ra mô hình hợp lý, nhân rộng đối với các LN khác.
- Cần có sự liên kết để tạo sức mạnh trong thời kỳ hội nhập. Có thể liên kết phải thông qua Hợp tác xã và liên kết hộ thông qua các công ty để giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Cần có chính sách phối hợp, tạo mối liên kết giữa các đơn vị sản xuất kinh doanh trong các làng nghề với các doanh nghiệp lớn; cần gắn kết được các khâu trong chuỗi giá trị từ thiết kế mẫu mã, cung ứng nguyên phụ liệu đến sản xuất và tiêu thụ. Hoặc để phát triển du lịch làng nghề, chính sách cần đề cập nhiều hơn nữa đến vấn đề liên kết xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các công ty du lịch của các tỉnh và các địa phương khác để xây dựng sản phẩm, thường xuyên cập nhật thông tin.
Tóm lại, đổi mới phối hợp và hỗ trợ của nhà nước thông qua các chính sách liên quan chính là giải pháp quan trọng để làng nghề Việt Nam phát triển bền vững. Chính sách có tính hiệu quả, phù hợp, đồng bộ là cơ sở để đưa kinh tế làng nghề phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu; giúp phát triển kinh tế xã hội vẫn mang đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống; là chìa khóa gắn kết cộng đồng cao để hội nhập và đáp ứng nhu cầu văn hóa của cộng đồng ASEAN.

 

Tài liệu tham khảo

1.          Trần Minh Yến (2003), Phát triển làng nghề truyền thống ở nông thôn Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, LATS kinh tế (Viện Kinh tế học)

2.          Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (2007), Một số chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn, NXB Nông nghiệp, Hà Nội

3.          Đặng Kim Chi và cộng sự (2010), Tài liệu hướng dẫn áp dụng các giải pháp cải thiện môi trường cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ, NXB Khoa học & Kỹ thuật, Hà Nội.

4.          Vũ Quốc Tuấn & cộng sự (2010), Làng nghề - phố nghề Thăng Long - Hà Nội trên đường phát triển, NXB Hà Nội, Hà Nội.

5.          Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề (2010), Định hướng đào tạo nghề cho lực lượng lao động trong các làng nghề truyền thống, Hà Nội, NXB Lao động - Xã hội.

6.          Các chính sách khác

Còn nữa...

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

11
Đang xem:
72.625.692
Tổng truy cập: