LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
(89)-Làng nghề mộc xoay xở tìm “đầu ra”
(Ngày đăng: 13/07/2024   Lượt xem: 27)

Do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, trong nước và trước sự phát triển mạnh mẽ của nhiều loại vật liệu mới, sản phẩm từ nghề mộc truyền thống khó tiêu thụ. Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này đang rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, cắt giảm nhân công, xoay xở tìm thị trường.

Sản phẩm khó tiêu thụ

Khoảng hai năm nay, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng mộc truyền thống trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Tại thôn Mai Thượng, xã Mai Đình (Hiệp Hòa) từng có thời kỳ người dân “ăn nên làm ra” từ nghề mộc, sản phẩm được tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu sang Trung Quốc. Đại diện lãnh đạo thôn Mai Thượng cho hay, lúc cao điểm (2017- 2019), cả thôn có khoảng 300 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh nghề mộc, mang lại nguồn thu nhập lớn cho bà con song hiện giờ chỉ còn khoảng 100 hộ, hầu hết đều hoạt động cầm chừng. Số còn lại vì không trụ được nên đã thanh lý máy móc, chuyển sang làm công nhân khu công nghiệp, đi xuất khẩu lao động hoặc làm công việc khác.

Ngoài tích cực tìm kiếm thị trường mới, cơ sở sản xuất đồ mộc của gia đình anh Nguyễn Văn Cường, thôn Bãi Ổi còn giảm giá bán để tăng sức cạnh tranh.

Theo anh Nguyễn Đức Tiến, chủ một cơ sở sản xuất gỗ tại thôn Mai Thượng, gần hai chục năm theo nghề mộc nhưng chưa khi nào anh thấy chật vật như hiện nay. Sức tiêu thụ sản phẩm giảm mạnh đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của gia đình. “Nếu năm 2021 trở về trước, mỗi tháng tôi xuất khẩu được 5-6 bộ bàn, ghế, tủ sang Trung Quốc thì từ năm ngoái đến nay chưa được bộ nào. Thị trường trong nước cũng rất trầm lắng, mặc dù giảm giá song vẫn ế hàng, có khi cả tháng không bán được sản phẩm nào. Hiện gia đình tôi còn tồn khá nhiều hàng trong kho nên đã cắt giảm hết nhân công”, anh Tiến cho biết.

Hoạt động của làng nghề mộc truyền thống thôn Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) hiện cũng ảm đạm. Theo lãnh đạo xã Dĩnh Trì, làng nghề có hơn 150 hộ làm nghề mộc, trong đó riêng HTX Mộc Bãi Ổi có 54 thành viên. Tuy nhiên, gần đây, nhiều cơ sở đã thu hẹp quy mô sản xuất, giảm nhân công, thậm chí đã chuyển đổi nghề nghiệp. Đối với HTX Mộc Bãi Ổi, doanh thu giảm mạnh trong hơn hai năm nay. Cụ thể, năm 2022, doanh thu của HTX đạt 140 tỷ đồng, năm 2023 là 112 tỷ đồng và với tình hình như hiện nay, dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục giảm mạnh.

Theo bà Phan Thị Thỉnh, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất, mỹ nghệ Gấm Thỉnh, xã Dĩnh Trì, hàng tồn trong kho của gia đình bà lên đến hàng nghìn sản phẩm gồm: Bàn, ghế, giường, tủ, sập, đồng hồ, tranh, hương án... Tổng trị giá hàng tỷ đồng, trong khi đó gia đình đang phải gồng mình trả lương công nhân, chi phí thuê mặt bằng và lãi ngân hàng. Hiện nay, bà đã cắt giảm gần hết công nhân, nếu tình hình không có chiều hướng tích cực hơn, nhiều khả năng cơ sở buộc phải ngừng hoạt động.

Nỗ lực tìm thị trường

Tìm hiểu tại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng mộc truyền thống trên địa bàn phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang), thôn Đông Thượng, xã Lãng Sơn (Yên Dũng) cũng cho thấy tình trạng kém sôi động. Nhiều hộ dân đang cố gắng duy trì hoạt động để giữ chân công nhân với hy vọng thị trường sẽ khởi sắc hơn vào cuối năm.

Theo anh Lương Tiến Thành, Giám đốc HTX Mộc Bãi Ổi, ngoài ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, một trong những nguyên nhân khiến sức tiêu thụ sản phẩm mộc truyền thống giảm mạnh là do phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm được làm từ các vật liệu khác như: Nhôm, kính, nhựa, gỗ công nghiệp… Để thích ứng với tình hình hiện nay, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, bên cạnh chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm gỗ truyền thống, một số cơ sở sản xuất đã linh hoạt chuyển sang tư vấn, thiết kế, thi công đồ nội thất từ những vật liệu mới. Đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại để cho ra những dòng sản phẩm tinh xảo, độc đáo.

Nghề mộc từng tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Các làng nghề đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, trong tương lai, lĩnh vực này tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi cạnh tranh với các loại vật liệu khác ngày càng gay gắt. Dù vậy, trước mắt người làm nghề hy vọng dịp cuối năm nay thị trường tiêu thụ sẽ khởi sắc bởi tốc độ xây dựng các công trình dân dụng đã sôi động hơn.

Gia đình ông Nguyễn Văn Quyền ở thôn Bãi Ổi đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng máy móc hiện đại như: Máy cuốn, máy bào, máy đục vi tính, máy vanh, máy mài, máy khoan... Ông nhận thi công trọn gói nội thất từ cả sản phẩm gỗ truyền thống và vật liệu khác, nhờ đó mà cơ sở duy trì ổn định trong giai đoạn hiện nay. Các dòng sản phẩm mộc không đơn thuần chỉ là bàn ghế, sập, tủ, hương án mà còn có đồ gỗ nội, ngoại thất trong các công trình kiến trúc, nội thất văn phòng, nhà cổ…

Anh Nguyễn Văn Cường, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ ở thôn Bãi Ổi cho biết: “Trong lúc nhu cầu tiêu thụ đi xuống, chúng tôi không thể ngồi một chỗ chờ khách đến mua mà phải chủ động hơn trong việc tìm kiếm khách hàng ở những thị trường mới như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Nam Định, Thanh Hóa… Để vượt qua khó khăn, bên cạnh cắt giảm từ 30 công nhân xuống còn 12 người, chúng tôi chú trọng cải tiến chất lượng, mẫu mã và phát triển đa dạng sản phẩm, hạ giá bán nhằm nâng tính cạnh tranh". Trước đây, anh Nguyễn Đức Tiến chủ yếu bán hàng sang Trung Quốc thì nay tập trung chính vào thị trường nội địa. Anh tích cực tham gia vào các hội, nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội để chào bán, tiếp thị sản phẩm...

Nghề mộc từng tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân, các làng nghề đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương. Tuy nhiên, theo dự báo của một số chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, trong tương lai lĩnh vực này tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dù vậy, trước mắt, người làm nghề hy vọng dịp cuối năm nay thị trường tiêu thụ sẽ có nhiều khởi sắc bởi tốc độ xây dựng các công trình dân dụng đã sôi động hơn. Khi đó, sức mua nội thất gia đình cũng tăng theo, góp phần khôi phục và giúp các hộ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

                                         Theo: baobacgiang.com.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.711.998
Tổng truy cập: