NGHỆ NHÂN -NĂNG KHIẾU - NGƯỜI CÓ CÔNG
Lửa nghề Chợ Thủ
(Ngày đăng: 23/09/2013   Lượt xem: 563)

Nghề mộc Chợ Thủ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Dù trải qua bao thăng trầm, khó khăn, làng mộc Chợ Thủ, xã Long Điền A (Chợ Mới, An Giang) vẫn đứng vững, trở thành làng nghề hưng thịnh ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Dân làng yêu nghề luôn nỗ lực xây dựng "thương hiệu", đời sống sung túc hơn nhưng con đường vươn xa của sản phẩm vẫn còn không ít rào cản.

Làng nghề trăm tuổi

Sự thăng trầm cùng biến cố lịch sử đôi lúc cũng khiến nghề mộc thủ công đất Chợ Thủ chìm nổi như con nước Cửu Long lúc lớn, lúc ròng. Thực tế, chẳng ai biết chắc mộc Chợ Thủ ra đời tự bao giờ, nhưng theo những cứ liệu lịch sử, đình Chợ Thủ có tuổi đời được xác định 181 năm, thì chắc chắn, nghề mộc nơi đây phải hơn 180 năm.

Dù đã 91 tuổi, nghệ nhân Hồ Văn Lai, tức Tư Chia thuộc thế hệ thứ ba có tay nghề xuất sắc nhất làng nghề, vẫn còn minh mẫn và tiếp tục truyền nghề cho thế hệ thứ năm, thứ sáu. Cụ chia sẻ: "Làng nghề có từ đời ông nội tui. Người làm thời đó ít lắm, chủ yếu là đóng tủ bàn ghế gia đình để xài thôi. Còn chạm khắc phải đến thời kỳ hai anh em của sư phụ tui là nghệ nhân Chín Xíu (Huỳnh Văn Xíu) và Tám Vinh (Huỳnh Văn Vinh). Ngày đó có một số chú bác, mấy anh giỏi, khéo tay như Tám Hưng, Mười Chi, Ba Cáo, Út Côn, Ba Phích, Mười Chu, Hai Mào... Rồi từ thế hệ này truyền cho thế hệ khác, chủ yếu là theo phương cách "cha truyền con nối", số ít còn lại mới theo thầy ngoài. Thế nên từ xóm nhỏ chỉ dăm chục hộ làm rải rác từ Cột Dây Thép đến trên mương Trà Thôn chừng cây số, giờ đã có hơn nghìn hộ với hàng chục nghìn bà con theo nghề. Người theo nghề mộc đã lan ra đến tận Mỹ Luông, xuống đến chợ Bà Vệ, sâu tận Long Điền B làm nghề càng thêm sung túc".

Nhất nghệ tinh...

Trong ngôi nhà đơn sơ dưới chân cầu Trà Thôn, cụ Tư Chia say sưa kể tôi nghe về cái nghề đã đưa người nghệ nhân vô danh đất miền Tây được gặp trò chuyện cùng Chủ tịch nước Trần Đức Lương và nhận nhiều bằng khen, huy chương vàng. "Ông bà dạy rồi cấm có sai, hễ đã đam mê, dấn thân vào nghề nào phải cố gắng làm sao phát huy hết mức tinh hoa của nó. Thời cuộc dẫu khó khăn cũng ráng tìm cách vượt qua. Nghề mộc này có lúc tưởng chừng đứt gánh, nhưng mình vẫn cố bám. Mà giờ nói của ăn, của để thì chưa kham, nhưng dẫu gì cũng hàng nghìn con người nơi đây được chén cơm, manh áo do nghề mang lại", lão nghệ nhân đúc kết. Ông cũng chính là tác giả của hàng loạt công trình điêu khắc gỗ tuyệt đẹp, độc đáo và hàng trăm công trình miếu mạo, đền thờ khắp xứ miền Tây... Trong hơn 100 đệ tử theo học, có người giờ thành chủ xưởng gỗ lớn ở đất Chợ Thủ lẫn miền Đông Nam Bộ đến đất bạn Cam-pu-chia.

Gian khó nhất là những năm đầu giải phóng. Cái đói còn lo chưa xong lấy gì mà chơi gỗ, cất nhà, chạm khắc. Thêm nữa, việc vận chuyển gỗ hết sức khó khăn, làng mộc vắng tiếng đục đẽo gần chục năm ròng. Hàng trăm thợ giỏi bỏ đi tứ xứ tìm kế sinh nhai. Nhưng từ cái khốn khó đó âu cũng là cơ duyên để bây giờ nghề mộc Chợ Thủ lan truyền, từ đất Cao Miên đến miệt Năm Căn, Cái Đước (Cà Mau) lên xứ Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước. Rồi hàng trăm thợ xuất ngoại qua nước bạn Cam-pu-chia hình thành mấy xóm nhỏ chuyên nghề tủ, bàn ghế, mần ăn ngày thêm khá giả. Nhiều thợ đã trở thành triệu phú, tỷ phú.

Nói về nghề, về làng, anh Phạm Thừa Khang chủ cơ sở mộc, chạm khắc lớn đã hơn 30 năm theo nghề chia sẻ: "Từ nam chí bắc nhiều làng nghề mộc lắm. Mộc Chợ Thủ dẫu sinh sau nhưng cách thể hiện của các nghệ nhân vẫn mang đậm chất phóng khoáng của người Nam Bộ. Mỗi sản phẩm đều do riêng một nghệ nhân vẽ, đục, khắc hoàn chỉnh riêng, thổi hồn qua từng vết chạm khắc, uốn lượn, tạo nên công trình nghệ thuật độc đáo. Như bộ tứ linh (long, lân, quy, phụng), hay tứ quý, tượng phật, bao lam, câu đối... mỗi nghệ nhân đều có cách phóng tác theo lối riêng mà không hề dập khuôn cứng nhắc. Bà con làng nghề luôn giữ uy tín bằng việc bảo đảm chất lượng từng sản phẩm với kỹ thuật chế tác lẫn chất liệu gỗ đúng yêu cầu của khách.

"Mấy năm nay tuy kinh tế khó khăn nhưng làng vẫn sống ổn định nhờ nhu cầu đồ gỗ, nhất là gỗ chạm khắc tinh xảo, chất lượng cao luôn có khách hàng. Đình chùa, miếu mạo cũng trùng tu đều đều khắp nơi nên công việc cứ luôn tay, luôn chân không ngớt. Nhưng làm gì thì làm, mình vẫn phải giữ chữ tín cho nghề, có "nhất nghệ tinh" thì mới được "nhất thân vinh" chứ!", anh Khang cười xòa.

Giữ lửa làng nghề

Về Chợ Thủ ngày nay, chỉ qua ngưỡng chợ Bà Vệ (Long Kiến, Chợ Mới) lên đến giáp ranh thị trấn Chợ Mới đã thấy những trại cây, trại cưa nằm dọc con đường liên xã. Bất kể ngày mưa hay nắng, tiếng đục đẽo, cưa bào vẫn đều đều vang lên khắp xóm trên, làng dưới. Bất kể trai tráng, người lớn, trẻ nhỏ, nam phụ lão ấu đều làm mộc và sống khỏe với nghề.

"Sao không khỏe, làm đầu tắt mặt tối mà còn không kịp nữa là khác. Mình làm uy tín, làng nghề cũng có tiếng gần xa. Mấy mặt hàng gỗ trên thị trường pha tạp tùm lum nên người biết xài đồ cứ đến đây đặt hàng vừa an tâm chất lượng vừa hợp túi tiền", anh Trần Văn Đông, một chủ xưởng bộc bạch. Nhưng anh Đông vẫn còn ưu tư bởi: Một định hướng bài bản cho làng vẫn là nỗi đau đáu của biết bao thế hệ làng nghề mộc tụi tui. Phần lớn anh em làm nghề đúng cái tâm, không phá giá, không lẫn tạp gỗ trong sản phẩm nhưng thiệt lòng tui biết cũng có ít người hám lợi nên bất chấp "làm rầu nồi canh chung".

Trăn trở chuyện truyền nghề cho thế hệ sau, lão nghệ nhân Tư Chia bày tỏ: "Tụi nhỏ thấy làm mộc này học cao cũng đục đẽo, học ít cũng đẽo đục nên nhiều đứa cứ mười mấy tuổi đầu là bỏ học, kiếm cả trăm nghìn mỗi ngày mà tương lai xám xịt. Muốn nghề được giữ và phát triển ngoài tay nghề còn phải có kiến thức thị trường, nền tảng tri thức mới làm được cái mới, cái sáng tạo, buôn bán hơn người ta chứ. Ở "ao làng" thấy mình tài mình giỏi, nhưng ra ngoài có lanh lợi hơn ai đâu. Tui biết nhiều làng mộc ngoài bắc còn giới thiệu sản phẩm lên in-tơ-nét, rồi đăng ký thương hiệu, bản quyền sản phẩm nữa. Làng này cả trăm cơ sở lớn mà có ai được cái thương hiệu gắn trong cái tủ, giường, cái bộ sa-lon nào bán đâu. Toàn mua bán, giới thiệu kiểu rỉ tai nhau thôi".

Hưng thịnh là thế, rạng danh là thế, thăng trầm là thế, nhưng một tương lai rộng mở hơn vẫn đang là mong ước với những ai tâm huyết cho con đường phát triển làng nghề Chợ Thủ. Để mãi mãi xứng danh trong nhóm "đệ nhất làng mộc đất chín rồng", cần lắm sự vào cuộc từ nhiều phía tỉnh, huyện, xã, ban, ngành cùng sự chung tay của những nghệ nhân tâm huyết.

Dẫu đã được công nhận là làng nghề từ năm 2006, thế nhưng đến nay, bà con làng mộc Chợ Thủ vẫn tự bơi là chính. Một số người có tâm huyết trong làng định đứng ra vận động thành lập hợp tác xã, tổ liên kết nhưng chưa triển khai. Nhiều bà con quen cung cách sản xuất gia đình nhỏ lẻ, sản phẩm tuy đẹp nhưng chưa có thương hiệu, nên chưa đủ sức cạnh tranh thật sự.

                                                                                                          Theo: Nhandan

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

2
Đang xem:
72.688.584
Tổng truy cập: