NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Hơn nửa đời người say mê chế tạo nhạc cụ dân tộc
(Ngày đăng: 04/12/2013   Lượt xem: 579)
Nghệ nhân Y Bhông đang thổi nhạc cụ đinh năm
 Nghệ nhân Y Bhông Niê (74 tuổi, trú tại buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) là một trong số ít người ở Tây Nguyên biết chế tạo các nhạc cụ dân tộc. Với 60 năm trong nghề, ông đã chế tác hàng nghìn nhạc cụ như đinh năm, đinh tăk, đinh tăk tà, đinh puoh, tù và, chuông gió... để phục vụ cho đời sống văn hóa của buôn làng, qua đó góp phần lưu truyền văn hóa đồng bào Tây Nguyên.

60 năm chế tác nhạc cụ dân tộc

Suốt sự nghiệp chế tác nhạc cụ dân tộc, nghệ nhân Y Bhông Niê đã nhận được những danh hiệu cao quý như: “Giấy khen của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Lắk vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nghị quyết TW5 về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (năm 2013); 2 lần nhận bằng khen của ban tổ chức những ngày hội văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội vì “đã có thành tích tham gia, đóng góp cho thành công những ngày văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội” (năm 2002, 2009); Bằng chứng nhận đạt “giải nhì chế tác và diễn tấu nhạc cụ dân tộc tại cuộc thi ngày hội văn hóa, thể thao các buôn đồng bào Êđê” do thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức lần thứ 5” (năm 2009)...

Y Bhông Niê là người đồng bào Êđê, từ nhỏ đã say mê với những âm thanh rộn ràng của các loại nhạc cụ trong các lễ hội. Năm 12 tuổi, Y Bhông ngày đêm theo các già làng trong buôn học chế tác nhạc cụ. Vốn đam mê lại ham học hỏi nên chỉ 2-3 năm, Y Bhông đã thành thạo việc chế tác. Đến nay đã 60 năm, ông đã chế tác ra hàng nghìn các loại nhạc cụ dân tộc được lưu truyền rộng rãi trong nước và quốc tế.

Nghệ nhân Y Bhông cho biết, việc chế tạo nhạc cụ dân tộc hoàn toàn theo lối thủ công, bao gồm vật liệu sử dụng như quả bầu khô, sáp ong, ống nứa... đến công cụ chế tác như con rựa, cưa tay... Những đồ dùng đơn giản, bình thường này khi qua bàn tay tài hoa của ông, đã tạo ra những nhạc cụ làm say đắm lòng người. 

Ví dụ như: Đinh năm, có cấu tạo gồm 6 ống nứa, được gắn vào thân ống bầu khô, âm thanh của đinh năm có âm vang xa nên dùng trong đám ma, trên rẫy hay trên rừng; đinh tắk, đinh tặc tà cũng làm từ ống nứa và bầu khô nhưng số lượng ống nứa ít hơn, âm thanh trầm, nhỏ, thường thổi vào buổi sáng để đánh thức buôn làng; tù và chế tác từ gỗ, được gọt đẽo thành hình sừng trâu, âm thanh mạnh mẽ, dùng để thúc giục tinh thần... 

Chế tạo các loại nhạc cụ này không hề đơn giản. “Việc chọn vật liệu phải kĩ càng. Ống nứa phải khô và tra để khỏi biến dạng, méo âm; quả bầu phải già, ống bầu phải có độ cong. Vị trí lỗ khoan trên mỗi ống nứa phải tương xứng với vị trí tay cầm...” Y Bhông chia sẻ. 

Chính vì vậy, để có những vật liệu chế tạo nhạc cụ ưng ý, Y Bhông thường tự đi sang các vùng lân cận để mua, một số khác như quả bầu khô thì ông tự trồng tại nhà để chủ động cho việc chế tác... Ngoài ra, ông còn có biệt tài nghe và chỉnh thang âm cho dàn cồng chiêng khi nhiều lần được Bảo tàng Đắk Lắk mời chỉnh âm thanh cồng chiêng hay nhạc cụ mỗi khi bị hư hỏng.

Nỗi niềm của nghệ nhân già

Y Bhông năm nay đã 74 tuổi, cái tuổi mà ông nói “mắt mờ tai kém”. Y Bhông kể khắp tỉnh Đắk Lắk, số người chế tác nhạc cụ dân tộc thành thạo đếm không không đủ trên đầu ngón một bàn tay, riêng tại buôn Akô Dhông thì ông là người duy nhất. Lý do khiến người làm nhạc cụ dân tộc hiếm bởi những người có thâm niên đã sớm về với đại ngàn, những người bằng tuổi ông phần nhiều đã mắt mờ, không đủ sức lực để chế tạo, trong khi lớp thế hệ trẻ bận rộn với công việc mưu sinh, không có thời gian chế tác, một phần khác không mặn mà với loại nhạc cụ này. 


Một số nhạc cụ dân tộc tại nhà Y Bhông

Đơn cử như các con của Y Bhông. Ông có 5 người con, nhưng chẳng có ai chịu theo nghề của bố mặc dù ông định hướng từ lúc bé. “Chế tác nhạc cụ phải có đam mê. Dù có gượng ép cũng không thể làm được đâu”, Y Bhông nói. Điều này khiến nghệ nhân già này ray rứt, trăn trở về sự mai một của nghề chế tác nhạc cụ dân tộc.

Sự trăn trở này được Y Bhông nhiều lần đề cập tại các buổi họp văn hóa ở cấp phường, sở. Bản thân Y Bhông ngày đêm tìm kiếm lớp trẻ đam mê với nhạc cụ dân tộc để truyền nghề bởi như ông nói: “mình bây giờ mắt mờ tai kém, biết làm nghề được bao lâu nữa. Chỉ mong tìm được lớp kế cận nối nghiệp chế tác nhạc cụ dân tộc để giữ văn hóa quý báu của ông cha mình”.
                                                                                              Theo: tamnhin

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.670.756
Tổng truy cập: