NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Người giữ lửa cho nghề dệt thổ cẩm ở buôn làng
(Ngày đăng: 20/05/2014   Lượt xem: 417)
Là người cuối cùng dệt thổ cẩm theo kiểu truyền thống ở huyện Buôn Đôn, Mị Mâu luôn trăn trở tìm người nối nghiệp để “giữ lửa” cho làng. Bà luôn nói với mọi người nếu truyền thống này mà thất truyền thì thật đáng xấu hổ.

Trời nắng to bỗng dưng tối sầm lại, từng đợt mây đen ùn ùn kéo về chẳng mấy chốc đã phủ kín bầu trời nơi mà dân làng đang sinh sống. Tiếng bước chân, hò hét thêm tiếng gió rít mạnh bỗng dung khiến dân làng dậy sóng. Kẻ hối hả dắt trâu bò về chuồng, người vội vã khiêng nông sản thu hoạch được mang vào nhà tránh mưa. Vào mùa vụ là vậy, những người dân ở Đắk Lắk hằng ngày vẫn cần mẫn lao động trên mảnh đất mà cha ông để lại.

Sau cơn mưa rào chớp nhoáng, mây đen lại nhường chỗ cho bầu trời cao xanh kia. Sau một hồi hỏi han, cuối cùng tôi cũng tìm được nhà của Mị Mâu, được mệnh danh là “bà tài”. Sở dĩ gọi là bà tài bởi vì cái gì trong buôn bà cũng biết, từ thêu thùa, đan đến công tác phụ nữ ở xã bà đều rất giỏi.

Mọi người gọi bà là Mị Mâu, chứ tên thật của bà là H Bruih Êban. Mị Mâu sống trong căn nhà sàn cổ, mặc dù được làm từ lâu nhưng căn nhà rất chắc chắn. Dòng họ bà còn sở hữu căn nhà sàn cổ nhất tỉnh DakLak, và hiện nay cháu của bà đang ở và làm công tác chăm sóc căn nhà này.

Nếu thất truyền thì thật đáng xấu hổ

Là người cuối cùng dệt thổ cẩm theo kiểu truyền thống trong buôn. Mị Mâu luôn trăn trở tìm người nối nghiệp mình để “giữ lửa” cho làng. Nhiều đêm bà trằn trọc không ngủ được vì lo lắng, lo cho những truyền thống tốt đẹp của đồng bào mình đang ngày càng bị mai một.Mang trong mình trọng trách lớn lao quả không hề dễ dàng.

Bà là người phụ nữ hiền lành, giỏi giang trong gia đình. Chồng bà hằng ngày lên nương làm cà phê phát triển kinh tế gia đình, 2 người con gái của bà đã lớn và lập gia đình. Gia đình bà như ngọn đuốc sáng cho mọi người trong buôn làng noi theo.

“Thật ra mình cũng không tài giỏi gì đâu, nhiều lúc mệt mỏi cũng muốn từ bỏ nhiều thứ cho bớt khổ nhưng cuối cùng lại phải theo nó đến cùng. Cái nghề, cái nghiệp là cha ông từ xa xưa để lại. giờ mình phải giữ nó chứ. Và phải kiếm người kế tục cái nghiệp này” - Mị Mâu chia sẻ.

Hằng ngày trên căn nhà sàn, Mị Mâu chăm chỉ dệt những tấm thổ cẩm với đa dạng các loại sản phẩm. Từ chăn, quần áo đến khăn trải bàn… bà đều dệt được. để dệt được một tấm chăn hoàn chỉnh mất khoảng 10 ngày và bán được 800.000-900.000 đồng.

Bàn tay của bà cứ thoăn thoắt trên chiếc khung dệt. Nhìn bàn tay nhăn nheo ít ai có thể tưởng tượng được rằng nhiều lần bà bị chiếc kim nhọn hoắt đâm thủng chảy máu. Nghề dệt này đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn và lòng ham học hỏi, chính vì thế không phải ai muốn học cũng được.

 Hằng ngày, Mị Mâu luôn chăm chỉ dệt thổ cẩm như một cách để giữ truyền thống văn hóa của đồng bào mình. (Ảnh: Quang Nam)
 Năm 2010 Mị Mâu mở 2 lớp để dạy dệt cho những người trong buôn. Mới đầu lớp đông lắm, những tưởng theo thời gian số lượng sẽ thêm. Không ai ngờ thời gian càng trôi, lượng người từ bỏ ngày càng lớn. Sau vài tháng, lớp chỉ còn vài người còn bám trụ được. Bà cũng vừa mừng, vừa tủi cho bao nhiêu cố gắng của mình. Sau hơn 1 năm hoạt động, lớp bà mở chính thức đóng cửa do không còn ai muốn học nữa.

Bà nói trong buồn bã: “Khổ như con trâu mà cuối cùng chẳng gặt hái được gì. Người thì đầy đó, chẳng ai muốn học. Thanh niên thì tìm đến các khu công nghiệp làm công nhân. Nếu nghề truyền thống này mà thất truyền thì thật đáng xấu hổ”

Theo phong tục của người Êđê. Áo của người nam gọi là Kax Nut và người nữ là Kơ Tiăm. Phong cách áo của người nam tạo sự mạnh mẽ, đậm chất núi rừng. Còn nữ thì nhẹ nhàng, phóng khoáng. Người dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào phải biết chi tiết những họa tiết đó. Nếu không sẽ không đúng với kiểu áo.

Bà Duôn Na, từng là người dệt giỏi nhất trong buôn chia sẻ: “mỗi dân tộc có màu sắc áo khác nhau, người dệt không được nhầm lẫn. Người dệt phải có tâm với nghề, nếu không sẽ chạy theo đồng tiền mà tạo ra sản phẩm kém chất lượng”

Chỉ mong người làng hồ hởi học dệt

Sau bao nhiêu năm “giữ lửa” cho buôn làng, hiện nay sản phẩm của Mị Mâu được nhiều người biết đến. Bà cũng không hiểu được tại sao những người ở tân Hà Nội lại biết và đến chỗ bà đặt sản phẩm.

 Sản phẩm của bà khi dệt thành công (ảnh: Quang Nam)
Sản phẩm của bà được người ở Hà Nội mua rất nhiều, họ chủ yếu mua chăn và khăn trải bàn. Ngoài ra, còn nhiều người từ khắp các tỉnh lẻ tìm đến bà mua quần áo đồng bào. Niềm vui sướng sau những tháng ngày khổ cực khiến bà tươi hẳn, không còn lo âu nhưng nỗi trăn trở thì vẫn còn. Bà chỉ mong nhiều người thấy sản phẩm của mình đi được nhiều nơi, nhiều người mua thì dân làng trong buôn sẽ hồ hởi học dệt.

Một tháng bà thu về hàng triệu đồng tiền lãi từ sản phẩm đem lại, chính nhờ đó kinh tế gia đình cũng phần nào được cải thiện.

Tuy còn nhỏ, sắp bước vào lớp một nhưng đứa cháu gái của bà đã được dạy dệt. Đôi bàn tay nhỏ nhắn, xinh xắn của cô bé cũng rất khéo léo. Hai bà cháu cứ quấn quýt lấy nhau, khi bà mệt, cháu đấm lưng. Khi bà ngứa đầu, cháu nhổ tóc sâu. Khi cháu mệt, bà ru cháu ngủ. Khi cháu đói bà nướng ngô khoai. Bình dị và mộc mạc. Mị Mâu luôn muốn đứa cháu gái này mai sau sẽ nối nghiệp của bà, làm rạng rỡ thêm truyền thống tốt đẹp của đồng bào mình.

Ngoài ra, Mị Mâu còn làm công tác phụ nữ ở xã. Những chính sách của nhà nước được bà truyền lại cho dân làng hiểu rõ hơn. Hiểu luật pháp và không vi phạm pháp luật. Nhà bà nhiều giấy khen lắm, có nhiều cái treo đã lâu và chữ cũng đã mờ dần theo năm tháng.

Vào năm 2010 bà giành 2 giải nhất về dệt thổ cẩm truyền thống được tổ chức trong tỉnh, bà càng thêm vững tin vào tay nghề của mình, nhưng không vì thế mà bà chủ quan. Có dịp bà đi qua các huyện khác để tìm tòi thêm những điều mới lạ. Tìm cách cải tiến để có thể dệt nhanh hơn.

Ông Ngô Văn Lương cán bộ xã cho biết: trong buôn quả thật hiếm có người nào được như Mị Mâu. Bà là tấm gương tốt cho mọi người noi theo. Bà đã giành nhiều thành tích xuất sắc trong các cuộc thi về dệt do tỉnh huyện, tỉnh Đắk Lắk tổ chức.

Không hổ danh là “bà tài”, nhiều người biết đến bà do giọng hát rất hay và múa đẹp. Mỗi khi có văn nghệ ở buôn bà đều xuất hiện, nhiều người cũng ngóng bà đến để được chiêm ngưỡng và thưởng thức giọng hát của bà. Như thể được “mắt thấy, tai nghe” mới tin. Có người nghe xong chỉ muốn bà hát tiếp, người kêu mà múa. Nhưng mỗi khi có dịp như vậy, bà chỉ hát tối đa 2 bài.

Mị Mâu - người “giữ lửa” cho làng. Ngày ngày, bà luôn cố gắng học hỏi để phát triển thêm nghề nghiệp của mình. Trông bề ngoài bà luôn tươi cười, vui vẻ nhưng bên trong lại chất chứa những suy tư, trăn trở về nét đẹp của đồng bào mình. Nhiều lúc bà lên nương ngồi cả buổi chiều chỉ để ngắm những cây cà phê, cây đậu cho vơi đi nỗi buồn. 
Bà tâm niệm “tre già, măng mọc”, cũng giống như tre kiên cường và dẻo dai lắm. Nhìn hai bà cháu quấn quýt bên nhau bên cạnh khung dệt thật hạnh phúc. Ánh mắt nó luôn dõi theo từng cử chỉ của bà ngoại và đôi tay khéo léo luồn chiếc kim qua những đường chỉ dễ dàng như bà nó vậy.

                                                                                                         Theo: Báo mới

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.660.217
Tổng truy cập: