LÀNG NGHỀ -PHỐ NGHỀ- GIA ĐÌNH TRUYỀN THỐNG
Tắc nghẽn chưa được khơi thông
(Ngày đăng: 22/03/2016   Lượt xem: 467)

                  Làng nghề phải được xây dựng với tư duy mới - nghệ nhân Nguyễn Sự trăn trở.

Nhiều làng nghề truyền thống từng có thời gian thịnh vượng, cho đến khi chỉ còn lay lắt với một ít hộ dân vẫn bám trụ giữ nghề, thì mong ước có một khu được quy hoạch tập trung để sản xuất, với họ, vẫn là ước mơ xa vời. Bởi quy hoạch thì đã có, nhưng vẫn chỉ được thể hiện trên mặt giấy.

Bất lực chờ… quy hoạch

Dọc quốc lộ 1A đi qua huyện Thường Tín và Phú Xuyên (Hà Nội) có tới chục làng nghề truyền thống, rất thuận tiện cho phát triển tuyến du lịch làng nghề. Vậy nhưng, khi nhiều đoàn khách nước ngoài muốn đến thăm và tìm hiểu sản phẩm làng nghề, cán bộ địa phương không biết phải đưa đến đâu. Cuối cùng khách nước ngoài được đưa đến nhà nghệ nhân Nguyễn Sự, làng thêu Quất Động (Thường Tín) vì… tiện đường và có mặt bằng rộng. Một câu chuyện thôi, nhưng phản ánh rõ cái yếu và thiếu của nhiều làng nghề truyền thống hiện nay. Nhiều nghệ nhân đã thốt lên xót xa, tiếc nuối. “Đâu phải chúng ta thiếu sản phẩm đẹp quảng bá thương hiệu và văn hóa đến bè bạn quốc tế, mà là thiếu một khu trưng bày, giới thiệu những tinh hoa. Nếu có quy hoạch tử tế, thì khách sẽ đến rất đông”, nghệ nhân Vũ Văn Giỏi (làng Đông Cứu) cho hay.

Ước mơ có ít nhất là một khu trưng bày sản phẩm của làng thêu, nhiều năm qua, nghệ nhân thêu tay nổi tiếng Nguyễn Sự (làng Quất Động) đã kiến nghị nhiều lần với chính quyền, các doanh nghiệp, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Người thì nói hết đất, người nói thiếu tiền. Bản thân ông vẫn tiếp tục kiến nghị, hy vọng một ngày ước mơ thành sự thật. Ông Sự chia sẻ: “Làng nghề phải được xây dựng với tư duy mới. Có điểm trưng bày, tham quan và quảng bá sản phẩm. Có vậy mới sống được, chúng tôi mới có thể giữ nghề của cha ông”.

Cách Hà Nội không xa, một trong những làng gốm cổ nổi tiếng miền bắc, là gốm Cậy, thuộc xã Long Xuyên (Bình Giang, Hải Dương), đến nay đã lâm vào cảnh hoạt động lay lắt. Nhiều người thợ lành nghề đã phải tìm việc khác để mưu sinh. Nguyên nhân không chỉ do yếu tố thị trường, mà một phần chính bởi sự thiếu quy hoạch, đã khiến cho những lò gốm bị lụi dần. Đến nay, làng chỉ còn gia đình nghệ nhân Vũ Xuân Năm vẫn cố gắng giữ nghề tổ tiên để lại, duy trì đốt lò truyền thống. Nhắc về thời hoàng kim, ông Năm tiếc nuối: “Nếu được quan tâm, quy hoạch thì làng chẳng đến mức như ngày hôm nay. Có thời, từ trẻ tới già, ai cũng biết nặn gốm, đắp bình. Giờ thì không còn nữa. Gia đình tôi may mắn, vẫn túc tắc hoạt động được. Cũng vì muốn được làm công việc mà tổ tiên truyền lại”.

Một vài thí dụ để thấy, cơ hội thì có nhưng ngay cả những người yêu và say nghề nhất cũng bất lực, chưa tìm ra lối thoát cho làng nghề. Tiếc thay, đó lại là tình trạng chung của hầu hết các làng nghề mà nếu không sớm có phương án phát triển, tất yếu sẽ bị mai một.

Hiện thực dở dang

Ông Lưu Văn Phúc, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín (Hà Nội) cũng bày tỏ tâm trạng “lực bất tòng tâm” khi nhắc đến chuyện quy hoạch làng nghề và xây dựng các khu trưng bày. Ông cho biết, nhiều làng nghề truyền thống đã rốt ráo kiến nghị, ước mong làng mình được khách thập phương biết tới, nhưng sau nhiều năm, mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ. Vị cán bộ trăn trở: “Xưa nay, làng nghề đều thiếu vốn đầu tư. Bây giờ cái khó của quy hoạch địa phương là chồng chéo với quy hoạch đất đô thị và quy hoạch xanh của thành phố. Thường Tín mới chỉ quy hoạch được vài làng, một số làng nghề lại đang xin mở rộng thêm”.

Đi sâu tìm hiểu tại Thường Tín, Phú Xuyên - khu vực được đánh giá là “kinh đô làng nghề”, có tới hơn 100 làng nghề và làng có nghề đã và đang tồn tại đều thiếu đầu tư, quy hoạch. Tính cả Hà Nội mở rộng, với 1.350 làng nghề và có nghề, thì tới 70% thiếu quy hoạch và phương án phát triển. Trong đó, từng có rất nhiều nghề truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa nổi tiếng, phát đạt trong khu vực đang bị mai một, hoặc gây ô nhiễm môi trường. Năm 2013, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2020, định hướng năm 2030, trong đó quy hoạch 152 cụm tiểu thủ công nghiệp. Kế hoạch là như vậy, nhưng hiện nay, nhiều dự án quan trọng vẫn chưa được thực hiện. Thậm chí, phần diện tích đất dành cho quy hoạch tại Sơn Đồng (Hoài Đức), Vân Hà (Đông Anh), Phú Diễn (Bắc Từ Liêm)… đã bị chuyển xây dựng công trình khác.

Có một thực tế ở hầu khắp các làng nghề, là quá trình quy hoạch được tiến hành hoặc dở dang, thiếu sót, hoặc chỉ tồn tại trong giấy tờ. Đơn cử như tại Nam Định, từ năm 2013, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt đề cương dự toán lập quy hoạch phát triển làng nghề nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Nhưng đến nay quy hoạch phát triển vẫn đang trong quá trình hoàn thiện để trình UBND tỉnh phê duyệt. Ông Phạm Văn Sơn - Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường Nam Định thốt lên: “Việc quy hoạch khu cụm làng nghề sản xuất tách riêng khu dân cư chưa thực hiện được. Việc di chuyển các hộ sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư còn gặp khó khăn do các hộ dân thiếu kinh phí di dời, đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và khó thay đổi tập quán; Quỹ đất dành cho quy hoạch ngày càng khó khăn”.

Áp lực giữa việc giữ nghề và chuyện mưu sinh đang đặt lên vai những người tâm huyết với nghề truyền thống những gánh nặng quá lớn. Trong khi nỗ lực bươn chải, họ vẫn trông đợi vào một cơ chế đủ sức khơi thông sự tắc nghẽn trong hoạt động sản xuất, mang lại cho môi trường làng nghề sức sống mới.

“Cơ quan chức năng cần “mạnh tay” hơn. Có làng, có nghề, sản phẩm đẹp, vậy vì sao mà không phát triển được? Chúng ta mong đợi những làng nghề được quy hoạch trên phương diện thẩm mỹ, văn hóa, để từ đó làm đẹp nông thôn mới, chứ không phải là những bản quy hoạch được kẻ vẽ vô hồn và… cho xong chuyện!” (KTS Trần Huy Ánh).

                                                                             Theo nhandan.org.vn

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

15
Đang xem:
72.686.293
Tổng truy cập: