LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
(98)- Bảo tồn và phát triển nghề làm mây tre đan truyền thống
(Ngày đăng: 13/07/2024   Lượt xem: 19)

Bắc Giang là tỉnh có nhiều làng nghề. Các làng nghề ở đây được hình thành từ xa xưa, xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân với những bí quyết cổ truyền đã được đúc kết qua nhiều thế hệ, trong đó có các làng nghề mây tre đan.

Trải qua nhiều thăng trầm, những làng nghề mây tre đan tại Bắc Giang cần được vực dậy, bảo tồn và phát triển, gìn giữ những giá trị truyền thống quý giá, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội.

Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi tìm về Hợp tác xã (HTX) mây tre đan Thương Huyền ở xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa. Là người tâm huyết với nghề, bà Dương Thị Huyền, Giám đốc HTX mây tre đan Thương Huyền nhận thấy bà con trong xã quanh năm vất vả, có nghề truyền thống nhưng thu nhập lại thấp, trong khi nhiều địa phương khác cũng làm nghề mây tre đan nhưng lại rất phát triển. Để bảo vệ và thúc đẩy nghề mây tre đan phát triển trở lại, năm 2021, HTX mây tre đan Thương Huyền được thành lập. Hiện nay, HTX không chỉ là cơ sở sản xuất hàng hóa mà còn là nơi gìn giữ và phát triển nghề truyền thống ở địa phương. Bà Dương Thị Huyền chia sẻ: “Thời gian đầu mới thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất đến vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nhận thấy nếu chỉ xoay quanh rổ, rá, giần, sàng sẽ khó phát triển làng nghề, HTX quyết định chuyển sang làm đồ mỹ nghệ dựa trên nguyên liệu tre truyền thống. Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình, có hiệu quả của chính quyền địa phương và các ban, ngành chức năng; trong đó có việc định hướng và phát triển các sản phẩm mới phù hợp nhu cầu thị trường đã mở ra một hướng đi quan trọng cho sự tồn tại, phát triển của HTX”.

Bảo tồn và phát triển nghề làm mây tre đan truyền thống
    Hợp tác xã mây tre đan Thương Huyền (Hòa Sơn, Hiệp Hòa, Bắc Giang) liên tục cải tiến mẫu mã, sản phẩm. 
Bằng sự nỗ lực không ngừng, đến nay, HTX đã cho ra mắt thị trường hơn 40 mẫu mã sản phẩm các loại. Ngoài những sản phẩm truyền thống được cải tiến thành nhiều chủng loại hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch, đồ lưu niệm, thời trang, HTX thành công với nhóm sản phẩm đèn trang trí và các sản phẩm bằng mây tre phục vụ nhu cầu trang trí nội thất của các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê. Không chỉ bảo tồn được nghề truyền thống, HTX còn giúp đỡ những người yếu thế, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn có thêm thu nhập. Trước đây, bà Nguyễn Thị Ánh, 70 tuổi, chỉ có nguồn thu nhập chủ yếu từ làm nông, nhưng từ khi tham gia HTX, bà đã có thêm nguồn thu nhập ổn định. Bà Ánh phấn khởi chia sẻ: “Do sức khỏe yếu không thể làm công việc đồng áng nặng nhọc nên tôi đã làm cho HTX nhiều năm nay. Được HTX hỗ trợ việc làm, tôi có thêm nguồn thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng”.

Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến, phường Tăng Tiến, thị xã Việt Yên là nơi có nghề đan lát truyền thống nổi tiếng từ rất lâu đời. Làng có lịch sử hình thành nghề đến nay đã hơn 300 năm. Từ xưa, nghề mây tre đan vẫn chỉ là nghề phụ để người dân tranh thủ làm lúc nông nhàn. Lâu dài, nghề mây tre đan đã ăn sâu vào tâm thức của người dân và trở thành nghề truyền thống của phường Tăng Tiến. Phường Tăng Tiến có 5 tổ dân phố, nhưng hiện chỉ còn 4 tổ với gần 200 hộ giữ được nghề mây tre đan là: Bẩy, Chùa, Chằm và Phúc Long. Đi đầu trong phát triển và nâng tầm thương hiệu sản phẩm làng nghề là HTX mây tre đan Tăng Tiến. Thành lập từ năm 1999, HTX đã thu hút và đào tạo hàng trăm lao động có tay nghề cao, làm ra những sản phẩm có độ khó, tinh xảo và giàu tính nghệ thuật. Từ năm 2013 tới nay, HTX luôn duy trì phát triển ổn định, với từ 60 đến 80 thành viên, thu nhập ổn định 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ông Đinh Văn Tỉn, Chủ nhiệm HTX mây tre đan Tăng Tiến chia sẻ: “Trước đây, người dân sản xuất nhỏ lẻ, bán ở chợ kiếm thêm đồng ra đồng vào nên thu nhập rất thấp. Nhận thấy tiềm năng của nghề, chúng tôi quyết định thành lập HTX để hướng dẫn, đào tạo lao động và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập đáng kể cho người dân địa phương”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: “Hiện nay, việc cạnh tranh giữa các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp truyền thống với những sản phẩm công nghiệp diễn ra rất quyết liệt. Tuy nhiên, bằng việc không ngừng đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, nên các làng nghề truyền thống về mây tre đan ở Hiệp Hòa vẫn phát triển. Tuy nhiên, về lâu dài cần có những chính sách cho việc quy tụ, tập hợp phát huy khả năng của những nghệ nhân các làng nghề, xem đây là lực lượng lao động quý hiếm cần được chăm sóc, bảo vệ để bảo tồn, gìn giữ, phát huy nghề truyền thống”.

                                        Theo: qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

7
Đang xem:
72.712.053
Tổng truy cập: