NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Nhà thiết kế thời trang Lan Hương: Nàng thơ của áo dài
(Ngày đăng: 12/03/2014   Lượt xem: 938)
Nhà thiết kế thời trang Lan Hương.

Là nhà thiết kế duy nhất của Việt Nam được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cử tham gia tuần văn hóa tại thủ đô Paris nhân kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, chị quyết định mang theo 2 bộ sưu tập mang đậm nét văn hóa Việt là "Mùa sen" và "Khúc hoan ca". Nhà thiết kế Lan Hương chia sẻ, sau buổi trình diễn, nhiều khán giả nước ngoài đã ùa ra sau sân khấu gặp chị với mong muốn được tận tay chạm vào từng mẫu thiết kế...

Trung tuần tháng 2 vừa qua, tại nhà hát nổi tiếng Chatelet ở thủ đô Paris hoa lệ, 25 bộ áo dài thêu tay cầu kỳ trên chất liệu tơ tằm của nhà thiết kế Lan Hương đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chọn trình diễn trong đêm khai mạc "Năm Việt Nam tại Pháp - 2014". Đây là sự tiếp nối những thành công mà nhà thiết kế này đã nhận được trong năm 2013: Một trong 10 gương mặt "Phụ nữ thủ đô tiêu biểu" do Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng và "Nghệ nhân áo dài" do Hiệp hội làng nghề Việt Nam trao tặng, giúp chị trở thành nghệ nhân áo dài trẻ nhất và duy nhất trong số các nhà thiết kế hiện nay.

Chúng tôi tới gặp nhà thiết kế Lan Hương ngay sau khi chị vừa từ Pháp trở về. Người phụ nữ bé nhỏ và giản dị này dường như lúc nào cũng bận rộn. Vừa tranh thủ dặn dò, cắt đặt công việc cho nhân viên sau những ngày vắng mặt, chị lại tiếp tục lên ý tưởng và thực hiện bộ sưu tập áo dài mới cho "Festival Huế" tổ chức vào trung tuần tháng 4. Chưa kể, khách hàng nào đến cũng đều muốn được chị trực tiếp tư vấn, vẽ mẫu.

Là nhà thiết kế duy nhất của Việt Nam được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cử tham gia tuần văn hóa tại thủ đô Paris nhân kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, chị quyết định mang theo 2 bộ sưu tập mang đậm nét văn hóa Việt là "Mùa sen" và "Khúc hoan ca". Nhà thiết kế Lan Hương chia sẻ, sau buổi trình diễn, nhiều khán giả nước ngoài đã ùa ra sau sân khấu gặp chị với mong muốn được tận tay chạm vào từng mẫu thiết kế.

So với các nhà thiết kế danh tiếng khác, Lan Hương đến với tà áo dài dân tộc khá muộn. Sinh ra và lớn lên tại Hòa Bình, với năng khiếu bẩm sinh, chỉ bằng việc học lỏm, 9 tuổi, cô bé Lan Hương đã tự cắt may cho mình. Ngoài lần đầu tiên được mặc chiếc áo dài rộng thùng thình vì mượn của cô giáo năm lớp 7 thì phải đến khi là sinh viên năm thứ 2 Đại học Văn hóa, Lan Hương mới được mặc một chiếc áo dài vừa vặn thuê trên phố Khâm Thiên.

Tốt nghiệp đại học nhưng Lan Hương lại chọn may mặc làm nghề mưu sinh. Ban đầu, chị làm những sản phẩm như áo cưới, áo dạ hội. Nhưng sau một vài lần tiếp xúc với áo dài, trong chị cứ lớn dần một suy nghĩ: Chẳng lẽ áo dài chỉ có vậy thôi sao? Tại sao áo dài đẹp thế mà mọi người lại ngại mặc?... Những băn khoăn ấy cứ thôi thúc Lan Hương phải làm điều gì đó cho áo dài. Và thế là chị quyết định dừng lại tất cả những sản phẩm đang mang lại lợi nhuận kia để dồn sức cho áo dài. Để theo đuổi niềm đam mê, có những thời điểm khó khăn quá, chị đã phải thế chấp cả nhà cửa, chấp nhận mạo hiểm..

Một số thiết kế trong bộ sưu tập “Khúc hoan ca” của Nhà thiết kế Lan Hương.

Trong khi các nhà thiết kế khác thường xuyên thay đổi chất liệu, mẫu mã thì áo dài Lan Hương trung thành tuyệt đối với vải lụa và thêu tay. Gắn bó với lụa tơ tằm truyền thống vì Lan Hương hiểu với những người sành thời trang, không có một chất liệu nào phản ánh hết nét đẹp của áo dài bằng lụa. Và thêu tay luôn là sự khẳng định giá trị sản phẩm thật sự đẳng cấp. Hơn nữa, hai yếu tố này ngoài việc giúp Lan Hương quảng bá áo dài, quảng bá nét văn hóa Việtâ còn giúp chị thực hiện được mong muốn bảo tồn, gìn giữ nghề dệt lụa, nghề thêu tay truyền thống của cha ông.

Một thập kỷ sáng tạo với gần 20 bộ sưu tập áo dài đã khẳng định sức làm việc "khủng" của nhà thiết kế Lan Hương. Chị tâm sự, mỗi bộ sưu tập ra đời là một lần chị bị tress nặng nề. Và kỳ lạ là chị chỉ có thể thoát ra khỏi cơn căng thẳng đó bằng sự sáng tạo.

Yêu áo dài, yêu những gì thuộc về hồn cốt Việt nên Lan Hương gửi gắm trong những bộ sưu tập của mình những cảm nhận riêng về nét đẹp này: Đó là nét cổ kính, rêu phong trong "Hương sắc Hà Thành", "Huyền thoại Đông đô", là vẻ lung linh rạng rỡ trong "Lối hoa", "Gấm xuân", là nét thanh tao, sang trọng trong "Mùa sen" hay tràn đầy hương sắc trong "Khúc hoan ca"....

Nhà thiết kế Minh Hạnh đã dành những lời khen tặng cho đồng nghiệp của mình: "Có thể nói Lan Hương là "nàng thơ" của áo dài. Với một tâm hồn thánh thiện và tinh khiết, Lan Hương giữ gìn những giá trị của chiếc áo dài bằng chính chất liệu lụa Việt Nam và nghề thêu truyền thống Việt Nam".

Không chỉ chinh phục khách hàng khó tính bằng chất liệu và kiểu dáng, áo dài Lan Hương còn khiến giới thời trang phải ngỡ ngàng bởi khả năng phối màu độc đáo. Chị không phối màu theo bất kỳ một nguyên tắc nào, chị đặt màu nọ cạnh màu kia hoàn toàn theo sự mách bảo của con tim. Nhìn những hoa văn tinh tế trên mỗi sản phẩm đẳng cấp ấy thật khó hình dung chủ nhân của chúng chưa từng học qua một lớp thiết kế thời trang hay mỹ thuật nào. Mỗi chiếc áo dài của Lan Hương luôn là một tác phẩm nghệ thuật nhưng điều đáng nói là nó luôn có tính ứng dụng cao như cách nhà thiết kế Minh Hạnh từng nói vui: "Lan Hương là một trong số hiếm hoi những nhà thiết kế "đô la hóa" được tác phẩm nghệ thuật của mình".

Khi chúng tôi hỏi người phụ nữ bé nhỏ ấy rằng dường như áo dài đã mang lại cho chị tất cả: sự yêu mến, tin tưởng của khách hàng, những danh hiệu mà nhiều người mơ ước, thì chị thành thật rằng những điều đó hoàn toàn đến với chị bất ngờ. Chị chỉ biết làm việc và làm việc thôi. Những bộ sưu tập, những ý tưởng ấy đến với chị một cách tự nhiên. Chị không bao giờ có sự toan tính hay chuẩn bị trước. Thậm chí, chị còn bị bạn bè, báo chí mắng yêu là "nhà thiết kế làm truyền thông dở nhất Việt Nam".

Chị biết, điều này không tốt với người làm kinh doanh. Năm 2010, trong số khá nhiều những bộ sưu tập áo dài đặc biệt của các nhà thiết kế tung ra kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội thì cặp áo dài "Ngàn năm hội tụ" của Lan Hương đã để lại một dấu ấn đặc biệt.

Ban đầu, chị chỉ định thực hiện cặp áo dài đó như một cách tri ân áo dài, tri ân mảnh đất Thủ đô đã cho chị được thỏa sức với đam mê sáng tạo của mình. Không quảng cáo, tuyên truyền, bộ áo dài kỷ lục 10m lụa nguyên tấm do chính nghệ nhân Triệu Văn Mão dệt đã được âm thầm làm trong gần 2 năm với gần 100 thợ thêu tay cầu kỳ. Lan Hương đưa vào tà áo những họa tiết trang trí ở ngôi chùa cổ Vạn Niên (Hà Nội), những bức tranh tứ quý. Trong bộ áo dài đó, từng centimét vải đều được chau chuốt kỹ lưỡng làm nên tổng thể áo nam thêu nghìn rồng, áo nữ thêu nghìn phượng.

Hoàn thành, bộ áo dài được Hiệp hội làng nghề mang trưng bày tại triển lãm "Phố nghề, làng nghề", rồi Hội Di sản đưa vào trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long và chính Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xác lập "Kỷ lục Việt Nam" cho cặp áo dài đó. Đây là điều ngoài sức tưởng tượng của chị. 

Vượt ra khỏi biên giới quốc gia, các thiết kế của Lan Hương không chỉ được biết đến trong các dịp lễ hội, các chương trình thời trang lớn mà còn vinh dự được chọn làm quà tặng các chính khách khi tới Việt Nam. Đó là một vinh dự nhưng cũng là một áp lực không kém đối với Lan Hương bởi - như chị chia sẻ - thời gian các chính khách lưu lại Việt Nam thường ngắn, chị không chỉ phải may, đo mà còn phải suy ngẫm sao cho một món quà ý nghĩa đó thật phù hợp với người mặc. Mỗi lần như vậy, chị thường phải lên mạng tìm hiểu kỹ không chỉ về gu thẩm mỹ, sở thích mà còn những chương trình, hành động mà những chính khách hướng tới.

Ngoài những sự kiện lớn như APEC, ASEM… Lan Hương còn vinh dự là người thiết kế áo dài tặng cho nữ Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Thái Lan và khá nhiều phu nhân các nguyên thủ quốc gia khác.

Lan Hương không gọi tên những gì chị đang có là thành công, chị chỉ nói rằng mình là người hạnh phúc. Hạnh phúc khi mà những sản phẩm của chị được khách hàng yêu mến. Hạnh phúc khi được làm công việc đúng với đam mê của mình và giúp hàng trăm công nhân đảm bảo cuộc sống. Và nhất là hạnh phúc khi có một gia đình đầm ấm. Chị bảo, hạnh phúc ấy chị có được nhờ sự nỗ lực, cần mẫn, luôn biết đặt mình đúng hoàn cảnh chứ không bao giờ đánh đổi. Bận rộn đến mấy, chị vẫn thu xếp thời gian để trở thành người mẹ, người vợ, người phụ nữ đúng nghĩa của gia đình. Tình yêu áo dài của chị đã chinh phục người bạn đời, không những cùng chị nắm tay đi qua mọi chông gai mà còn tình nguyện từ bỏ công việc đang làm để trở thành một nhiếp ảnh gia ghi lại những dấu ấn trên con đường sáng tạo của chị. Và chính hạnh phúc ấy đã chắp cánh cho đam mê của chị thăng hoa.

                                                                                         Theo: CAND

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

3
Đang xem:
72.635.965
Tổng truy cập: