NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Người làm sống lại chữ Thái cổ
(Ngày đăng: 24/02/2014   Lượt xem: 429)
Lễ nghi, phong tục, những câu ca dao, tục ngữ, những khúc giao duyên tình tứ và cả những điệu xòe Thái cổ xưa nhất đều được tìm thấy trong những cuốn sách cổ đã bị bỏ quên.
 Sức hút của di sản ấy, càng đi sâu tìm hiểu, càng như mở rộng đến vô cùng. Đến lúc đó cụ Lò Văn Biến mới nhận ra mình đã bị chữ Thái cổ cuốn hút từ lâu, không thể dứt ra được dù chỉ đôi ba ngày.

Chữ Thái cổ có từ lâu như một bằng chứng sinh động cho nền văn hóa bền vững của dân tộc Thái, nhưng nhiều thập niên qua, ít ai chăm sóc, học hỏi và giữ gìn. Giờ đây ý tưởng khôi phục lại chữ viết của người Thái được chú ý. Hiềm một nỗi, những bô lão đã quá già, lâu ngày không cầm bút, trí nhớ không còn minh mẫn. Việc ghi chép lại văn tự gốc xưa, xem chừng rất khó khăn. May sao, chính trong thời kỳ đó, tại Mường Lò có một người lặng lẽ sưu tầm, truyền bá chữ viết Thái cho cháu con.



Cụ là Lò Văn Biến, nay đã có dư 80 tuổi đời, sống ở thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Bản tính cụ khiêm nhường, nhưng sự hiểu biết văn hóa, chữ viết Thái thì thật đáng kinh ngạc, không thế mà dân trong vùng coi cụ là người nắm hồn tinh hoa văn hóa Thái.

Vóc người nhỏ bé, săn chắc cùng mái đầu tóc bạc để dài gần xuống vai, trông cụ không khác một nghệ sĩ ẩn dật. Lúc ngồi sưu tầm văn tự cổ, cụ trầm ngâm, đôi khi bỗng nói to như có người đối thoại ngồi bên cạnh. Trở lại với đề tài chữ viết, cụ vừa trầm ngâm nghĩ ngợi, vừa hào hứng tỏ bày suy nghĩ riêng:

- Thuở nhỏ, tôi không nghĩ người Thái có chữ viết. Đa phần người trong thôn, bản nói tiếng Thái nhưng không mấy người biết viết. Duy có mấy thầy Mo biết. Tôi quyết định xin bố mẹ thóc gạo làm học phí, tìm đường đến nhà thầy Mo xa xôi mé rừng. Thầy nghiêm lắm. Mỗi lần đến, thầy chỉ cho đúng một chữ. Tập viết đến khi thành thục, thầy mới cho tiếp chữ khác. Học chừng 5,6 chữ mà không nhớ, thầy cho về luôn. Nhưng tôi không bị đuổi mà còn nhận được lời khen hiếm hoi của thầy. Học được vài tháng, thầy nói, ta hết chữ cho con rồi. Giờ con phải tự tìm lấy chữ mà học. Nếu thực lòng yêu chữ, chữ sẽ tìm đến con, cho con ánh sáng vào lòng để hiểu dân tộc Thái. Mai kia ta lại cắp sách tìm đến con mà học thêm.


Cụ Lò Văn Biến cùng sinh viên Nhật nghiên cứu văn hóa Thái.        Ảnh: Như Nguyễn

Thưở thiếu thời, cụ theo thầy Mo học chữ là do ham thích, muốn tìm hiểu một điều lạ ít người biết đến. Nhưng khi đã có kha khá chữ, cụ lại tìm đến những cuốn sách cổ và kho tàng văn hóa ẩn trong những trang sách cổ thêm thôi thúc cụ tìm hiểu nét văn hóa của người Thái. Càng biết, càng cảm nhận, cụ già Biến càng thêm trăn trở. Cụ cởi mở:


- Người Thái đã sáng tạo ra chữ viết của mình cách đây hơn 10 thế kỷ. Nhờ có chữ viết sớm, người Thái đã lưu giữ lại những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, mở rộng giao tiếp trong cộng đồng người Thái sang Nam Trung Hoa, Thái Lan, Lào, Mianma... Vì vậy nếu tiếng Thái không được khôi phục, truyền bá cho lớp trẻ thì thật đáng tiếc. Tôi e rằng, đến một lúc nào đó, chữ viết của dân tộc Thái sẽ biến mất. Lớp trẻ lớn lên không còn nhận biết nguồn cội, nhận ra vốn quý, chứa đựng hồn cốt, tâm thức của cha ông mà trân trọng, bảo tồn. Với tôi, dạy chữ, truyền bá văn hóa dân tộc cho dân chúng, đặc biệt là lớp trẻ không chỉ là niềm đam mê riêng mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng mà tôi tự vận vào đời mình .

Mang theo bầu nhiệt huyết truyền bá văn hóa dân tộc mình, năm 2006 cụ Lò Văn Biến quyết định mở lớp dạy chữ Thái đầu tiên ở địa phương. Nhưng phải đến năm sau lớp học mới chính thức khai giảng. Khóa đầu tiên có 10 học viên với nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó có học viên lớn tuổi là ông Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ. Khóa học sau, số lượng học viên lên tới 42 người. Đây là những hạt nhân quý để về các thôn bản, mở các nhóm học chữ. Đến nay cụ Lò Văn Biến đã mở được 7 khóa học. Sau mỗi khóa cụ chọn ra một số học viên trẻ, xuất sắc để bồi dưỡng làm “thầy” dạy chữ. Theo đó, chữ Thái đã được hồi sinh, giữ gìn, truyền bá rộng, đặc biệt có khá nhiều học sinh nhỏ tuổi, niềm hy vọng lớn của thầy Biến. Cụ tâm sự:

- Ngày nào còn hơi thở tôi vẫn còn đi dạy chữ, cho chữ và kể cho nhiều người nghe những câu chuyện đẹp về dân tộc mình, về mảnh đất mình, về tổ tiên cho bà con hiểu mà yêu lấy chữ, giữ gìn trân trọng báu vật của dân tộc  đã dày công tạo nên.

Song song với thời gian mở lớp, cụ Lò Văn Biến đã thành lập CLB, những người yêu thích học và đọc chữ Thái. Chỉ sau thời gian ngắn CLB đã có trên 50 thành viên. Mỗi khi sinh hoạt, những người tham gia CLB đem đến nhiều tư liệu đã sưu tầm được như: Ca dao, đồng dao, những nghi lễ được ghi chép, giải thích tường tận trong các sách cổ và đọc cho nhau nghe những áng văn xưa để hiểu biết thêm văn hóa, lịch sử dân tộc mình.

Do hiểu biết sâu rộng văn hóa, chữ viết Thái, những tư liệu quý mà cụ Biến sưu tầm, dịch và hiệu đính, năm 2006 UBND tỉnh đã mời cụ tham gia biên soạn bộ giáo trình tiếng Thái. Sau khi thẩm định chất lượng, bộ giáo trình của cụ đã được phổ biến rộng trên các tỉnh có cộng đồng người Thái sinh sống là Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái… Đối tượng được học tập là cán bộ các cấp tỉnh, huyện, xã công tác trong vùng sinh sống của người Thái. Đến đâu, cụ Biến cũng nói những lời giản dị mà thấm thía:

- Mình là người Thái, phải biết nói giỏi tiếng dân tộc mình, biết chữ viết của dân tộc mình. Trông nét chữ đơn giản vậy thôi, nhưng trong đó chứa nhiều truyện cho người già, trẻ em, nhiều câu hát con gái nghe được, phải rơi nước mắt, chàng trai nghe được vượt mấy ngọn núi, con suối đi tìm người mình thương. Bà con đọc được sách, sẽ biết cách trồng lúa, trồng khoai. Biết các điệu xòe mà ngày nay con trai con gái không còn mấy ai biết.

Đặc biệt là điệu “Xòe lớn” thu hút hàng trăm người, già trẻ, gái trai nhảy múa tưng bừng quanh đống lửa hồng, chào đón mùa xuân, lễ hội. Từ 6 điệu dân vũ được coi là bản gốc, sau này các nghệ nhân biên soạn ra nhiều điệu xòe khác, gần gũi với sinh hoạt cộng đồng thôn bản. Lớp trẻ cũng bị lôi cuốn vào những điệu xòe có nhịp điệu nhanh, mạnh, tưng bừng. Còn các cụ già vẫn trung thành với nhịp đi mềm mại, uyển chuyển  như nét xòe truyền thống xưa. Cụ Biến vào hội, như trẻ ra cả chục tuổi.

Sau nhiều năm gây dựng, nay tuổi đã 80 xuân, cụ Lò Văn Biến cảm thấy mãn nguyện. Chứ viết Thái, điệu xòe Thái, lễ hội Thái,… nền văn hóa Thái đã thấm vào tâm hồn thế hệ trẻ Thái. Đó là điều cụ Biến tâm nguyện cả một đời.

Cụ Biến cũng đã dịch những tác phẩm văn học giá trị như: “Xống chụ xôn xao” (Lời dặn dò người yêu) “Chuyện tình chàng Khun Lú với nàng Ủa”; “Chương Han” (Người anh hùng Chương Han”; “ Táy Pú Sấc” (Bước đường chinh chiến); “Quăm to mương” (Chuyện bản mường)... Phàm những ai chuyên nghiên cứu về văn học các dân tộc miền núi, không thể không tham khảo những cuốn sách do cụ Biến dịch, hiệu đính. Các nhà nghiên cứu ở Viện nghiên cứu văn hóa các dân tộc Việt Nam đánh giá cao sự trân trọng đặc biệt của người dịch đối với  tinh hoa văn hóa dân tộc Thái còn được lưu truyền cho đến ngày nay. Cũng xuất phát từ chữ Thái cổ sưu tầm được, cụ Biến đã “trình bản” 6 điệu xòe cổ: “Múa tung khăn”, “Vòng tròn vỗ tay”, “Nâng khăn mời rượu”,  “Phá xí”, “Đổn hồn”.


                                                                                        Theo: phapluatxahoi
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

27
Đang xem:
72.660.219
Tổng truy cập: