NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Về Kiêu Kỵ xem nghệ nhân mắc màn dát vàng
(Ngày đăng: 08/08/2012   Lượt xem: 716)

 Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) hàng trăm năm nay nổi tiếng với những sản phẩm dát vàng bạc. Ít ai biết rằng, để làm ra sản phẩm đó, những người thợ thực hiện nghiêm túc đến mức không dám nói chuyện to. Dù trời nóng bức thế nào, những người thợ cũng phải nung mình dưới lò lửa. Có khi phải đóng kín cửa, buông màn xuống để dát, vì sợ lá vàng bạc mỏng sẽ theo gió bay đi.

Nhưng giờ đây, làng nghề Kiêu Kỵ đang vắng dần tiếng đe búa, những người trẻ đang quay lưng lại với nghề...

Mắc màn để trại quỳ


Chúng tôi đến làng Kiêu Kỵ vào những ngày nắng nóng oi bức. Nhưng không vì thế mà tiếng quai búa nơi đây giảm nhịp. Mọi người vẫn cần mẫn làm việc. Tôi ngạc nhiên trước việc tiếp khách của chủ nhà. Dù rất nhiệt tình tâm sự với chúng tôi về công việc dát vàng bạc của mình, nhưng dưới cái nóng như thiêu đốt (370C) họ vẫn ung dung làm việc, chiếc quạt nan phe phẩy cũng không có.


Cụ Nguyễn Thị Bính, 78 tuổi cho biết: "Từ nhỏ tôi đã đi theo bố mẹ học nghề, cứ người lớn bảo gì làm theo cái đó, dần quen. Tôi có gần 70 năm làm nghề, giờ công đoạn khó nhất thì tôi thường đứng ra đảm đương cho con cháu. Làm nghề này công xá tính ra cũng ít, làm cả ngày cũng chỉ được 40.000 - 50.000đ. Như thế không tương xứng với công sức bỏ ra, nhưng tuổi tôi không đi làm đồng được, nhờ có nghề cũng có đồng ra đồng vào".


Dù tuổi đã cao nhưng cụ Bính vẫn còn khoẻ và minh mẫn lạ thường. Vì thế, cụ thường đảm nhiệm công đoạn cuối cùng của dát vàng bạc là trại quỳ (bóc tách vàng bạc sau khi đã đánh thật mỏng) để đem bán cho khách.


Cụ Bính bảo, để ra được lá vàng bạc mỏng như lá lúa, người thợ phải làm rất nhiều công đoạn. Nhưng công đoạn trại quỳ là khó nhất, những lá quỳ được đem ra đánh với hàng nghìn nhịp búa đập xuống. Vì thế, khi lấy ra chỉ cần đụng nhẹ cũng có thể bị rách. Nếu không làm tỉ mỉ, không có kinh nghiệm bóc tách lá vàng bạc sẽ khó giữ được nguyên vẹn.


Thấy chúng tôi ngồi hỏi chuyện mồ hôi nhễ nhại, cụ Bính phân trần: "Các anh thông cảm, ở trong phòng dát vàng bạc này phải thế đấy, vào mùa đông còn đỡ chứ mùa này thì làm cực lắm. Dù nắng như thiêu đốt cũng phải cố chịu đựng để làm. Quạt nan phe phẩy cũng không được dùng. Đến việc nói chuyện cũng phải lẩm nhẩm trong miệng để gió không thổi vào lá vàng bạc. Có hôm dông gió, phải đóng cửa lại, buông màn xuống để làm. Vì chỉ cần cơn gió lùa vào thổi bay vài lá vàng bạc là coi như mất cả vốn lẫn lãi. Chúng tôi ngồi làm từ nhỏ nên đã quen với việc nóng bức, dù nóng đến mấy cũng chịu được".

Đánh quỳ đòi hỏi nhiều sức lực nhưng thu nhập thấp.
Đánh quỳ đòi hỏi nhiều sức lực nhưng thu nhập thấp.

40 công đoạn mới ra được sản phẩm


Nghệ nhân Lê Văn Hiệp cho biết: Nhìn những lá quỳ vàng bạc long lanh nhiều người tưởng làm đơn giản, nhưng để có những sản phẩm đó, người thợ phải thực hiện hơn 40 công đoạn. Sau khi chuẩn bị lá quỳ, nấu vàng bạc cho vào khuôn kéo thành những lá mỏng, người thợ gói những lá vàng bạc vào lá quỳ, để trên một tảng đá rồi dùng búa đập liên tục. Công đoạn này quỳ được đánh liên tục, sức đập của búa làm cho lá vàng bạc mỏng dần. Đánh quỳ phải đều, nếu không miếng vàng bạc sẽ không mỏng đều, khi bóc dễ bị rách...


Sau đó người thợ gỡ những miếng vàng bạc để cắt chúng thành từng miếng nhỏ. Mỗi dát vàng bạc có thể cắt nhỏ từ 9 - 12 miếng vuông nhỏ, có cạnh chừng 1cm. Những lá vàng bạc cắt nhỏ lại được xếp xen kẽ vào giữa các lá quỳ (gọi là long quỳ). Một long quỳ có từ 400 - 500 lá vàng bạc.


Anh Hiệp cho hay, tất cả các công đoạn đó là một dây chuyền, người thợ phải phối hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn. Công đoạn nào cũng quan trọng. Nhưng trại quỳ là giai đoạn khó nhất cần phải hết sức tỉ mẩn và tinh tế mới làm được. Giai đoạn này sẽ quyết định chất lượng của vàng dát có màu sáng hay xỉn.


Muốn có một sản phẩm hoàn chỉnh nhiều người phải kết hợp với nhau, riêng khâu đánh quỳ thì cũng phải mất hàng tiếng đồng hồ. Đập hàng nghìn búa mới xong được một quỳ vàng. Thế nhưng thu nhập lại thấp, một người thợ làm cả ngày cũng chỉ được 100.000đ. Trong khi đó phải bỏ rất nhiều sức lực để đánh quỳ, số tiền thu lại không tương xứng với công sức bỏ ra. Vì thế, nên nhiều người bỏ nghề.

Người thợ nhiều kinh nghiệm mới đảm nhận được việc trại quỳ.
Người thợ nhiều kinh nghiệm mới đảm nhận được việc trại quỳ.

Lớp trẻ quay lưng với nghề


Nghệ nhân Lê Văn Vòng, 57 tuổi cho biết: "Gia đình tôi đã có 9 đời làm nghề dát vàng bạc, tôi mừng là đến nay nghề này vẫn còn. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước tưởng chừng nghề truyền thống của cha ông bị biến mất, nguồn nguyên liệu lúc đó khan hiếm. Một năm Nhà nước cung cấp cho cả làng chỉ được một vài cân vàng bạc. Vì thế mà hầu như mọi người đều bỏ nghề. May thay, cuối những năm 80 bước vào thời kỳ mở cửa, vàng bạc được cung cấp nhiều hơn, làng nghề được hoạt động trở lại."

Ông Vòng tự hào bảo, nghề dát vàng bạc của Kiêu Kỵ là nghề độc nhất vô nhị ở dải đất hình chữ S và hiếm có ở Đông Nam Á. Nghề này đã xuất hiện ở đây nhiều thế kỷ. Khi nông nhàn có thể  tận dụng sức lao động của mọi người trong gia đình, các cháu nghỉ hè cũng tham gia dát bạc. Từ cụ già, em nhỏ có thể làm kiếm thêm thu nhập. "Tôi vẫn nói vui với các cháu rằng "doanh nghiệp" của bác tuyển dụng lao động từ 5 - 90 tuổi. Mẹ tôi năm nay 92 tuổi vẫn vừa làm, vừa truyền nghề cho con cháu. Tôi rất vui khi sản phẩm của làng nghề đã góp mặt trong các khu tưởng niệm lớn trên cả nước như Cung đình Huế, Đền Hùng", ông Vòng cho biết.

Dù làng nghề hiện nay vẫn được duy trì, nhưng ông Vòng không khỏi lo lắng về tương lai của làng nghề: "Giờ lớp trẻ trong làng người thì đi làm xa, nhiều người ở làng chuyển sang nghề may cặp da thu nhập gấp 3 lần so với nghề truyền thống. Chỉ còn ít người lứa tuổi như tôi còn làm nghề, những người trẻ tuổi không còn mặn mà với nghề truyền thống, không biết tương lai làng nghề sẽ về đâu...", ông Vòng than thở.
Nghệ nhân Vòng lo lắng vì lớp trẻ quay lưng với nghề.
Nghệ nhân Vòng lo lắng vì lớp trẻ quay lưng với nghề.
"8 năm nay 12ha đất chuyên canh làm lúa, đã được giải phóng mặt bằng để làm dự án phát triển làng nghề nhưng giờ chỉ để cỏ hoang mọc. Chúng tôi đã phản ánh nhiều lên chính quyền xã, nhưng chờ mỏi cổ mà vẫn chưa có hồi âm".
Nghệ nhân Lê Văn Vòng


 "Làng Kiêu Kỵ có gần 3.000 nhân khẩu, hơn 400 hộ. Hiện làng Kiêu Kỵ có nghề dát vàng bạc và sản xuất cặp da. Từ cuối năm ngoái, kinh tế khó khăn, nghề dát vàng, bạc rơi vào khủng hoảng. Giờ còn 51 hộ làm nghề. Sản phẩm làm ra không bán được nên nhiều hộ bỏ nghề. Hiện tại các gia đình làm cầm chừng để giữ nghề. Giờ mọi người trong làng chú trọng nghề làm cặp da hơn nghề truyền thống. Vì nghề này cho thu nhập cao hơn".
Bà Vũ Thị Thanh Hoa (Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội)
Theo kienthuc.net
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
72.668.912
Tổng truy cập: