NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Người khuyết tật có " đôi tay vàng "
(Ngày đăng: 31/07/2012   Lượt xem: 1003)
QĐND - Vào một buổi sớm đầu đông, chúng tôi có dịp tìm về gia đình anh Nguyễn Văn Trung - Giám đốc Công ty TNHH Hoa Sơn, kiêm Giám đốc Trung tâm dạy nghề tư thục mây tre đan Phú Vinh - ở thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Tai nạn năm 16 tuổi, đã biến anh từ một chàng trai khoẻ mạnh thành người tật nguyền, đôi chân bị so le yếu ớt. Suốt thời gian dài, anh nằm liệt một chỗ, việc ăn uống, vệ sinh cũng trông cả vào mẹ già. Được sự động viên, chăm sóc của người thân, năm 17 tuổi anh dần tự tập ngồi, rồi tập đi. Sau một thời gian dài kiên trì, nỗ lực, anh đã dần đứng lên, chập chững những bước đầu tiên, và rồi gắn bó với nghề mây tre đan như một duyên nợ.

“Có công mài sắt, có ngày nên kim”

Khởi nghiệp bằng nghề mây tre đan, anh Trung gặp phải không ít những khó khăn. Anh phải bắt đầu tự độc lập trong suy nghĩ cũng như tìm lối thoát cho ý tưởng lớn lao của mình. Bản thân bị tật nguyền, việc đi lại khó khăn, chân phải của anh phải cưa đi một nửa dưới, thay vào đó là một chiếc chân giả. Chiếc chân giả và chiếc giày tạo đế dài hai mươi phân theo từng bước chân anh đi hằng ngày, từng việc làm của anh mãi tới tận bây giờ. Anh Trung bùi ngùi nói: “Làm giàu không khó. Nếu khó lại càng phải làm. Nhất là bản thân tôi lại phải chịu thiệt thòi từ đôi chân, nên tôi lại càng phải cố gắng. Lòng yêu đời, yêu nghề đã giúp tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Không có việc làm âm thầm thì không có chiến công hiển hách”.

Người khuyết tật có
Từ khi thành lập, Trung tâm dạy nghề tư thục mây tre đan của anh Trung đã tiếp nhận và đào tạo nghề miễn phí cho hàng trăm lao động tại địa phương và các địa phương khác

Lúc mới bắt đầu, anh phải đi vay mượn vốn khắp nơi để gây dựng ước mơ của mình. Thế nhưng, thời gian đầu khi quyết định lựa chọn và đến với nghề mây tre đan, anh Trung gặp nhiều thất bại. Số tiền thu được không đủ bù một phần tiền vay lãi hằng tháng. Hơn hai lần, ngôi nhà của gia đình anh bị niêm phong vì chưa kịp trả nợ.

Trung tâm dạy nghề tư thục mây tre đan Phú Vinh được thành lập năm 2008. Ý tưởng ban đầu, nhằm giúp nâng cao tay nghề cho người lao động trong lĩnh vực mây tre đan, vừa giúp tạo công ăn việc làm, vừa để có được sản phẩm bảo đảm chất lượng xuất khẩu. Trong quá trình đào tạo, anh nhận thấy nhu cầu của người khuyết tật cũng cần có một nghề để sống. Anh Trung tâm sự: “Sau thời gian gần 5 năm đi nước ngoài, tới năm 2007 khi bắt đầu ở Pháp về, tôi nghĩ ra một cách, phải thành lập một trung tâm đào tạo để dạy nghề cho lao động phổ thông và nâng cao tay nghề cho lao động tại địa phương với mục đích làm ra sản phẩm chất lượng xuất khẩu. Đến khi thành lập ra công ty, trải qua quá trình đào tạo, tôi thấy trong xã hội có rất nhiều nhu cầu khác nhau. Những lao động thuộc các hộ nghèo không có đủ điều kiện để đi học các lớp khác, do phải đóng góp lớn, nên người ta đến đây xin học. Vì học ở đây được miễn học phí".

Vượt qua khó khăn, thử thách, giờ đây anh Trung có được cả một cơ ngơi mà nhiều người phải mơ ước. Hiện tại, xưởng sản xuất của anh tạo được công ăn việc làm cho hơn 20 công nhân, mức thu nhập bình quân hơn 2 triệu đồng/ một tháng.

Là một nhân công nữ ở trung tâm của anh Trung đã lâu năm, chị Hoàng Thị Len, nói: “Bản thân tôi bị khuyết tật, việc đi lại rất khó khăn. Chẳng biết cuộc mưu sinh còn gian nan đến đâu ? May mà có người thân chỉ cho tôi tìm đến Trung tâm dạy nghề tư thục mây tre đan Phú Vinh. Sau ba tháng học nghề, tôi được tạo điều kiện để làm việc và nâng cao dần tay nghề. Mỗi tháng chúng tôi được hỗ trợ 300 nghìn đồng, cộng thêm khoản tiền sản phẩm do mình làm ra. Nhờ đó, những người khuyết tật như tôi đã có thêm phần nào thu nhập từ đôi tay của mình”.

Người khuyết tật có
Công việc hằng ngày của những người thợ tại xưởng

Ngoài ra, mỗi một đơn hàng anh Trung đem về, còn tạo thêm việc làm và đồng vốn cho nhiều lao động tại địa phương. Doanh thu của công ty mỗi năm đạt gần 10 tỷ đồng. Từ khi thành lập Trung tâm dạy nghề tư thục mây tre đan, anh Trung đã tiếp nhận và đào tạo nghề miễn phí cho hàng trăm lao động khuyết tật. Không chỉ dạy nghề cho người dân tại địa phương, anh Trung còn đào tạo lao động cho nhiều nơi khác. Có nhiều học viên là người khuyết tật, người nghèo ở Nghệ An, Hà Tĩnh… cũng tìm đến trung tâm của anh để học nghề.

Khoá học năm 2008-2009, Trung tâm của anh Trung đã tổ chức dạy nghề và cấp chứng chỉ cho hơn 620 người, trong đó có 65 người khuyết tật, 180 người nghèo và 375 lao động phổ thông. Tâm sự của anh về việc dạy nghề cho người khuyết tật: “Khó khăn nhất chúng tôi gặp phải là điều kiện cơ sở vật chất còn mới nên chưa được hoàn thiện lắm. Thứ hai là giáo viên dạy chuyên nghiệp, có tay nghề rất cao, nhưng nghiệp vụ sư phạm lại còn rất non trẻ, nên hạn chế khả năng tiếp thu bài giảng của học viên”.

Khẳng định thương hiệu

Ngoài việc kinh doanh, tìm thị trường xuất khẩu cho sản phẩm mây tre đan, anh Nguyễn Văn Trung còn đam mê với việc sáng tác ra các mẫu mã sản phẩm mới. Trung bình mỗi năm, anh Trung sáng tạo được 15 đến 20 mẫu mới. Anh là người đầu tiên sáng tạo cách đan tranh bằng nguyên liệu mây, với ý tưởng giới thiệu đỉnh cao của nghề thủ công tinh xảo quê mình. Bức chân dung Bác Hồ hoàn thành năm 1980, hiện giờ vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, trong lễ bế mạc và trao giải thưởng Chương trình Mỹ thuật quốc tế được tổ chức tại Đức năm 2003 với hơn 60 nước tham gia, anh Nguyễn Văn Trung được trao tặng danh hiệu"Người khuyết tật có đôi bàn tay vàng" của nghề thủ công tinh xảo, với mẫu sáng tạo tráp ăn hỏi truyền thống làm bằng mây tre đan.

Những tấm bằng khen, danh hiệu cả trong nước và quốc tế là sự ghi nhận sự nỗ lực, đóng góp cho nghề thủ công truyền thống và sự phát triển chung của xã hội với hơn 30 năm gắn bó với nghề mây tre đan của anh. Anh Trung hồ hởi nói: “Nghệ thuật đan của Việt Nam đặc biệt có ưu thế về các đường đan. Trong lối đan của Việt Nam, thể hiện tính mỹ thuật cao thường được khách hàng trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Các nước trên thế giới họ cũng sản xuất, nhưng sản phẩm làm bằng máy nên các sản phẩm không được tinh xảo như sản phẩm của Việt Nam. Do vậy, phải thiết kế, sáng tạo ra các mẫu mã mới phù hợp, mới có thể cạnh tranh và giữ được thị trường”.

Trước mắt, với anh Trung vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách để thực hiện ước mơ của mình, giúp cho nhiều người khuyết tật có nghề để sống. Nhưng bằng tình yêu, niềm đam mê, anh Nguyễn Văn Trung đã trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho gia đình và những người khuyết tật. Chính sự nỗ lực, ý chí phi thường đã biến ước mơ của anh thành hiện thực.

Theo tintuc

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

36
Đang xem:
72.669.065
Tổng truy cập: