NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Nguyễn Quốc Sự, nghệ nhân tâm – tài
(Ngày đăng: 13/08/2012   Lượt xem: 1242)

( langnghvietnam.vn ) Trong căn phòng rực rỡ với những bức tranh thêu, Nguyễn Quốc Sự, người đàn ông có khuôn mặt hồng hào, phúc hậu, tóc trắng như cước lặng lẽ rít từng hơi thuốc, nhớ về những thăng trầm của một đời làm nghề thêu mà dường như đã gắn bó với ông như máu thịt.

 IMG_1746 copy.jpg

Ông Nguyễn Quốc Sự trong phòng tranh của gia đình

Là con trai độc nhất trong một gia đình nông dân ở xã Thắng Lợi (Thường Tín, Hà Nội), cậu bé Sự lớn lên trong no ấm và bao bọc của người thân. Sống trên mảnh đất có nghề thêu truyền thống từ rất lâu đời, cậu không lạ đường kim mũi chỉ, cách phối màu, chọn màu… nhưng khi ấy nguyện vọng của mẹ cậu là con mình phải học văn hóa thật giỏi.

Năm 13 tuổi, tình cờ sang nhà người anh họ phụ trách tổ thêu của thôn, gương mặt cậu bỗng trở nên rạng ngời khi nhìn thấy những hoa văn hiện dần theo bàn tay thoăn thoắt của người thợ. Sự say mê ngắm hết mẫu nọ sang mẫu kia, từ những đường nét tinh tế đến thô kệch cậu đều thích thú. Sau hôm ấy, cậu nhất quyết xin mẹ cho đi học nghề thêu. Mẹ cậu rất nghiêm khắc, cấm không cho đi làm nghề, phạt Sự 2 ngày không được ăn cơm nếu không tiếp tục đến trường. Cuối cùng thấy không làm con thay đổi, bà đành nhượng bộ dắt cậu sang xin học. Với người thợ bình thường học nghề phải mất hơn 1 năm mới vững, nhưng Sự chỉ học trong 6 tháng, tay nghề đã ngang với thợ giỏi. 

Vào những năm 1972, khi ấy Nguyễn Quốc Sự khoảng 30 tuổi, là Tổ trưởng tổ kỹ thuật của HTX thêu Thắng Lợi. Nghề thêu truyền thống của xã đã nức tiếng trong và ngoài nước. Sản phẩm thêu chủ yếu được xuất khẩu. Nghệ nhân của HTX thường xuyên được mời đi Nga, Trung Quốc…để tham dự các cuộc thi tay nghề quốc tế.

Nguyễn Quốc Sự vẫn nhớ như in bước ngoặt trong cuộc đời làm nghề của mình. Nhân một lần cố Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm HTX thêu được coi là điển hình trong phong trào phát triển kinh tế. Khi vào căn phòng treo rất nhiều ảnh Bác và các vị lãnh tụ cách mạng, Tổng Bí thư nói: “Nghề thêu ở đây đã có tiếng, đội ngũ thợ giỏi cũng đông, vậy mà sao chưa có bức nào thêu chân dung Bác Hồ”. Lời nói đã gieo vào lòng  lãnh đạo xã, huyện và đặc biệt là Nguyễn Quốc Sự nỗi quyết tâm hoàn thành sứ mệnh ấy. Ông được cử đi học nâng cao tay nghề 1 năm.

Tác phẩm đầu tiên về chân dung Bác Hồ đã thành công ngoài mong đợi, song Nguyễn Quốc Sự lại nhận ra điểm yếu kém của mình khi các thầy khen: “Bức tranh quá đẹp, rất có hồn nhưng nếu Sự có thêm kiến thức hội họa nữa thì sẽ có chiều sâu hơn”. Thế là thêm 3 năm đèn sách về nghệ thuật hội họa, tác phẩm của ông không chỉ là những bức chân dung thần tình mà còn có những khung cảnh nên thơ.

Chân dung Bác Hồ là bức tranh thêu để đời của nghệ nhân Nguyễn Quốc Sự. Từ khóe mắt, đến nụ cười hay chòm râu của Bác Hồ được khắc họa một cách sống động, tỉ mỉ khiến người ta lầm tưởng là một bức ảnh chụp chân dung hơn là một bức tranh thêu...

Ông quan niệm, không chỉ chân dung mà phong cảnh, tĩnh vật cũng phải được truyền thần. Nguyễn Quốc Sự thừa nhận, phải rất đam mê và say nghề mới có thể làm được những điều đó.

Vào những năm 1980, nền kinh tế trong nước rất khó khăn, HTX hầu như không còn nhận được đơn đặt hàng nào, xã viên không có việc làm, bỏ nghề đi làm thuê hoặc quay sang làm nông nghiệp rất nhiều. Bản thân Nguyễn Quốc Sự cũng phải đi ấp trứng vịt thuê để kiếm tiền nuôi gia đình, rồi chuyển sang nghề nấu rượu, nuôi lợn… Ai cũng nghĩ nghề thêu của xã sẽ chìm vào dĩ vãng, thế mà sau gần 5 năm không còn tiếp xúc với chỉ màu và kim thêu, khi cuộc sống sung túc, máu yêu nghề lại trỗi dậy, ông quay lại với khung thêu.

Điều đáng nói là, thời gian cũng không làm người ta quên đi danh tiếng tài hoa của Nguyễn Quốc Sự, bởi chỉ sau một thời gian ngắn, nhiều đoàn khách lặn lội đến tận nhà ông để đặt hàng. Ông lại đứng ra tập hợp đội ngũ thợ giỏi, mở lại các lớp học nghề. Nhờ vậy,  nghề thêu ở Thắng Lợi lại vươn lên mạnh mẽ.

Giờ đây đã ở tuổi 71, nhắc đến nghệ thuật thêu tranh Quất Động, chưa ai vượt qua được tên tuổi của ông. Làm chủ một Công ty  Cổ Phần thêu tay Quốc Sự, nằm bên lề đường Quốc lộ 1, tại xã Thắng Lợi (chi nhánh ở số 2C Lý Quốc Sư, Hà Nội) với gần trăm tay thợ, ngày ngày ông vẫn cặm cụi bên khung thêu để tỉa tót, chỉnh sửa và sáng tác những tác phẩm tâm huyết.

Chỉ vào bức  "Nàng Mona Lisa" của Leonardo Da Vinci, ông tâm sự: “Tôi mất gần 3 năm và chọn ra hàng trăm màu chỉ thêu để khắc họa bức chân dung này. Phải làm sao để lột tả được “nụ cười bí hiểm” và nhất là tôi đã từng bạc cả tóc vì đôi mắt của “nàng”. Sau hàng trăm lần dỡ chỉ thêu lại, tôi mới thành công. Giờ đứng ở cả 3 chiều, đôi mắt của “nàng’ cũng như đang nhìn tôi”.

Những tác phẩm tranh thêu của Nguyễn Quốc Sự được ghi dấu ở rất nhiều trời Âu như các nước Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ, Đông Nam Á... Ông cũng được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý cả ở trong và ngoài nước như: Huân chương Lê-nin, Bằng khen của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, Huy chương Vàng của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Huy chương vàng hội chợ triển lãm, chứng nhận nghệ nhân bàn tay vàng…điều ông mãn nguyện nhất là hiện cả đại gia đình ông đang chung sức chung lòng đưa nghề thêu truyền thống ngày một vươn xa.


Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.668.930
Tổng truy cập: